Con tò mò, mẹ bối rối

23/11/2015 - 09:42

PNO - Đang xem phim, cậu con hỏi mẹ, tại sao cô chú kia lại hôn nhau không giống như mẹ hôn con, tại sao cô chú nọ lại cởi quần áo của nhau…

Chị Hồng Thắm có hai đứa con, cậu con trai 11 tuổi, con gái nhỏ lên năm. Cách đây ba năm, chị ly hôn. Một mình nuôi con khiến chị vừa làm giáo viên cấp I, vừa phải chạy tìm thêm mối mua bán nhà đất. Công việc mưu sinh vất vả, nhưng chị luôn vui khi được ở bên các con. Dường như không có khoảng cách giữa chị và các con, chuyện gì ở trường, chúng cũng ríu rít kể với mẹ.

Nhưng gần đây, những câu hỏi của cậu con trai không còn dễ dàng với chị. Có lần, đang xem phim, cậu con quay lại hỏi mẹ, tại sao cô chú kia lại hôn nhau không giống như mẹ hôn con, tại sao cô chú nọ lại cởi quần áo của nhau…

Lúc đó, chị chỉ hành động theo “phản xạ” là chuyển sang kênh ca nhạc, hay hoạt hình, nghiêm giọng “Đây là phim của người lớn, con không được xem”, rồi nói sang chuyện học hành của con.

Chị nhớ lại, hồi con trai lên năm, nó đã thắc mắc chuyện tại sao mình có “cái này, cái kia” khác với con gái, khi nhìn thấy em gái tắm. Chị làm lơ bảo con ra chỗ khác chơi. Rồi nó lại hỏi, tại sao có em bé, chị bảo mẹ thích con gái quá nên ông trời cho mẹ… Nói chung, chị trả lời “đại” cho qua chuyện, rồi kéo nó sang chuyện khác.

Bây giờ, chị mới nhận thấy, việc kiếm tiền nuôi con khiến chị không còn thời gian để nâng cao kiến thức làm mẹ. Chồng cũ của chị có gia đình khác, chẳng mấy khi gần gũi, trò chuyện với con trai.

Chị bắt đầu để ý, kiểm tra “tài liệu” của con, điều mà chị chưa bao giờ làm. Trong mớ sách vở của nó, chẳng có hình ảnh nào đáng lo ngại, nhưng có một “đống chữ” cậu con viết trong trong trang cuối một cuốn tập: tình yêu là gì, mình sẽ yêu ai, lấy ai, người nào sẽ yêu mình, sẽ là vợ của mình…

Chị cảm thấy có lỗi khi để con một mình với “nỗi lo” đầu đời. Chị chỉ tăng cường nhắc con ráng học, nhưng lại mong mình được chia sẻ với con chuyện “quan trọng nhất”, thay vì để con phải “trình bày” với một ai khác.

Con to mo, me boi roi
Ảnh mang tính minh họa

Ý kiến của những chuyên gia

Những cách nói với con về giới tính

Trẻ có nhu cầu khám phá bản thân, tìm hiểu sự phát triển cơ thể của mình và của người khác, đặc biệt là người khác phái càng gây tò mò. Ngay từ lúc ba-bốn tuổi, có trẻ đã thắc mắc con sinh ra từ đâu, tại sao họ hôn nhau, sao mẹ có em bé được...

Đến tuổi dậy thì, trẻ quan tâm đến việc con sẽ yêu ai, ai yêu con, hay trẻ thường nói lấy người như bố, như mẹ... Vì thế, những gì con chị Hồng Thắm thắc mắc là tâm sự chung của những đứa trẻ, tùy tuổi, tùy trẻ mà bộc lộ thời điểm nào, nói ra hay không.

Xin chia sẻ với chị cùng các phụ huynh vài cách nói với con về đề tài giới tính:

Cha mẹ tùy tuổi của con mà giải thích một phần sự thật hay giải thích cặn kẽ. Cụ thể, với trẻ trong độ tuổi nhỏ, ba-tám tuổi, có thể trả lời trẻ ở mức độ đơn giản, nhưng phải đúng. Còn trẻ lớn hơn phải nói rõ ràng hơn, cụ thể hơn.

Ví dụ khi cùng xem phim, trẻ hỏi tại sao họ hôn nhau. Cha mẹ cần hiểu trẻ đang thắc mắc rất hồn nhiên, không nghĩ xa xôi như người lớn. Chỉ cần nói vì họ yêu nhau, họ đang bày tỏ tình yêu. Giống như mẹ yêu con, mẹ ôm và hôn con.

Với trẻ đang độ tuổi sắp dậy thì, chúng ta giải thích về tình yêu giữa những người không cùng gia đình. Con lớn lên, đi học, đi làm quen biết nhiều người, đến một lúc nào đó con sẽ thương ai đó, con muốn ở bên họ, ôm hôn là cách bày tỏ tình cảm.

Với câu hỏi sao mẹ sinh ra con, con sinh ra từ đâu, ta trả lời cho trẻ nhỏ rằng con ở trong bụng mẹ, bụng mẹ là ngôi nhà của con, sau chín tháng con đòi ra và bác sĩ đã giúp mẹ.

Câu trả lời với trẻ lớn có thể là bố mẹ yêu nhau, lấy nhau và sinh ra con. Con là một phần cơ thể của bố và mẹ kết hợp nhau mà thành, hai tế bào trứng của mẹ và tinh trùng của bố, gặp nhau và tạo nên bào thai, đó là con đấy. Con lớn dần, sau chín tháng 10 ngày con đòi ra. Mẹ đã sinh ra con nhờ sự đỡ đẻ của bác sĩ. Mẹ nào sinh mổ thì chỉ vào vết mổ giải thích cho con. Mẹ nào sinh thường thì nói mẹ sinh ra con từ bộ phận đặc biệt gọi là bộ phận sinh dục.

Các con cần giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục của mình để sau này lớn lên, lập gia đình và có em bé như bố mẹ... Trả lời câu này cũng là cơ hội để cha mẹ dạy con vệ sinh thân thể, cách tự bảo vệ tránh xâm hại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI