Bệnh nhân chạy thận nói gì về bức tâm thư của bác sĩ Hoàng Công Lương?

23/04/2018 - 13:30

PNO - Không ai hiểu bệnh nhân bằng bác sĩ và có lẽ cũng chẳng ai hiểu bác sĩ bằng bệnh nhân.

Với những người suy thận, gắn với căn bệnh này ngót nghét chục năm khiến họ hiểu biết hơn về nó và về công việc của những bác sĩ đang điều trị cho mình. Cũng vì thế, khi đọc tâm thư của bác sĩ Hoàng Công Lương, họ cũng muốn nói lên ý kiến của mình.

Như đã biết, vụ tai biến chạy thận làm 8 người bệnh tử vong và 10 người bị tai biến nặng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017. Đây là vụ tai biến nghiêm trọng nhất trong hơn 40 năm Việt Nam triển khai lọc máu điều trị suy thận mãn. Sau khi tai biến xảy ra, 10 bệnh nhân gặp tai biến đã được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, xấp xỉ 100 bệnh nhân lọc máu tại bệnh viện này được chuyển về lọc máu chu kỳ tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội.

Benh nhan chay than noi gi ve buc tam thu cua bac si Hoang Cong Luong?
Những bệnh nhân trong “xóm chạy thận”

Cơ quan công an vào cuộc và xác định nguyên nhân vụ tai biến là do hàm lượng florua tồn dư sau bảo trì hệ thống nước RO sử dụng để chạy thận cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Đơn vị bảo trì hệ thống đã sử dụng loại hóa chất ngoài danh mục cho phép để bảo trì. Cơ quan công an cũng đã bắt tạm giam 3 người để điều tra vụ việc, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. 

Mới đây, bác sĩ Lương đã viết tâm thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước bày tỏ tâm nguyện với hy vọng được xem xét lại bản chất vụ án, xét xử công khai minh bạch, đảm bảo đúng người đúng tội. Phản ứng trước bức tâm thư này, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng trong cuộc phỏng vấn với những người có liên quan trực tiếp đến chạy thận thì hầu như ý kiến của họ đều đồng nhất.

Họ không phải chuyên gia y tế, cũng không phải bác sĩ chuyên khoa, nhưng kiến thức về chạy thận, về quy trình của việc chạy thận gần như nắm rõ sau chục năm “gắn bó” với căn bệnh này. Họ là những bệnh nhân đang sống trong “xóm chạy thận”, phố Lê Thanh Nghị (P.Bạch Mai, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội).

Bà Phạm Thị Xuân Lan (tỉnh Thái Bình), người đã có 8 năm chạy thận, cho biết: “Nên xem lại vai trò của những người liên quan, nhất là người phụ trách vật tư, bác sĩ Lương chỉ là người chuyên môn chữa bệnh thì làm gì có chuyên môn trong việc kiểm tra máy. Tôi cũng nằm cạnh một số người chạy thận ở Hòa Bình khi họ được chuyển xuống. Họ nói rằng, các bác sĩ trên đó rất tốt, làm việc có trách nhiệm. Không hiểu vì sao lại xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy”. 

Là bệnh nhân chạy thận được 11 năm, sống phụ thuộc vào máy, đặt hết niềm tin vào các y bác sĩ, bà Đinh Thị Trâm (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) bày tỏ: “Tôi thấy đây là sự tắc trách của người phụ trách máy lọc nước. Khi đã nhận bàn giao có nghĩa mọi vấn đề của máy đã được xử lý xong, bác sĩ chỉ cần chỉ đạo y tá cho bệnh nhân lọc thận. Nếu bệnh nhân tử vong do bác sĩ kê nhầm thuốc hay chậm trễ trong việc cấp cứu thì khác. Quy kết tội bác sĩ khi vấn đề ở người xử lý máy thì quá trái ngang cho nghề thầy thuốc”. 

Cũng là bệnh nhân chạy thận 11 năm, bà Lương Thị Huyền (tỉnh Hải Dương) phân tích: “Tôi thấy các bác sĩ chỉ thăm khám chứ không động chạm, sục rửa hay vận hành máy. Khi đọc được thông tin về bác sĩ Lương, tôi và mọi người trong phòng đều rất xôn xao vì đây đâu phải trách nhiệm của bác sĩ”.

Khẳng định rằng, rất tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ điều trị về căn bệnh suy thận, ông Nguyễn Văn Ba (xã Lục Sơn, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đề nghị: “Tôi thấy bắt lỗi bác sĩ là không đúng, chỉ nhận bàn giao mà cũng phải chịu tội thì hơi bị oan. Tâm thư của bác sĩ Lương viết như thế rất đáng để cơ quan chức năng xem xét lại”. 

 Chi Mai - An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI