Triết lý của ông Đắc 'liều': Tôi làm việc thiện, không phải kiêng cữ

28/05/2017 - 16:30

PNO - Tích cóp hơn ba chục năm được một số vốn, ai ngờ ông lại tính mang đi xây cầu. Có người khuyên vợ chồng bà, rằng ông Đắc 49 tuổi, đang là năm hạn không nên làm việc lớn.

Năm ngoái, vợ chồng ông bàn nhau đem cây cầu treo bán... sắt vụn, thêm tiền đầu tư vào cửa hàng dịch vụ nông lâm sản. Chia tay cây cầu đầy kỷ niệm, có nhiều giọt nước mắt tiếc thương, nhưng với sự phát triển của nông thôn miền núi, cây cầu treo có tên là cầu Minh Thuận đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Ông bà chủ của nó cũng thỏa tâm nguyện giúp cho hơn chín ngàn bà con các dân tộc thiểu số không phải ngồi bè qua sông Bứa.

Triet ly cua ong Dac 'lieu': Toi lam viec thien, khong phai kieng cu
Vợ chồng ông bà Đắc - Tuyền bên cửa hàng của gia đình

Ý tưởng 'điên' của ông nông dân

Năm 2001, nghe chồng bàn sẽ đem hết vốn liếng gần nửa tỷ đồng của nhà bắc cầu treo qua sông Bứa, bà Tuyền choáng váng. Nhưng khi nghe ông Đắc phân tích rằng, người xưa tạo đức cho con cháu bằng việc “dựng quán, bắc cầu”, thì bà yên tâm.

Khúc sông Bứa đoạn chảy qua hai xã Mỹ Thuận và Minh Đài (huyện Tân Sơn - Phú Thọ) rộng khoảng 60m, nhưng nước chảy xiết. Hơn chín ngàn người dân tộc Mường, Dao, Kinh hàng ngày phải vượt sông bằng bè nứa, nhất là 600 cháu học sinh phải đi bè tới trường. Có những đợt nước lũ về, chính ông Đắc chứng kiến cảnh bè bị lật, các em nhỏ bị rơi xuống sông.

Sau khi thuê Công ty tư vấn giao thông Vĩnh Phúc làm bản thiết kế, ông Đắc xin phép chính quyền huyện Tân Sơn, xã Minh Đài thực hiện ý tưởng của mình. Tuy chính quyền đồng ý và động viên vợ chồng ông, nhưng không ít người cười cợt, gọi ông là “Đắc liều”, “Đắc điên”.

Bà Tuyền hồi ấy còn có sạp hàng ngoài chợ, nghe thiên hạ đàm tiếu về chồng, cũng buồn. Tuy vậy, bà tin tưởng chồng. Hai ông bà từng trải qua một thuở khó khăn khi phải oằn lưng đẩy xe đạp vượt đèo dốc, suối sâu vào từng thôn, bản bán dầu, bán muối cho bà con các dân tộc.

Tích cóp hơn ba chục năm được một số vốn, ai ngờ ông lại tính mang đi xây cầu. Có người khuyên vợ chồng bà, rằng ông Đắc 49 tuổi, đang là năm hạn không nên làm việc lớn. Ông Đắc cười: “Tôi làm việc thiện, không phải kiêng cữ”.

Rồi người ta thấy xe tải, xe ủi ùn ùn làm việc. Xi măng, sắt thép, dây cáp kéo về xếp đống ngoài bến sông. Suốt ba tháng trời, ông Đắc bỏ mặc bà vợ với sạp hàng, ăn ngủ luôn tại công trường, chỉ đạo thi công, giám sát công trình. Đến đầu năm 2002, cầu treo Minh Thuận hoàn thành.

Bà Tuyền mừng quá, chi tiền làm 20 mâm tiệc cho chồng mời quan khách và đại diện thôn bản hai xã tới dự. Bà con các dân tộc vui như được mùa, kéo về kín hai đầu cầu, đi thử qua, lại. Niềm vui của họ rất lớn, vì cả đời liều mạng qua sông bằng bè nứa, giờ tự dưng có người bắc cầu cho đi. Phòng Tài chính huyện quyết định cho ông Đắc thu lệ phí cầu với mức 1.000đ/xe máy, 500đ cho người đi bộ và xe đạp.

Mỗi học sinh 50.000đ/năm học. Ông Đắc bảo, lệ phí thu chỉ đủ bảo dưỡng cầu, nhưng mà trong lòng thanh thản, hạnh phúc. Đi khắp hai xã hai đầu cầu, người dân coi ông Đắc như vị cứu tinh.

Thuận vợ thuận chồng

Cầu treo Minh Thuận dài 77m, rộng 1,5m, cao 9m so với mặt nước sông. Sau khi hoàn thành, ông Đắc giao cho mấy người cháu họ quản lý, thu phí, tự trang trải. Khi nào bảo dưỡng cầu thì báo cho ông biết. Còn ông chủ, lại tiếp tục hành trình vào vùng sâu, vùng xa với những chuyến xe “bão táp”, buôn bán “gỡ gạc” lại vốn bỏ ra xây cầu và phụ bà vợ nuôi ba đứa con vào đại học.

Cuộc sống tưởng yên bình trôi qua, nhưng ông trời lại muốn thử thách lòng người. Tháng 7/2005, sau hai ngày mưa lũ tệ hại, nước sông vượt cả mức kỷ lục năm 1971, cuốn phăng cây cầu treo của ông Đắc. Mấy hôm lũ rút, ông ra bến sông, thấy cây cầu thân yêu của mình bị nước giật tung trụ cáp hai bên bờ, ông Đắc như người mất hồn.

Bà Tuyền cũng tiếc công tiếc của không kém, nhưng sợ chồng lo quá mắc bệnh nên phải gắng lấy nghị lực chăm sóc động viên chồng. “Anh đừng lo nghĩ quá. Cầu hỏng thì mình sửa lại có gì đâu”. “Nhưng tiền đâu mà sửa bây giờ?”. Lúc ấy bà Tuyền mới hé cho chồng biết, mấy năm nay bà buôn bán dành dụm được hơn một trăm triệu đồng, sẵn sàng giao cho ông sửa cầu. Đang buồn nẫu ruột, ông Đắc choàng ôm hôn cám ơn vợ. 

Việc đầu tiên ông phải làm là mua nứa ghép ba chiếc bè lớn. Thuê sáu thanh niên thạo việc sông nước chống phà hàng ngày bốn lượt đưa hàng trăm cháu học sinh qua sông. Việc đưa đón này hoàn toàn miễn phí, nhưng lương phải trả cho sáu người chống bè là 3 triệu đồng/tháng. Ủy ban huyện cũng thương vợ chồng ông nên hỗ trợ 40 triệu đồng.

Việc sửa cầu diễn ra trong vòng một tháng. Để phòng nước dâng cao, lần này ông cho nâng trụ cáp và mặt cầu lên nửa mét. Khỏi phải nói sự vui mừng của người dân hai xã bên cầu và người thân trong gia đình. Bà Tuyền tâm sự: “Hôm ấy vui lắm. Tối về tôi ôm chồng ngủ, cười khanh khách trong mơ. Lâu lắm mới ôm “động viên” chồng, vì mấy tháng trời ông ấy bỏ tôi nằm một mình, toàn ngủ ngoài bờ sông”.

Viên mãn 

Năm 2015, khi cây cầu bê tông rộng rãi được Nhà nước đầu tư xây dựng thì cầu treo của ông Đắc được “nghỉ ngơi”. Hai cây cầu cách nhau khoảng 100m và cầu mới vẫn được gọi là cầu Minh Thuận, như một cách tri ân người nông dân Lê Hữu Đắc.

Vợ chồng ông bà Đắc  - Tuyền rút về cổng chợ Minh Đài, mở một cửa hàng bách hóa tương đối lớn. Bà con các dân tộc bên xã Mỹ Thuận mỗi phiên chợ đều ghé thăm cửa hàng ông chủ cầu cũ, mua hàng hóa, vật tư sản xuất. 

Ba người con của ông bà đã ổn định công việc, đều là cán bộ nhà nước. “Bây giờ các cháu trưởng thành rồi, nhưng con cái vẫn giao cho ông bà trông nom. Hai ông bà vừa bán hàng, vừa chăm cháu”. Quan điểm của vợ chồng ông Đắc là còn sức, còn tỉnh táo thì tiếp tục làm. Không nên phụ thuộc vào các con mà phải làm chỗ dựa cho con cháu.

Năm nay ông đã bước vào tuổi 64, bà 62, nhưng trông hai vợ chồng vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn. Niềm vui mỗi ngày của đôi vợ chồng già hiện lên trên nụ cười, thể hiện tấm lòng nhân hậu, thanh thản. Họ tích cực tham gia những chương trình từ thiện, giúp đỡ bà con miền núi.

Các cháu học sinh nghèo thường vui mừng đón nhận những món quà ý nghĩa từ ông chủ cầu ngày xưa. Tấm lòng của vợ chồng ông, cũng đang bắc cầu cho nhưng tình cảm tương thân, tương ái của bà con các dân tộc ở nơi này.

Phùng Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI