Bao giờ hết loay hoay lo thừa - thiếu giáo viên?

06/08/2019 - 13:30

PNO - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 được tổ chức sáng nay 6/8, nhiều địa phương cho rằng thừa - thiếu giáo viên đang là khó khăn lớn.

Hội nghị có sự tham gia chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên. 

Nhiều địa phương thực hiện tinh giản biên chế giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số dẫn đến không có biên chế để tuyển mới, rồi thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, tỉnh này đang gặp khó khăn vì thiếu giáo viên. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non chiếm khoảng 60 - 70%. Trong khi nguồn lực con người (biên chế, tuyển dụng) cho đến tài chính ngành giáo dục không thể chủ động được thì rất khó.

Bao gio het loay hoay lo thua - thieu giao vien?
Các đại biểu tham gia Hội nghị tại Kiên Giang

Ngành GD-ĐT Kiên Giang từ năm 2015 đến nay chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn, phát sinh nhiều bất cập. Tỉnh Kiên Giang đề nghị rất nhiều lần với Bộ Nội vụ, tỉnh, tổ chức đoàn đến làm việc với các cơ quan Trung ương, mặc dù đã được ghi nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân chính là trước đây, Trung ương giao quyền quyết định biên chế giáo viên cho địa phương, cần đến đâu giao đến đó. Nhưng sau khi có Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được Bộ Nội vụ trình Chính phủ mới thực hiện được; việc phê duyệt này rất chậm…

Nếu so với nhu cầu thực tế, bố trí giáo viên đứng lớp đúng theo quy định, tăng số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và huy động hết số trẻ mầm non trong độ tuổi ra lớp, tỉnh Kiên Giang còn thiếu khoảng 1.500 giáo viên.

“Tỉnh Kiên Giang cũng đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, đặc biệt là trường lớp phục vụ dạy học 2 buổi/ngày. Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi hiện còn thiếu khoảng 1.000 phòng học. Trong khi nguồn lực con người (biên chế, tuyển dụng) cho đến tài chính ngành giáo dục không thể chủ động được thì rất khó”, bà Giang cho biết.

Về đội ngũ giáo viên, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết do có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học. Khó khăn đặt ra là làm sao thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương, nhưng cũng phải đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là ở đâu có lớp học, ở đó có giáo viên. Từ đó, đặt ra vấn đề: trường công lập giảm, nhưng đội ngũ giáo viên tiếp tục phải tăng. Bài toán này cần đặt ra tổng thể để có cơ chế, chính sách huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT.

Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng có đề nghị cụ thể xoay quanh vấn đề này. Theo ông, chúng ta nên bình tĩnh, đừng khẳng định thừa giáo viên mà thực tế là có thừa có thiếu.

Lý giải tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng việc quy hoạch ở các khu vực đô thị hóa mạnh, các khu công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới thừa, thiếu giáo viên cục bộ, gây bất cập cho quản lý.

Yếu tố quan trọng trong việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới chính là đội ngũ giáo viên. Vì thế, trước hết cần phải gỡ "vòng kim cô" về chính sách đào tạo bồi dững, tuyển dụng không cần thiết.

Giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là môt trong năm giải pháp quan trọng mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong năm học mới.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI