Gộc củi chờ tết

25/01/2019 - 10:00

PNO - Tôi đi qua nhiều mùa tết với những cung bậc cảm xúc khác nhau, chộn rộn mơ màng, háo hức sướng vui, bận rộn tíu tít, cập rập líu tíu, nhưng ngày vui nhất vẫn là ngày khiêng những gộc củi vào chuẩn bị nấu bánh chưng.

Những năm xưa, mỗi hồi dọn vườn lôi ra được một gốc cây to, hay một đoạn cây chắc nịch, mẹ tôi đều bảo để dành tết nấu bánh chưng. Cả năm có dăm khúc củi như thế, nồi bánh chưng tết chỉ cần gầy 3 khúc cháy tí tách 10 tiếng, số gộc củi còn lại nằm im chờ tết năm sau. Thế là mỗi năm thêm một ít gộc củi mới, cứ dồn vào một góc cho khô đét, đợi chờ tới phiên mình được bùng cháy dưới nồi quân dụng (là cái nồi to để nấu bánh).

Chúng tôi háo hức tết lắm, háo hức từ tận những ngày hè. Mẹ bảo dọn gộc củi ấy vào một góc là hăm hở làm ngay, cứ như hết mùa hè, tết sẽ đến liền đó. Cứ dành củi thế, mà tết có nấu bao nhiêu đâu, những khúc củi mục ra rơi lả tả, cả những dằm gỗ lẫn viên đất mối xông, nhưng mẹ vẫn cặm cụi gom vào một đống ở một góc nào đó trong vườn, vẫn rủ rỉ để dành tết nấu bánh chưng.

Goc cui cho tet
Ảnh minh hoạ

Quê tôi làm cói dệt chiếu, chiều chiều mẹ gù cói ngoài cồn cát. Tôi quanh quẩn hỏi: “Mẹ mẹ, hôm nào đến tết?”. Mẹ tôi vươn thẳng người, mắt lấp lánh cười: "Sư bố cô, mới tết xong đã hỏi tết”. Sau lưng mẹ là hai cây gạo cao vời vợi chia mặt trời ra thành nhiều vệt sáng, hễ gió thoảng qua là động đậy, dưới chân mẹ là cát vàng khô đùn lên qua kẽ ngón chân, trước mặt mẹ là tôi, đang nhoay nhoáy xây nhà cát, cố gạt cát phẳng làm cái sân thật to để lấy chỗ nấu bánh chưng cho thoải mái.

Từ năm 20 tuổi tôi mới cảm nhận rõ ràng mình không mong tết đến nhanh quá như thế, dù rằng cũng vẫn từng ấy ngày thì tết phải đến thôi. Hóa ra năm xưa mẹ cũng thế: “Sư bố cô, mới tết xong”. Hóa ra tết của mẹ nằm trong đôi mắt háo hức của tôi hồi đó, thanh xuân của mẹ làm lụng để tụi tôi có cái tết ấm no, mà tết thì có níu thanh xuân của ai đâu, dù rằng tết mang nó đến. Thêm mùa tết là thêm tuổi mới, tôi lớn lên và mẹ già đi, thế mà tết lại đang chạm ngõ rồi.

Sau này, nhiều nhà dùng than nấu bánh chưng, cho đỡ phải canh lửa, và nồi cũng đỡ bị đen khỏi phải kỳ cọ nhiều, vậy nhưng nhà tôi vẫn nấu bằng những gộc củi khô để từ năm này qua năm khác. Gộc củi từ năm nào ấy, mẹ tôi đẩy một gộc vào dưới nồi bánh, quay qua hỏi bố tôi có nhớ cái gộc ấy là từ khi nào không. Ông hồi tưởng cái đận cây bưởi cỗi phá đi trồng cây mới, hay như gộc này là gốc xoan đào hè năm kia bị bão xô đổ, à cái gộc này phải từ hồi cơi nới cái sân phải chặt đi…

Goc cui cho tet
Ảnh minh hoạ

Tôi đi qua nhiều mùa tết với những cung bậc cảm xúc khác nhau, chộn rộn mơ màng, háo hức sướng vui, bận rộn tíu tít, cập rập líu tíu, nhưng ngày vui nhất vẫn là ngày khiêng những gộc củi vào chuẩn bị nấu bánh chưng. Tôi nhớ những khi mình líu quýu cắt lá rửa lá lau khô, lăng xăng đi đào gừng, bóc hành; vội vã ra hái nắm lá riềng giã lấy nước nhuộm màu cho gạo, nhẩn nha rửa khuôn và chẻ lạt, hì hụi đồ đậu xanh nắm từng nắm tròn vo, tỉ mỉ thái thịt đem ướp…

Rồi chúng tôi lại ngồi nghe tiếng củi lách tách, tiếng nồi bánh chưng sôi ùng ục, ấm “nước sắt” đặt cạnh bên cũng reo hò (cái ấm nước đặt cạnh nồi bánh chưng ngày tết để cứ nồi bánh chưng vơi nước là lại thêm nước vào chả hiểu sao gọi là nước sắt), tay huơ huơ trên lửa và êm ái nghe những câu chuyện về năm tháng của gộc củi khô, ngó qua đống gộc đang khấp khởi góc vườn, có khi chúng nghĩ rằng sang năm đến lượt mình được cháy.

Năm nay ở góc vườn đống gộc củi lưu niên đã sẵn sàng, tết đến thật gần!

Tuyến Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI