Bị cá đuối chích, đã có lá bàng

09/05/2018 - 18:22

PNO - Cách đây nửa tháng, trong lúc tắm biển, tôi bị cá đuối chích vào chân.

Nhân viên y tế của khách sạn hướng dẫn tôi rửa sạch vết thương trong nước ấm và lấy máy sấy tóc sấy khô vết thương khoảng 15 phút. Tôi làm vậy thì thấy đỡ nhức hẳn và qua hôm sau thì hết nhức. Tuy nhiên, một tuần sau, vết thương sưng tấy rồi dần lan ra cả bàn chân. 

Bi ca duoi chich, da co la bang
 

Tôi lại được bác hàng xóm chỉ: “Hái lá (hoặc búp) bàng non nấu với nước sôi rồi ngâm vết thương, mỗi ngày 2-3 lần, sẽ hết đau”. Bác hàng xóm còn nói, người nổi mụn nhọt, bưng mủ, hay bị côn trùng cắn, đốt làm độc sưng viêm trị bằng cách này đều hiệu quả.

Tôi làm theo lời chỉ dẫn thì thấy đỡ đau hẳn. Ngâm chân hai ngày thì vết thương xẹp và hết đau. Ngâm đến ngày thứ tư thì chân bình phục hẳn. Vì thế, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm này với bạn đọc Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Đặng Thị Khánh Phương 
(Q.Bình Tân, TP.HCM)

Chúng tôi đã trao đổi kinh nghiệm của chị Khánh Phương với bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TP.HCM và được bác sĩ giải thích như sau:

Nọc độc cá đuối được lưu giữ trong các túi độc ở phần đuôi. Khi bị cá đuối chích, nọc độc sẽ phóng thích vào cơ thể nạn nhân. Các gai độc bị gãy nằm lại trong vết thương và khuếch tán qua các mô tổn thương. Biện pháp sơ cứu ban đầu là gắp bỏ các gai độc.

Nếu gai đâm quá sâu thì giữ chúng ở nguyên vị trí ban đầu, tránh làm gãy vì sẽ phóng thích nọc độc vào cơ thể nạn nhân. Rửa vết thương bằng dung dịch nước muối loãng nhằm loại bớt nọc độc, nhưng không được sử dụng bất kỳ hóa chất nào trên vết thương. Sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Có thể làm giảm đau bằng cách làm ấm nóng vết thương (vết thương nhẹ) như dùng máy sấy tóc, ngâm nước ấm khoảng 45 độ C,  do nhiệt có tác dụng phá hủy các protein trong nọc độc.

Bi ca duoi chich, da co la bang
 

Vết đâm của cá đuối như mô tả trong bài viết là đã bị sưng viêm, dùng lá bàng non có thể điều trị sưng viêm khá hiệu quả theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, cần thận trọng vì tùy mức độ nghiêm trọng của vết thương, nếu thấy không ổn nên đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Lá bàng có chứa nhiều chất hóa học có tác dụng diệt khuẩn, sát khuẩn rất tốt. Lá bàng cho hiệu quả cao trong việc làm lành các vết loét miệng, viêm da, diệt khuẩn, trị sâu răng, trị viêm họng, chữa mụn mủ, mụn đầu đinh, bệnh phụ khoa…

Cho nên ở nhiều nơi người dân dùng vỏ bàng sắc uống chữa lỵ, tiêu chảy và rửa các vết loét, vết thương. Lá còn dùng sắc uống chữa cảm sốt làm cho ra mồ hôi, hoặc lá tươi giã nát, xào nóng để đắp và chườm vào nơi đau nhức.

Bi ca duoi chich, da co la bang
 

Có thể dùng 200g lá bàng rửa sạch, nấu sôi với 2 lít nước sạch, để nguội rồi ngâm trong 15 phút đối với vết thương lên mủ. Đối với mụn nhọt thì lấy bông gòn thấm nước lá bàng và chấm vào mụn nhọt. Lá bàng có chất tanin sẽ giúp hút mủ và sát khuẩn vết thương.

Ngoài ra, các vị trí nếu không ngâm được, cần giã nát lá bàng và cho vào nước đun sôi lên, sau đó dùng băng gạc đắp lên vết thương. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, cơ địa cũng như cách thức thực hiện… 

Chỉ nên sử dụng lá bàng non, tươi, còn nhiều nhựa. Nước lá bàng chỉ nên sử dụng trong một ngày.

 Thùy Dương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI