Nhà thiết kế đồ họa Lê Quỳnh Mai “Thế giới cần nhiều năng lượng yêu thương”

18/01/2017 - 06:30

PNO - Rất nhiều người xem chương trình Căn hộ trong mơ (phát sóng vào Chủ nhật hàng tuần trên HTV7 từ tháng 9-12/2016) đều trầm trồ về vẻ đẹp, sự quyến rũ, thông minh, lịch lãm của thí sinh Lê Quỳnh Mai.

Nhà thiết kế đồ họa 28 tuổi này tự phác họa chân dung của mình; cứng đầu, mạnh mẽ, độc lập, nữa tính, nhạy cảm, điệu và quyết liệt...

*

- Tôi học đồ họa vì từ bé đã rất thích vẽ và chắc cũng có tí gen nghệ thuật từ nhiếp ảnh gia ba. Đến năm học cấp II, khi được xem bài tốt nghiệp của các anh chị M98 Trường đại học Kiến trúc TP.HCM thì tôi quyết định luôn là sẽ chọn ngành này và đến lúc thi đại học thì chỉ thi vào duy nhất trường kiến trúc.

Thật ra tôi cũng có thi thêm ngành nhiếp ảnh Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh nữa cho vui, tuy đậu thủ khoa ngành đó nhưng cuối cùng đã chọn học đồ họa mà không hề phân vân.

Nha thiet ke do hoa Le Quynh Mai “The gioi can nhieu nang luong yeu thuong”
 

* Sau đó sang Ý du học, chị đã thu nhặt được gì cho mình trong hành trang nghề nghiệp?

- Du học là ước mơ từ bé của tôi, có lẽ từ thời học cấp II. Tôi thường tưởng tượng lên cấp III, mình sẽ du học, có thể ở Singapore, Mỹ như một số bạn học cùng trang lứa bấy giờ. Nhưng một phần do điều kiện tài chính không cho phép, một phần vì tôi là đứa con duy nhất trong gia đình nên ba mẹ cũng không muốn cho đi. Ôm ấp mãi ước mơ, đến khi tốt nghiệp đại học, đi làm được mấy năm, tôi mới thực hiện được. Khóa học chỉ một năm thôi nhưng là một bước ngoặt trong cuộc đời của tôi.

Về nghề nghiệp, ngoài việc tiếp cận những tri thức và khá nhiều công cụ mới thì việc làm quen với cách nhìn, cách tư duy và sáng tạo của thầy cô, những nhà thiết kế có tiếng của Ý, các bạn phương Tây và các bạn bè quốc tế khác đã mở ra cho tôi rất nhiều ý tưởng và góc nhìn thú vị. Bên cạnh đó, chính cách giáo dục rất cởi mở và tích cực của phương Tây cũng làm cho thiết kế của mình phóng khoáng hơn và mình cũng tự tin hơn trong sự nghiệp.Họ luôn biết cách khơi gợi cảm hứng trong mỗi người, đôi lúc bạn sẽ thấy thầy cô chê mà ý nhị như đang khen, nó là nguồn khích lệ cho bạn tiếp tục sáng tạo và cố gắng hơn nữa. Vì nghệ thuật không giống các ngành khoa học kỹ thuật, đôi khi một lời góp ý không đúng cách, đúng chỗ có thể giết mất cảm hứng sáng tạo của người làm nghề.

*

- Tôi chỉ thấy được chứ không mất. Nếu mất thì chỉ mất tiền, một chút thời gian ở bên gia đình và mất luôn một số điều chưa hoàn thiện của mình trước đó. Ở một mình mới phát hiện là mình cũng rất đảm đang, có thể làm hết mọi việc trong nhà, nấu tất tần tật những món muốn ăn; thấy hài lòng và hạnh phúc trong mối quan hệ với chính mình, hạnh phúc khi đi du lịch một mình, đi xem phim, mua sắm hay ngồi cà phê một mình.

Bây giờ, nếu thiếu những khoảng thời gian đối thoại với bản thân như vậy, tôi sẽ thấy ngột ngạt. Tôi học được cách làm bạn với chính mình, làm chủ đời sống của mình, không phụ thuộc vào cảm xúc của bất kỳ ai cũng như không bắt ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình cả. Tôi cũng học được thêm rất nhiều cách ứng xử của phương Tây, như chẳng đặng đừng người ta mới phải bóp còi khi lái xe trên đường, hay người mẹ không cho đứa con trai 10 tuổi của cô ngồi lên ghế chiếc xe vận chuyển hành khách ra máy bay vì “còn có nhiều người khác cần nó hơn con”… Giống như mình mở to mắt hơn, mở rộng lòng hơn để nhìn và đón nhận thế giới.

*

- Tôi đã từng bất ngờ khi đến bảo tàng ở Athens với những bức tượng và đồ gốm sắc sảo về tạo hình cũng như kỹ thuật thực hiện được làm từ thế kỷ III, V trước Công nguyên; từng thấy có cảm hứng khi tiếp xúc với một anh người Thổ Nhĩ Kỳ không hề học đại học, nhưng làm chủ một chuỗi cửa hàng bán túi xách bằng da phối trộn với những họa tiết thảm nổi tiếng của Thổ cùng những miếng tạm gọi là thổ cẩm từ Afghanistan; từng mê mẩn lạc lối trong những cửa hàng nội thất của Pháp cả ngày không biết mệt; cảm thấy bị cám dỗ khi phải bước qua những cửa hàng Prada, Valentino… khi đi bộ đến trường mỗi ngày ở Ý.

Người ta nói sự giao thoa văn hóa rất tốt cho sự sáng tạo và khi nhìn lại thì điều đó đúng đối với quá trình làm việc của tôi. Mình có nhiều cảm xúc hơn và nguồn cảm hứng cũng đa dạng hơn, kiểu như bạn có nhiều chất liệu hơn để lựa chọn và sáng tạo.

*

- Đúng là trong tôi luôn hội tụ những điều tưởng như mâu thuẫn và đối lập nhưng thực chất là bổ sung cho nhau. Nếu ai đã từng xem chương trình trên HTV sẽ thấy một thí sinh Quỳnh Mai khá đàn ông lúc thi công căn hộ, nhưng vẫn có những khoảnh khắc rất yếu mềm. Có thể nghe cải lương thấy rất hay, thích nhất nhạc cổ điển nhưng ai rủ đi nghe kpop và rock thì cũng đi.

Tôi không giới hạn bản thân hay định kiến với thế giới xung quanh. Tối đi ngủ sẽ nghe giảng kinh Phật nhưng trước đó có thể vừa đi bar về. Sở dĩ có những điều như vậy vì tôi tin càng tiếp xúc nhiều, càng mở rộng lòng mình thì con người ta càng có thể đằm thắm, bao dung hơn với cuộc sống và những người xung quanh, đồng thời giúp mình có cái nhìn đa chiều trong công việc cũng như đời thường.

*

- Thiệt ra tôi cũng là một đứa rất điệu. Điệu theo kiểu ra đường phải mặc đồ đẹp, phải chỉn chu, lúc nào cũng phải đẹp kể cả lúc buồn, lúc bệnh; hay lúc tuột hết cả cảm xúc thì đẹp sẽ là cảm hứng để có cảm xúc trở lại. Bí quyết chăm sóc sắc đẹp của tôi là, sáng ngủ dậy uống một cốc nước ấm có chanh và mật ong, bôi kem chống nắng mỗi khi ra đường, uống đủ nước… Ngoài ra, tôi cũng hay xông mặt khoảng năm phút mỗi ngày, có thể bổ sung thêm viên collagen, thiền mỗi ngày, tập yoga đều đặn và đi ngủ trước 23 giờ.

*

- Ngày còn bé, tôi luôn nghĩ mình là một người khá yếu đuối. Nhưng theo thời gian, khi phải đối mặt với nhiều việc hơn, mình nhận ra là bản thân mạnh mẽ hơn mình nghĩ rất nhiều. Có thể là đã có sẵn mầm mống mạnh mẽ trong người rồi và thời gian, những vùng đất, những con người và sự kiện chỉ mài dũa cho cái mạnh mẽ đó của mình thêm sáng bóng thôi. Tôi không cho rằng mạnh mẽ cần thiết cho tất cả mọi giới nói chung hay phụ nữ nói riêng.

Tôi nghĩ quan trọng là mình làm chủ được cuộc sống, yếu đuối cũng được nhưng phải biết mình yêu gì, thích gì, ghét gì, hợp và không hợp với cái gì, muốn làm gì và có thể là một người bạn tốt của chính mình vì “không biết thương mình thì làm sao thương người”. Khi làm chủ được cuộc sống rồi thì những biến chuyển trong cuộc sống, gia đình, bạn bè, con cái sẽ khó mà tác động quá nhiều hay quá mạnh mẽ với mình được.

*

- Tôi cho rằng chúng ta cần sống hòa hợp với tự nhiên và môi trường xung quanh. Cái gì càng đơn giản và căn bản thì càng có sức sống mãnh liệt và lâu dài. Mọi giới, mọi loài trên thế giới này cần được đối xử một cách tương đối công bằng với nhau. Dĩ nhiên, chẳng có điều gì là tuyệt đối cả. Và những điều mà chúng ta làm, ngày nào đó, nó sẽ quay lại với chúng ta dưới dạng này hay dạng khác, cách này hay cách khác.

*

- Tình yêu là sự đồng điệu về nhân sinh quan và thế giới quan,  sự đồng cảm của hai tâm hồn. Trong tình yêu, điều cần thiết là tin tưởng, hiểu nhau, luôn tìm cách đối thoại tốt nhất trong những mâu thuẫn, tự tin và luôn ủng hộ cho người mình yêu trong mọi hoàn cảnh. Tình yêu cần phải được tự do, có không gian chung để chia sẻ, đồng cảm và không gian riêng để thở, để nhìn lại, hoàn thiện và phát triển bản thân.

Phụ nữ cần được chia sẻ, đàn ông cần được cảm thấy mình nam tính. Không nên yêu bằng bản năng vì để đi xa được với nhau, tôi tin mọi thứ đều cần học hỏi, như kỹ năng yêu, kỹ năng làm vợ, kỹ năng làm bố mẹ. Làm việc gì, càng để tâm thì xác suất thành công càng cao. Có lẽ tôi đôi khi hơi lý tính quá!

*

- Tôi còn mơ được ngồi thiết kế ở sao Hỏa, du hành vũ trụ, được du hành thời gian (). Thực tế hơn thì tôi muốn trở thành một người có sức ảnh hưởng để trước nhất là mình sống tốt hơn, sau đó sẽ là cảm hứng cho những người khác, nhiều chuyển biến nhỏ sẽ tạo nên một thay đổi lớn. Thế giới cần nhiều năng lượng yêu thương và tích cực hơn.

                                                                                                          Khánh Thủy

                                                                                  (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI