Hẹn với Sài Gòn

18/02/2018 - 08:11

PNO - Trả Sài Gòn mộng mơ và lãng mạn những ngày tết cho người Sài Gòn. Qua tết, mình sẽ lại hẹn hò với cô gái mình yêu, cô gái mang tên Sài Gòn.

Từ lâu lắm rồi, khi những ca khúc về đô thành hoa lệ vang lên lúc chiếc kim của máy hát chạm vào những vòng rãnh đĩa than, thiết tha theo xoáy trôn ốc của chiếc loa màu đồng giống bông loa kèn trong dàn âm thanh bác tôi mang về từ Đông Đức, tôi nằm lim dim trong chăn, thò đôi tai ra, mường tượng về Sài Gòn qua giọng hát sang trọng của ca sĩ Thái Thanh. Khi ấy, tôi đã hẹn với chính mình: một ngày nào đó, ta phải tới Sài Gòn…

Hen voi Sai Gon
 

Những đứa học trò tỉnh lẻ chúng tôi hay say sưa nói về ước mơ đi ra khỏi thị xã, giấc mơ một lần theo dấu chân các anh hùng hảo hán, các gánh mãi võ trong tiểu thuyết, theo dấu chân nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, thử một lần được theo vó ngựa bác sĩ Yersin xuyên cao nguyên để tới Sài Gòn…

Và tôi đã hết sức ngạc nhiên khi biết không chỉ đám mọt sách, mà những chú bé bụi đời khu nhà ga, bến xe, đều có lý do riêng để sở hữu những giấc mơ chung một hướng địa lý: đi về phía Nam, phía Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, nơi dễ làm giàu và đổi đời! Ước mơ mãnh liệt đến nỗi đứa em trai út tôi từ khi năm tuổi đã bần thần khi chuyến tàu Thống nhất lao qua thị xã. Mẹ tôi luôn miệng dặn dò: “Nếu đi đâu lạc, cứ ngược đường tàu đi về hướng Bắc, đi mãi sẽ tới nhà mình con nhé”. 

Thì nhà tôi gần đường xe lửa, nhưng tại sao mẹ không dặn đàn em tôi đi xuôi, đi về phía Tây hay phía Đông để tìm nhà, mà lại là ngược? Đơn giản vì bà hay nói: “Tao đẻ ra tụi bay, tụi bay nghĩ gì trong đầu tao biết hết”.

Năm tôi học lớp Mười, cô bạn xinh nhất, tóc dài nhất khối, cạy tủ lấy trộm 500.000 đồng tiền bán rau của mẹ trốn lên tàu vào Nam. Nghe nói đi được một phần ba đường thì cô bị kẻ xấu lừa lấy hết tiền và quần áo. Không còn một xu, cô bé xuống giữa đường, khóc với ông trưởng ga để năn nỉ một cuộc điện thoại gọi về cho nhà trường, cầu cứu người nhà đón về (nhà riêng ở quê tôi thời đó làm gì có điện thoại).

Cô bạn nổi tiếng “hư hỏng” sau chuyến đi bất thành, suốt hai năm cấp III còn lại, gặp ai cô cũng cúi mặt. Nhưng “giấc mơ Sài Gòn” của cô không hề bị dập tắt. Giấc mơ trong chúng tôi cũng không đàn áp được, nó chỉ mạnh mẽ hơn, lấp lánh hơn, kèm nhiều kế hoạch chặt chẽ hơn, theo ngày tháng. 

Hen voi Sai Gon
 

Vì sao khát khao cập bến Sài Gòn mạnh mẽ trong chúng tôi như vậy? Nó như sức hút của những gì sáng sủa nhất, đẹp nhất, sôi động nhất. Hấp lực ấy không thể lý giải nổi, không thể cưỡng nổi, vừa vô thức vừa chủ đích, rồi cũng tới ngày chúng tôi bước về phía nó. Và có một Sài Gòn vẫn đợi tôi, sau bao lần hẹn bất thành. 

Một ngày tháng Một năm 1999,  tiếng hát “ba mươi năm ta mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào” trên chuyến tàu vào Nam đánh thức tôi dậy. Mở mắt, tôi thấy những nhịp cong của cầu Bình Lợi, thấy người Sài Gòn mặc áo gió chạy xe máy cặp sát hông tàu. Họ là những người Sài Gòn đầu tiên tôi gặp.

Tôi còn nhớ mình đã thò tay khỏi cửa sổ như muốn chạm tới từng chiếc áo gió trong buổi sáng mờ sương xem nó khác gì với những chiếc áo gió mùa đông quê mình. Thật may, tôi đã tới Sài Gòn trước tuổi 22, để có cả một quãng thanh xuân sôi nổi mà sống, mà yêu, sinh con, nuôi con lớn khôn rồi mỗi năm bình an nhìn sợi tóc bạc đi cùng thành phố.

***

Sáng nay, cũng như bao sáng khác, tôi bận vì “có hẹn” với Sài Gòn. Tôi chạy xe qua chục cây cầu nối đôi bờ kênh Nhiêu Lộc, rồi rẽ ngay chân cầu Lê Văn Sỹ, vào đường Trần Quốc Thảo. Khi những hàng sao dầu cao lớn, uy nghi hiện ra trên trục Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Cao Vân, tôi biết mình đã “tiến vào Sài Gòn”.

Chúng tôi, những kẻ hay mơ mộng thường rủ nhau “đi Sài Gòn chơi”, ấy là nói về một Sài Gòn trung tâm, nơi có nhà thờ Đức Bà, công trường Lam Sơn, hồ Con Rùa, mấy con phố phù hoa lấp lánh Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi…

Hen voi Sai Gon
 

Thói quen rất ư “Sài Gòn” của thị dân Sài Gòn là đi đâu qua trung tâm cũng phải “đánh một vòng” quanh những công trình kiến trúc lưu giữ thời gian. Thế mới biết, khi thương xá Tax bị đập đi để xây mới, người Sài Gòn đã xót xa thế nào. Không hề cản ngăn việc thành phố trở mình thay đổi, nhưng ký ức thì luôn có lý lẽ riêng khiến người ta hoài cổ, lưu luyến.

Tuổi thơ qua đi, tuổi trẻ xa rồi, cả thời trung niên mơ màng cũng nằm đâu đó trên từng góc phố, từng ô cửa gỗ của các biệt thự phủ hoa giấy, từng nét chạm trổ trên phù điêu tòa nhà bưu điện thành phố, trên tòa nhà bảo tàng lịch sử... không thương sao được.

Không thương yêu chính mình, mà phụ bạc chính mình thì đâu phải khí chất người Sài Gòn! Nhưng rồi người Sài Gòn vốn lạc quan và mạnh mẽ, lại nhanh chóng vui say bước trên đường hoa Nguyễn Huệ, ngắm nhìn công trường nhà ga điện ngầm còn ngổn ngang mà mơ về một cảnh sắc văn minh hơn.

Không lâu nữa, những đứa trẻ con cháu chúng tôi sẽ tiếp nhận một Sài Gòn mới, hối hả và hiện đại. Và những cuộc hẹn hò, những chuyện tình, những chuyến trở về hay ra đi, chắc chắn lại bắt đầu từ một nhà ga trong lòng phố xá, như vô vàn những cuộc hội ngộ chia ly từng thấy trên phim ảnh Âu - Mỹ.

Trước nay, mỗi khi hẹn đi đâu đó, chúng tôi hay chọn nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện làm điểm tập kết. Không chỉ công bằng cho dân từ phía Q.2 vào, từ Q.4, Q.7 sang, hay từ Gò Vấp, Tân Phú lại… mà còn là một điểm khởi phát cho những niềm vui, niềm hứng khởi. Nơi này xưa tôi cũng hẹn người yêu, chờ đợi bạn bè.

Hen voi Sai Gon
 

Cột mốc số 0 của Sài Gòn nó nằm chỗ nào, tôi chưa từng thấy, chỉ biết, nếu có, nó sẽ nằm đâu đó khu này. Và nếu còn được “đánh dấu” mình đang tồn tại ở cột mốc số 0 của một nơi như Sài Gòn, như chú chó con tung tăng đánh dấu lãnh địa mình hoạt động, chẳng phải là một niềm tự hào, vui thích muốn khoe với cả thế giới đó sao?

***

Nhiều lần, bạn bè chuẩn bị đi du lịch hỏi tôi “Sài Gòn có gì đặc trưng?”, tôi ngẫm nghĩ rồi nói: “Có những con đường, những biệt thự cổ đẹp lắm. Rồi cà phê vỉa hè và những hàng sao dầu, không lẫn vào đâu được”.

Từ kẻ không biết uống cà phê, tôi đã thành dân nghiện thứ nước đắng mê hoặc ấy. Không hẳn phải lòng chất cafein trong đó, mà chính là tôi phải lòng cái không gian sinh hoạt rất thị dân này. Nha Trang, Phan Thiết, Hà Nội hay Đà Lạt đều có cà phê cóc, cũng ghế nhựa ngồi nhìn người xe xuôi ngược, cũng có người bán vé số đi qua, người đánh giày đi lại, cũng vài gốc cây sần sùi; nhưng tôi thấy cà phê vỉa hè Sài Gòn rất khác. 

Buổi sáng, người Sài Gòn ngồi san sát nhau trên vỉa hè, nhưng không hề ồn ào. Đa số họ ngồi một mình, bên ly cà phê, cạnh đó là ly trà đá, xưa kia thì có tờ báo, nay thì ai cũng đọc báo online trên điện thoại. Đôi khi bạn bè hẹn nhau, nếu không trò chuyện thì cũng một mình một thế giới riêng, chẳng phiền hà gì nhau.

Cà phê vỉa hè rất rẻ, nên anh giao hàng, chị bán quà rong, cô gái sành điệu giày gót nhọn hay ông Tây vừa bước ra từ công sở lộng lẫy, tất cả đều bình đẳng như nhau trước ly cà phê. Một trật tự lặng yên và văn hóa. Càng ngồi cà phê vỉa hè, tôi càng hiểu, phong cách là thứ người ta không thể sắm về và khoác lên. Phong cách chỉ có thể tỏa ra từ trong lòng sự vật, hiện tượng.

Hen voi Sai Gon
 

Và cà phê vỉa hè Sài Gòn sở hữu một phong cách quyến rũ vô cùng. Nên chẳng lạ gì mà anh thủ tướng đẹp trai xứ người, sau một buổi sáng uống cà phê lề đường Lê Thánh Tôn đã phát biểu: “Cà phê Sài Gòn ngon nhất thế giới!”. Ừ, chúng tôi hiểu cái ý “ngon” của anh rồi, anh thủ tướng ạ!

Nhiều khi, theo tháng năm, tôi trở nên thân với chủ quán, rồi từ đó mà ra những câu chuyện cuộc sống buồn buồn. Góc đường Lý Tự Trọng, Q.1 có anh kia bán cà phê, người Sài Gòn gốc. Anh luôn nghĩ sẽ đi khỏi nơi này, tới một chân trời mới, nơi có người thân đang chờ đợi.

Chăm chỉ một thập niên vừa khuấy cà phê vừa học tiếng Anh, một ngày nọ, đúng khi đạt được ước mơ xuất cảnh sang Mỹ, anh lại chảy nước mắt nói với tôi, anh không thể rời xa thành phố và góc đường này được. Anh quyết định ở lại, tiếp tục khuấy mỗi ngày một trăm năm mươi ly cà phê, anh nói, số tiền kiếm được đủ sức nuôi con anh du học. 

Chủ của xe cà phê trên một con hẻm đường Điện Biên Phủ khi xưa là một cô gái đẹp nức tiếng chợ dược phẩm Lý Thường Kiệt. Vì vật đổi sao dời, vì người đàn ông chung nhà không tốt, tới một ngày cô mất trắng, phải ra đường bán cà phê. Chiếc nón lá không che được nhan sắc.

Quán nhỏ lèo tèo khách dưới bóng cây lim xẹt. Giá chỉ 12.000 đồng một ly, nhưng cô chủ không từ bỏ thói quen dùng nước hoa Bulgaria, hương lài quấn từng bước chân khiến buổi sáng của nhiều khách nam thành ra ngơ ngẩn. 

Hen voi Sai Gon
 

Góc cà phê Phạm Ngọc Thạch, ngay hẻm vào nhà nhạc sĩ họ Trịnh là nơi vợ chồng một cựu giảng viên đại học ở Huế sinh nhai. Khách đông, nên họ cũng khó tính lắm. Nói chuyện ồn ào, chìa chân quá dài ra lòng hẻm là bị nhắc nhở. Mỗi lần đi cà phê chốn này, tôi hay liếc nhìn vào giàn bông giấy nhà ông nhạc sĩ mà nghĩ, ông cũng như chúng tôi, phiêu bạt bao nơi, và cuối cùng không cưỡng được sức hút của Sài Gòn. Mảnh đất này đã neo chân ông tới cuối đời. 

***

Dân nhập cư mỗi năm đổ về Sài Gòn trên 70.000 người, một bài báo nào đã nói thế. Lúc tôi tới, thành phố này chỉ 7 triệu dân, hai mươi năm qua, bây giờ con số đã là hơn 11 triệu. Thành phố nở ra, chật chội thêm theo những bước chân người nhập cư. Muốn biết người nhập cư đông cỡ nào, cứ thử ở lại ăn tết Sài Gòn sẽ rõ. 

Có sáng mùng Một, đưa gia đình lên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm uống cà phê, tôi gần như không nhận ra đây chính là con đường tôi hay qua lại. Phố xá vắng lặng, lâu lâu một bóng xe vụt qua, làm xao xác đám lá sao dầu khô. Những hàng cây trầm mặc đứng hai bên, giống hệt hình ảnh trong bưu thiếp chụp Sài Gòn cổ, từ đầu thế kỷ trước.

Đấy chính là một Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh diệu vợi và mơ màng vốn có của người Sài Gòn. Một Sài Gòn sạch bong bụi bặm. Đường sá cất hết những nhếch nhác hàng quán vào trong, chỉ chìa ra mặt phố cánh cửa im ỉm và đôi chậu hướng dương, cúc vạn thọ vàng rực trong nắng.

Đấy là Sài Gòn thanh tao nguyên bản mà cả năm trời mới bày ra, dành dụm cho người muốn gặp. Đấy là khi những bước chân tất tả ngược xuôi của người tha hương tứ xứ đã dồn lên những chuyến tàu, chuyến xe về với ruộng đồng, rơm rạ; với tình thân, với ký ức tuổi thơ, với những khát khao gặp lại người xưa, như đi theo câu nói của mẹ tôi “cứ ngược đường sẽ về tới nhà”. 

Năm nay, tôi đã mua được vé cho cả gia đình về quê. Ngay khi cầm vé, tôi đã có ý nghĩ, vậy là trả Sài Gòn mộng mơ và lãng mạn những ngày tết cho người Sài Gòn. Qua tết, mình sẽ lại hẹn hò với cô gái mình yêu, cô gái mang tên Sài Gòn. 

Hồng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.