Chúng tôi nói về chúng ta

07/03/2014 - 19:50

PNO - PN - Ngày 8/3 là dịp tôn vinh phụ nữ, cũng là ngày khiến phụ nữ đôi lúc chạnh lòng khi ngẫm về thân phận cực nhọc và thiệt thòi của mình. Phụ nữ khát khao, chờ đợi gì ở cuộc sống, ở người đàn ông của mình? Nhạc sĩ Dương...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vẫn nữ tính, dù làm “nghề đặc biệt”

Nhà báo Minh Thùy (biên tập viên báo Tuổi Trẻ):

Mọi người hay nói: “Phụ nữ làm nghề báo thì chẳng thể làm việc nhà, không thể chu toàn nội trợ, không biết chăm sóc gia đình…”. Tôi không tin điều đó. Điều quan trọng là mình coi gia đình là gánh nặng hay niềm vui, gia vị cho cuộc sống phong phú hơn? Và, nếu yêu thích công việc nội trợ, thấy việc chăm sóc người khác là niềm vui, thấy công việc chuyên môn là đam mê thì mình sẽ có cách để dung hòa mọi thứ, có thể làm “tròn vo”, không hề sao nhãng mảng nào.

Những ngành nghề khá “đặc biệt” như làm báo, công an, nghệ sĩ, kinh doanh, công tác đoàn thể, chính khách… chỉ giúp cho người phụ nữ đó có cuộc sống thú vị hơn mà thôi. Với những gì tôi đã sống thì có lẽ tôi chỉ cần một người đàn ông yêu mình, hiểu và thông cảm với công việc của mình là đủ.

Chung toi noi ve chung ta

Hiện tôi chưa có gia đình riêng nhưng vẫn vướng bận gia đình vì có nhu cầu… vướng bận. Thời gian trước, vừa làm quản lý phòng chuyên mục của Đài truyền hình Bình Phước, vừa trực tiếp thực hiện chuyên mục “Sức trẻ hôm nay” và còn đi học trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, tôi vẫn làm những việc rất nữ tính là tình nguyện đến chăm sóc vợ chồng bác thương binh trong trận Điện Biên Phủ, có hoàn cảnh neo đơn. Vết thương ngày xưa tái phát, bác trai bị lở loét, hoại tử ở lưng, mông. Bác gái ốm yếu lại bị đau nhức xương khớp, không đủ sức dìu đỡ, săn sóc bác trai. Hễ rảnh việc, tôi liền chạy đến nhà bác, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, xoa bóp, tìm lá cây thuốc giã đắp, nấu nước tắm cho bác… như con cái trong nhà. Xa nhà, gần gũi các bác thì mình có hơi ấm tình thâm, vơi bớt mệt nhọc của công việc. Lượng công việc ngày một dày lên, làm thời sự thì như có con mọn nhưng tôi còn đi dạy ở trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Bận bịu, tôi vẫn tự thuê thợ, xây nhà. Thỉnh thoảng, tôi xung phong nấu ăn, rủ bạn bè về nhà chơi, làm kim chi, yaourt. Cuối tuần, lại gọi em trai ở quận Thủ Đức đưa mấy nhóc về nấu nướng cho chúng ăn… Tối nào tôi và em gái cũng nấu cơm cùng nhau, bày biện món này món nọ, thấy rất vui và ấm cúng.

Nhạc sĩ Dương Thụ:

Tôi cũng có vợ là nhà báo nên hiểu được những điều chị Minh Thùy nói. Giới tính với nghề nghiệp chỉ có thể cản trở những người phụ nữ hời hợt hoặc cực đoan trong suy nghĩ về nghề, những người thiếu tình yêu và sự say mê, và có thể cản trở những... thiên tài như nữ bác học Marie Curie, vì dốc hết tâm sức vào nghiên cứu khoa học nên không thể nấu món xúp cho mình mà nhiều khi phải ăn cà rốt sống cho qua bữa. Nhưng đây chỉ là ngoại lệ.

Chung toi noi ve chung ta

Bên lĩnh vực âm nhạc cũng có những người thuộc phái nữ hiểu và sống như Minh Thùy. Mỹ Linh là một ví dụ. Linh vừa giữ được vị trí đỉnh cao trong nghề nghiệp gần 20 năm nay, vừa chăm lo gia đình vô cùng xuất sắc, không cái nào phải hy sinh cho cái nào, cả hai bổ sung cho nhau. Linh càng yêu thương chồng con, càng dốc sức cho gia đình thì tiếng hát càng đằm thắm hơn, sâu sắc hơn.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh:

Chung toi noi ve chung ta

Minh Thùy là một nhà báo có nghị lực. Không phải nhà báo nữ nào cũng tự chủ được như vậy. Phải có ý chí mạnh, sống có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão cao đẹp thì con người ta mới quên phần ích kỷ của mình mà sống cho tha nhân. Rõ ràng Minh Thùy đã chọn cho mình một hướng đi và quyết tâm theo đuổi hướng đi đó đến cùng, không hối tiếc hoặc quay đầu lại. Tôi thích cách quan niệm của Minh Thùy, rằng mỗi ngày được sống lương thiện cùng mọi người để đêm về có một giấc ngủ ngon vẫn hơn xa những ngày 8/3 nặng phần trình diễn hình thức.

Đàn ông làm nội trợ chẳng có gì là mất sĩ diện

Nghệ sĩ Ái Như:

Trong xã hội hiện đại, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động trong các lĩnh vực cũng tương đương với nam giới - nghĩa là trách nhiệm với xã hội đã được chia sẻ cho cả nam lẫn nữ. Vấn đề bình đẳng giới đã được công nhận và đề cao. Trong gia đình thì chồng và vợ cũng như hai mái của ngôi nhà, không thể thiếu mái nào. Người phụ nữ trong gia đình có vai trò giữ lửa, góp phần cùng người đàn ông xây dựng gia đình tốt đẹp. Người phụ nữ hiện đại thường gặp khó khăn trong việc dung hòa giữa công việc và gia đình. Áp lực của công việc, thời gian có hạn, sức khỏe hạn chế so với nam giới… khiến người phụ nữ không dễ chu toàn cả công việc lẫn gia đình. Vì thế, người phụ nữ cần có sự thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình và cả sự hỗ trợ của các dịch vụ gia đình…

Chung toi noi ve chung ta

Sân khấu Hoàng Thái Thanh hoạt động bốn năm nay. Tôi vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, vừa là tác giả kịch bản, vừa là phó giám đốc phụ trách kế hoạch. Công việc rất nhiều và đầy áp lực. Không hề có sự phân biệt giới trong môi trường làm việc của tôi. Tôi không tự đặt ra một hình mẫu gia đình như thế nào. Đơn giản tôi chỉ mong muốn có một gia đình êm ấm, con cái nên người… Do công việc quá bận rộn nên tôi không thể trực tiếp lo chuyện bếp núc, quét dọn nhà cửa … mà tất cả nhờ vào một người cháu gái, tôi chỉ quán xuyến chung. Nếu không có người cháu gái này, e rằng tôi khó có thời gian mà hoạt động nghệ thuật. Ngẫm lại, tôi thấy mình cũng thiếu sót với gia đình. May mà chồng con tôi đã rất thông cảm và chia sẻ.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhà tôi chỉ có hai người. Vợ tôi nửa tuần đầu rất bận, đi từ sớm và tối mới về. Nhà lại không thuê người giúp việc nên việc nhà phải thay phiên nhau làm. Tôi vẫn đi chợ nấu cơm, quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn tược và nuôi cá, vịt. Ngày nào tôi cũng phải bỏ ra ít nhất là hai tiếng cho công việc “nội trợ” và những việc lặt vặt trong nhà vốn dành cho phụ nữ. Làm được như thế, thấy yêu gia đình mình hơn. Đàn ông làm nội trợ chẳng có gì là mất sĩ diện. Sĩ diện của tôi không nằm ở chữ nhạc sĩ hoặc những danh hiệu to tát mà các nhà báo, công chúng hoặc bạn nghề gắn cho. Sĩ diện nằm ở chính con người thực chất của mình. Sống tử tế, làm nghề tử tế thì dù có quét nhà, nấu cơm, đi chợ “hầu vợ” lúc vợ bận bịu công việc xã hội, cũng có sao đâu.

Thời đại trọng nam khinh nữ đã qua rồi. Chỉ có điều nam nữ bình quyền không có nghĩa là người phụ nữ phải ngang bằng với nam giới về mọi mặt. Bình quyền là nam nữ có quyền làm đúng với khả năng của mình, đúng với giới tính của mình. Nữ là phái yếu (yếu về sức lực), hơi thụ động một chút (chủ động quá thì thành đàn ông mất), hơi phù phiếm một chút, tính tình mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn, vì vậy không phải công việc nào cũng thích hợp. Đấy là sự khác biệt chứ không phải sự hơn kém.

Chung toi noi ve chung ta

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Khi yêu nhau người ta cùng nhìn về một hướng. Đến khi gá nghĩa vợ chồng thì càng phải là tình bạn tri âm. Vợ chồng mà không hiểu nhau thì cũng giống như hai diễn viên, mỗi người tự phân thân sắm đủ vai nhưng càng diễn càng dở và càng giả dối. Sở dĩ Ái Như có thể toàn tâm toàn ý hiến mình cho nghệ thuật vì chị đã có chỗ dựa lưng lúc kiệt sức. Đó là tình tri kỷ của ông chồng mình. Cũng là nghệ sĩ như Ái Như nên tôi rất hiểu điều đó. Một nghệ sĩ lập gia đình nếu không gặp được một người tâm đầu ý hợp sẽ dễ dàng đổ vỡ ngay trong những năm đầu tiên của cuộc hôn nhân. Chúc mừng Ái Như bằng bốn câu thơ sau: Khi tay em trong tay anh/Kẻ nào dị nghị sẽ thành người dưng/Mắc mớ gì phải quan tâm/Miễn sao ta nắm không lầm tay ai.

Đừng mải mê sự nghiệp mà bỏ rơi vợ con

Chị Trần Tú Anh (Q.Tân Phú, TP.HCM):

Chồng là kỹ sư xây dựng, tôi mở cửa hàng tạp hóa, nội trợ và chăm sóc hai con. Những năm đầu, chúng tôi rất gắn bó, thương yêu nhau; nhà cửa luôn đầy ắp tiếng cười. Anh đi làm về hay hỏi han, phụ giúp tôi việc nhà; quan niệm gia đình là trên hết khiến tôi thật hạnh phúc. Mấy năm trở lại đây, ngoài công việc, anh còn học tại chức ban đêm; dù có thỏa thuận trước nhưng cuộc sống bắt đầu thay đổi. Đi sớm về khuya, mệt nhoài nên về đến nhà là anh ngủ ngay, không còn chia sẻ, đỡ đần tôi như trước; chuyện con cái anh cũng không quan tâm. Tôi rất buồn và hụt hẫng. Giữa chúng tôi có những cuộc cãi vã. Tính tôi nóng, khi gây nhau thường… thẳng tuột suy nghĩ. Anh chạnh lòng, cho rằng tôi xúc phạm. Có lần, tôi lỡ lời: “Mọi chuyện trong nhà, một tay tôi lo hết”, anh giận, bỏ đi. Thật ra, ý tôi là anh đã bỏ mặc vợ lo liệu mọi chuyện, trong khi anh chỉ biết mang tiền về.

Cuộc sống với tôi đơn giản, thà ít tiền mà vợ chồng hạnh phúc, thương yêu như lúc trước. Tôi không cần anh lao vào kiếm tiền để có cuộc sống sung túc nhưng đổi lại, vợ con bị bỏ mặc. Không riêng tôi, người phụ nữ nào cũng mong muốn chồng dù bận rộn bao nhiêu cũng hãy dành chút thời gian “để ý” xem vợ con vui hay buồn; nhất là phải có mặt trong những bữa cơm, vì đây là điều quan trọng để giữ gìn hạnh phúc. Còn những lần gây nhau, việc anh bỏ đi khiến tôi thất vọng, cảm giác không được thông cảm và thấu hiểu. Bản thân tôi hiểu mình hay thẳng quá, nên luôn cố gắng thay đổi, song cũng muốn anh thử đặt vào hoàn cảnh tôi để hiểu và bao dung hơn. Trên hết, tôi mong anh và những người đàn ông khác, đừng quá mải mê sự nghiệp mà dần tạo khoảng cách với vợ con. Với phụ nữ, hạnh phúc đôi khi chỉ là được chồng hỏi thăm, thấu hiểu.

Chung toi noi ve chung ta

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tiền không thay được tình. Không có tình thì tiền có cao như núi cũng trở nên vô nghĩa. Nhưng có tình mà không có tiền thì làm sao có thể mang lại hạnh phúc thật sự cho gia đình mình? Điều mong muốn của chị Tú Anh thật chính đáng, nhưng tiếc rằng vẫn còn có những người đàn ông chưa hiểu được điều này. Có thể cái quan trọng nhất là sự thương yêu thật sự đối với vợ thì họ không có, hoặc nếu có thì lại thiếu sự tâm lý.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Trường hợp Trần Tú Anh hoàn toàn ngược lại với Ái Như. Bởi Tú Anh không phải là một nghệ sĩ. Tú Anh muốn có một gia đình êm ấm và muốn sở hữu cảnh êm ấm một cách tuyệt đối, nhưng người đàn ông của chị lại có thế giới riêng. Tôi nghĩ người chồng của Tú Anh không phải không quan tâm đến vợ con nhưng anh ấy đang quan tâm đến mình hơn. Biện pháp duy nhất trong trường hợp này là phải hâm nóng sự lãng mạn thời mới quen nhau. Hâm nóng không phải bằng tiền, bằng sự tranh luận hơn thua mà bằng cách mỗi người tự làm cho mình đẹp hơn về ngoại hình, về nhân cách để biết chú ý tới nhau hơn.

Xin được chia sẻ thêm chuyện cá nhân. Vợ tôi linh hoạt như giọt thủy ngân. Cô ấy biết nấu ăn ngon khi làm nội trợ, biết biến thành nàng thơ khi tôi sáng tác, biết làm nhà phê bình mỹ thuật khi tôi vẽ tranh, biết thao tác vi tính cho tôi viết kịch bản phim, biết viết truyện ngắn đăng báo kiếm nhuận bút và biết biên dịch một trang web tiếng Anh của một tỉnh để mưu sinh. Ngoài những yếu tố chuyên môn ấy ra, cô ấy biết gọi điện thoại hoặc nhắn tin lúc tôi nhậu “vượt chỉ tiêu”, về muộn. Cô ấy còn giám sát tinh thần tôi bằng cách sinh ra một thằng con trai cao lớn, khỏe mạnh, thông minh khiến tôi rất tự hào. Tóm tắt: vợ tôi có đầy đủ các đức tính công, dung, ngôn, hạnh và chỉ mất mỗi đức tính phụ nữ mỗi lần cùng chồng cãi vã. Tôi coi chuyện đó là chuyện bình thường, bởi sau cơn mưa thì trời lại sáng. Khó mà có sóng to gió lớn trong căn nhà của cặp vợ chồng nghệ sĩ lãng tử như chúng tôi, bởi vì tôi và cô ấy biết lúc nào phải “tạm dừng” cá tính của mình để còn tôn trọng và sống được cả đời với nhau. Với tôi, nam nữ cần biết bình quyền và biết hâm nóng tình yêu bằng tình bạn tri kỷ. Vì vậy xin tặng cô ấy hai câu thơ trong ngày 8/3/2014: Biến cố ngày Tám tháng Ba/Xét ra thì nó chính là… Hương Lan. Xin thưa, Hương Lan là tên vợ tôi!

 Ban Hôn nhân - Gia đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI