Choáng váng khi đứng dậy có nguy hiểm không?

01/08/2018 - 19:00

PNO - Cảm giác đầu quay mòng mòng, hoa mắt, mất cân bằng – có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình từng bị một hoặc nhiều triệu chứng như thế khi đứng dậy khỏi chỗ ngồi hoặc khi bước ra khỏi giường?

Theo lý giải của giáo sư thần kinh học Phillip Low từ Bệnh viện Mayo (Minnesota, Mỹ), trái tim con người là một cái máy bơm. Khi bạn đứng dậy đột ngột, lượng máu vào tim bị giảm, điều này có thể gây giảm huyết áp tạm thời, phải mất một thời gian ngắn để cơ thể điều chỉnh khởi động và khắc phục tình trạng này.

Trong hầu hết các trường hợp, cảm giác choáng váng sẽ giảm dần trong vòng vài giây. Tình trạng này không đáng lo; đôi khi chỉ là dấu hiệu bạn ăn uống không đủ. Thiếu ăn có thể dẫn đến giảm đường huyết, còn uống không đủ nước sẽ làm chậm lưu lượng máu trong cơ thể.

Choang vang khi dung day co nguy hiem khong?
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng choáng váng - Ảnh minh họa

Các nguyên nhân khác gây choáng váng khi đứng dậy là kiệt sức do nhiệt, tập thể dục quá sức, mang thai, uống rượu và thiếu ngủ.

Nếu hiện tượng chóng mặt như trên xảy ra thường xuyên và không giảm, bạn nên gặp bác sĩ. Theo Phó giáo sư thần kinh học Christopher Gibbons từ Đại học Y Harvard, điều này cho thấy huyết áp đã giảm và không hồi phục. Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở người trên 60 tuổi, với tỷ lệ 5% - 10%.

Nếu thấy căn phòng như đang quay, có thể bạn gặp vấn đề khác liên quan đến tai trong gọi là chứng chóng mặt (vertigo). Tình trạng này có thể do nhiễm trùng ở tai hoặc chấn thương đầu.

Nếu bị mất ý thức sau khi đứng lên, dù chỉ kéo dài trong vài giây, có thể bạn bị rối loạn ở tim, hệ thần kinh và hệ thống nội tiết.

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI