Cuộc đời vốn ít niềm vui, các bà còn hà khắc với nhau làm gì?

30/07/2017 - 06:30

PNO - Hôm dọn đi Hà nói với chị: “Đàn bà sống mà không mở lòng sẽ khó có được một cuộc sống hạnh phúc, chị ơi”. Không biết chị nghĩ thế nào mà vẫn yên lặng.

Muôn kiểu… bà cô bên chồng

Ngày về nhà Khang, Hà chưa kịp nhớ hết mặt từng người đã bị cho “lên đĩa”. Hôm ấy Khang đi nhậu về rất muộn, cảm giác lẻ loi trong căn nhà xa lạ khiến Hà rất tủi thân, nên khi Khang về, không hỏi thăm chồng mà chỉ lo cằn nhằn.

Cuoc doi von it niem vui, cac ba con ha khac voi nhau lam gi?
Khắc nghiệt để làm gì? Ảnh minh họa

Chỉ vậy thôi mà trong nhà đã thấy bật đèn đuốc sáng choang. Mẹ và hai chị chồng ngồi nghiêm chỉnh ngay phòng khách, gọi Hà vào để… nói chuyện. Chị Bốn hỏi: “Em có biết tại sao chị gọi em ngồi đây không?”. Qua lời Khang ngày trước, Hà biết chị Bốn tuy là người buôn bán nhỏ nhưng ăn nói khôn khéo nhất nhà, việc gì cần giao tiếp là chị đại diện hết.

Hà chưa kịp trả lời, chị đã lên giọng giảng một bài về trách nhiệm làm vợ, phép tắc giao tiếp với chồng... Rồi nào là sống trong nhà chồng phải tế nhị, phải hòa đồng, phải nuốt nước mắt làm vui… Nhiều quá, Hà chỉ thấy tai mình như ù đi không nghe được gì, ngồi chịu trận đến hơn 1 giờ sáng mới được đi ngủ.

Nằm cạnh Khang đang ngáy pho pho, nồng nặc mùi rượu, Hà chợt nghĩ, từ đêm nay, đã bắt đầu bi kịch của đời mình. Sau này có con, mỗi khi con khóc Hà phải ôm thật chặt, thậm chí phải ẵm con ra ngoài ban-công mà dỗ; nghe tiếng cháu khóc là thế nào chị Bốn cũng đập cửa phòng mắng: “Đàn bà kiểu gì có con mà không biết dỗ”.

Khang đi làm, ở nhà chỉ có hai chị em mà Hà không dám nhờ chị điều gì, vì chị cứ tỏ thái độ lạnh nhạt. Có hôm Khang bận không mang cơm về kịp, chị cũng nhất quyết không nấu giúp Hà miếng cơm. Hà căng thẳng đến mức cứ thấy chị là sợ, một nỗi sợ vô hình, ám ảnh Hà cả trong những giấc mơ và đến rất lâu sau này...

Hương thường kiêu hãnh khoe chuyện nhà mình mỗi khi nghe bạn bè than vãn chuyện nhà. Mẹ chồng Hương mất từ khi An - chồng Hương, mới học lớp 10, mọi gánh nặng dồn cho chị gái của An. Chị đã một tay nuôi hết bốn đứa em vào đại học, khi qua 40 tuổi mới lầm lũi đi học trung cấp kế toán. Chị giải thích: “Học cho có cảm giác mình không thua tụi nó”. Tụi nó là mấy đứa em chị nuôi ăn học. Hương sinh con đầu lòng, một tay chị lo toan.

Chị cứ luôn miệng buộc Hương phải nghỉ ngơi cho khỏe, mọi chuyện đã có chị. Hương mổ u nang, cũng chị chăm sóc. Hương vẫn nhắc mãi lần mình tỉnh dậy sau khi mổ, thấy chị là Hương bật khóc ôm chặt lấy chị. Với bạn bè, đồng nghiệp của Hương, chị chồng là nỗi ám ảnh; nhưng với Hương, chị là bờ vai bảo bọc. Chị làm mẹ năm 45 tuổi, sau nhiều lần ra vào bệnh viện thụ tinh nhân tạo. Ai cũng vui mừng.

Ngày hạ sinh an toàn, chị cầm tay Hương nói: “Giờ mới hiểu đàn bà cực khổ trăm bề. Em cần gì cứ nói với chị”. Hương không biết mẹ An là người phụ nữ thế nào, nhưng nhìn cách sống của chị, Hương nghĩ mẹ hẳn phải là một phụ nữ tuyệt vời. Nhờ chị dạy dỗ tốt từ bé nên anh em nhà An luôn thương quý nhau. Hương thật sự biết ơn chị, đôi khi còn nghĩ, Hương thương chị còn hơn thương chị ruột của mình. 

Khắc nghiệt để làm gì?

Cuoc doi von it niem vui, cac ba con ha khac voi nhau lam gi?
 

Hà biết mình nóng tính và tự ái nên đã hết sức cố gắng để không xảy ra tranh cãi với chị Bốn, dù chị chăm chăm bắt lỗi Hà từng ly từng tí. Giày sao không phủi sạch bụi khi đặt vào tủ giày. Sao Hà dám đọc sách, để mặc Khang phơi quần áo. Khang đi làm về, sao Hà không pha nổi ly nước chanh cho chồng?... Uất ức tích tụ mãi đến vài năm sau, Hà mới bùng phát với chị: “Tụi em là những người trưởng thành, tự biết lo liệu cuộc sống của mình, chị đừng can thiệp nữa”.

Rồi Hà một mực đòi dọn ra riêng. Hà thật sự không tìm được lý do vì sao chị lại khó khăn với mình một cách kỳ quặc như vậy. Hà làm gì chị cũng không hài lòng, dù Hà cũng vén khéo và biết nấu nướng. Đỉnh điểm của hiềm khích là khi Hà nhìn thấy chị bỏ thêm muối vào nồi cá trên bếp, việc Hà vẫn nghĩ chỉ có trong phim ảnh, khiến Hà cương quyết dọn đi, bất chấp Khang năn nỉ đủ kiểu.

Hà thấy mình bị xúc phạm. Làm đàn bà, khắc nghiệt với nhau để làm gì? Làm vậy chị có thấy vui không? Hôm dọn đi Hà nói với chị: “Đàn bà sống mà không mở lòng sẽ khó có được một cuộc sống hạnh phúc, chị ơi”. Không biết chị nghĩ thế nào mà vẫn yên lặng.  

Ra riêng được hai năm thì mẹ chồng mất, nhà Khang đã vắng nay càng yên ắng hơn. Lễ Tết, Hà luôn lấy lý do bận, ít khi về thăm nhà. Hà nghĩ, mình không ghét chị, chỉ là khi đối diện với chị, Hà cứ nhớ lại những ngày tăm tối trước đây. Những ngày Hà luôn sống trong sợ hãi. Ăn một miếng ngon cũng phải mang vào phòng. Cười với chồng một tiếng cũng sợ chị nghe. Mặc cái đầm cũng lo chị bóng gió: “Chồng con rồi còn đẹp với ai”.

Hà từng hỏi Khang: “Vì sao vợ chồng chị ấy ly hôn?”, rồi tự trả lời luôn: “Nếu chị ấy mang những cay nghiệt đó vào hôn nhân thì làm sao hôn nhân xanh tươi được!”. Nhưng cũng có thể, thất bại trong hôn nhân, là lý do khiến chị trở nên cay nghiệt với những phụ nữ đang có hạnh phúc. Thỉnh thoảng, nghĩ cảnh chị một mình thui thủi trong căn nhà cũ, Hà cũng chạnh lòng.

Chị của An mất vì ung thư gan khi mới 50 tuổi. Ôm chị vào lòng, Hương có cảm giác mình vừa mất đi một người mình vô cùng yêu quý. Cả nhà An bấn loạn. Những ngày chị nằm viện, những người cùng phòng cứ tưởng Hương là em ruột của chị, vì thấy hai chị em líu ríu với nhau suốt ngày.

Hương luôn cảm ơn cuộc đời đã mang chị đến bên mình, để Hương hiểu, ai cũng cần lắm những tình thương. Đàn bà vốn đã ít ỏi niềm vui, nếu hà khắc với nhau, thì còn gì để mà vui sống. Hương mang cô con gái bé bỏng của chị về nuôi dưỡng, lòng thầm hứa sẽ cố gắng dạy bé thành một người như mẹ nó, luôn biết yêu thương. 

Thực tế, đang có những phụ nữ chỉ biết lấy việc làm đau lòng một phụ nữ khác là niềm vui. Họ không thích nhìn thấy người khác hạnh phúc, ấm êm, chỉ muốn mọi người phải bất hạnh hơn mình. Có lẽ những thua thiệt trong cuộc sống đã khiến nhiều đàn bà trở nên ích kỷ hơn, ích kỷ cả với chính tình thâm.

Lan Khôi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI