Bệnh hậu môn - khó vì phận 'hạ lưu'

28/10/2017 - 05:30

PNO - Hậu môn - chặng cuối của ống tiêu hóa, cũng là cửa xả làm nốt việc đưa chất thải ra ngoài.

Khuất mày khuất mặt, chức phận “hạ lưu” nên hậu môn ít khi nhận được sự quan tâm đúng mực, đến lúc hữu sự lại gặp không ít gian truân.

Chẳng may hậu môn lâm bệnh, ngay khâu sơ chẩn đã gặp khó vì vị trí trắc trở không dễ “nhìn, sờ, gõ, nghe”. Người bệnh, nhất là phụ nữ lại hay ngại ngùng, xấu hổ dễ ngả theo ý tự lo đến khi bung bét mới đến bác sĩ. Vào viện vẫn chưa hết trần ai.

Benh hau mon - kho vi phan 'ha luu'
 

Đặc thù ẩm ướt, xú uế khiến việc săn sóc, chữa trị cho hậu môn gặp nhiều lao tâm khổ tứ, bệnh dây dưa khó lành đồng thời nguy cơ nhiễm trùng chực chờ. Chính vì vậy, bệnh hậu môn không nhiều nhưng đã mắc là “rêm mình” cho bệnh nhân lẫn thầy thuốc.

Dưới đây là một số chứng bệnh “phổ thông” của hậu môn.

Nứt kẽ: hầu hết khổ chủ là trẻ nhỏ nhưng người lớn cũng dự phần. Đau rát kèm đại tiện chảy máu là cặp đôi triệu chứng “thương hiệu” của bệnh hậu môn nói chung, nứt kẽ nói riêng. Táo bón, viêm nhiễm, dùng giấy vệ sinh kém chất lượng, biến chứng trĩ là những yếu tố khơi mào nứt kẽ.

Nứt kẽ hậu môn tương đối nhẹ, nếu được điều trị đúng cách đa phần khỏi dứt, không để lại di chứng. Vì những bất lợi nội tại mà bệnh dễ dằng dai, tái đi tái lại và đe dọa nhiễm trùng cao.

Benh hau mon - kho vi phan 'ha luu'
 

Trĩ: tên gọi các túi phình tĩnh mạch tại trực tràng - hậu môn. Táo bón, đứng nhiều, lạm dụng chất kích thích, stress, vệ sinh đại tiện kém, dùng giấy vệ sinh “bẩn”… là những bà đỡ phổ biến hình thành búi trĩ.

Ngày nay việc điều trị trĩ không còn trần thân như xưa, nhưng lại vì vấn đề nơi chốn mà bệnh trĩ cũng thuộc loại cứng đầu, nay khỏi mai đau. Đặc biệt vì dằng dai mà mối lo búi trĩ hóa ác tính buộc nhiều người phải nghĩ đến. Theo các chuyên gia, nếu không biến chứng hay viêm nhiễm kéo dài thì dù cù nhây thế nào, khả năng hóa ác của trĩ là rất hiếm.

Áp-xe hậu môn: túi mưng mủ ra đời từ ổ nhiễm trùng nặng tại hậu môn, từ vết nứt kẽ, búi trĩ, từ ổ nhiễm trùng nang lông của vùng da lân cận… Sưng tấy, đau nhức dữ dội, chảy mủ vàng, kèm sốt, mệt mỏi, suy kiệt… là những dấu chứng nhận diện áp-xe.

Không can thiệp kịp thời, nhiễm trùng có thể cháy thành vạ lây ra xung quanh, cơ quan sinh dục, xông ngược vào ổ bụng, không chừa cả nhiễm trùng huyết. 

Rò hậu môn: hậu quả nặng nề của nhiễm trùng hậu môn, đặc biệt khi có sự tiếp tay của ổ áp-xe. Rò hậu môn là tên gọi tình trạng ổ nhiễm trùng phá miệng trổ đường rò từ hậu môn ra da. Khổ sở nhất với người bệnh lúc này là thảm cảnh mất kiểm soát bài tiết, rò phân thải, mủ, nhầy ra da, hôi thối, ẩm ướt suốt ngày.

Polyp: là những khối tăng sinh  niêm mạc hậu môn - trực tràng, được xem như họ hàng với bệnh trĩ. Đại tiện ra máu, nhầy, bụng đau khó chịu… là những triệu chứng ngầm báo có polyp. Di truyền, quan hệ tình dục qua hậu môn, táo bón, áp-xe, tắc tĩnh mạch, lao ruột, phụ nữ mang thai… là những mầm ươm polyp hay gặp.

Benh hau mon - kho vi phan 'ha luu'
 

Ung thư: dấu hiệu nhận biết sớm ung thư thường chỉ loanh quanh những triệu chứng cơ bản như đau rát, đại tiện ra máu, sờ thấy u cục… Rất khó chỉ ra đích phạm nhưng lại khá dễ tìm thấy loạt yếu tố nguy cơ: tuổi tác, suy giảm miễn dịch, viêm nhiễm kéo dài, quan hệ tình dục qua hậu môn với nhiều người và đặc biệt không thể bỏ qua “chữ ký” của HPV, đồng tác giả ung thư vòm họng, cổ tử cung.

Thay đổi “tư duy” về táo bón

Để không “mất bò mới lo làm chuồng”, nhiều người cần có một cuộc “cách mạng tư duy” về táo bón. Không quá khó nói không với táo bón: tăng vài chục bước đi bộ, uống thêm vài cốc nước, thêm rau quả, chất xơ, kiêng dè chất kích thích…

Ngay khi xuất hiện dấu hiệu ùn tắc, cần can thiệp ngay. Đừng cho táo bón là chuyện nhỏ rồi bỏ qua trong bản khai bệnh với bác sĩ.

Giấy vệ sinh cần vệ sinh

Giấy vệ sinh mà không vệ sinh thì không phải bàn hậu quả với “người tiêu dùng” thế nào. Trái khoáy, càng cố tạo vẻ sạch sẽ, trắng muốt thì cuộn giấy lại càng dễ rơi vào sự quá đà trong việc sử dụng chất tẩy trắng, huỳnh quang, thạch cao…

Nguyên lý cắc cớ “rau không có sâu là rau ngậm thuốc” vận cả vào giấy vệ sinh. Chưa hết, cuộn giấy màu ngà ngà tạo yên tâm về chất tẩy trắng, nhưng lại khơi ra mối lo về nguồn nguyên liệu kém chất lượng, thậm chí từ phế liệu.

Hãy là người tiêu dùng thông minh với cả giấy vệ sinh. Chọn hàng có nguồn gốc, uy tín, đừng quên kiểm tra thành phần trên bao bì nếu có. 


Bác sĩ Đỗ Trình Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI