Tuổi 72, vẫn miệt mài làm công tác xã hội

02/05/2018 - 09:09

PNO - Có đêm về muộn, thấy nhà trong xóm có người bệnh nặng, cô Liễu lại lao vào phụ khiêng đi cấp cứu. Phụ xong rồi ngồi thở dốc, cô nhận ra mình đã ở tuổi 72.

Tự nguyện lấy nhà mình làm địa chỉ tạm lánh, cô Nguyễn Bạch Liễu - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 68, khu phố 6, kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ Đồng cảnh của P.1, Q.5, TP.HCM - đã giúp nhiều người lầm lỡ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Cô là một trong 63 cá nhân trên cả nước vừa được nhận bằng khen của Bộ Công an do có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. 

Hẹn mãi, tôi mới được gặp cô Liễu vào xế trưa một ngày nóng gắt cuối tuần. Ban sáng, cô đã dẫn một bạn trẻ mới bị phát hiện nghiện ma túy đến khoa Nhiễm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM để tận mắt chứng kiến cô tham vấn cho những bệnh nhân suy kiệt sức khỏe do nghiện ngập, đang oằn mình gánh những cơn đau. Trên đường về, cô còn tranh thủ ghé vài nơi nhận tài trợ học bổng cho trẻ em nghèo trong dịp sinh hoạt hè sắp tới. 

Tuoi 72, van miet mai lam cong tac xa hoi
72 tuổi, cô Nguyễn Bạch Liễu (phải) vẫn miệt mài với công tác xã hội

Góc căn nhà nhỏ của cô có tấm bảng gỗ ghi chi chít lịch làm việc các ngày trong tuần, ghi chú đậm nét những cuộc hẹn, cuộc gặp vẫn còn dang dở. Cánh cửa nhà cạnh tấm bảng đã được cô thay mới, có vẻ chắc chắn hơn, sau khi bị đập phá, chọi bể mấy lần.

Đến tận bây giờ, bà con trong khu phố vẫn còn râm ran kể chuyện cô Liễu từng “bạo gan” đưa mấy cô gái mại dâm bị nhiễm HIV/AIDS về nhà mình ở để được tham vấn, giúp đỡ. Nhiều phụ nữ bị chồng bạo hành cũng được cô Liễu đưa về nhà mình tạm lánh nên việc cửa nhà cô Liễu bị vỡ cũng là “chuyện thường ngày”.

Năm 2006, câu lạc bộ (CLB) Đồng cảnh của phường được Hội LHPN thành lập từ đề xuất của cô Liễu. CLB tập hợp những người có con em là tội phạm, nhiễm HIV/AIDS, con nghiện, người mại dâm... để cùng sinh hoạt và được hỗ trợ. Công việc của cô là tập huấn y tế cộng đồng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, trò chuyện với người nghiện, làm hồ sơ bảo lãnh cho gia đình người nghiện vay vốn làm ăn, tìm việc làm cho người hoàn lương, làm khai sinh trễ hạn cho trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, tìm nguồn hỗ trợ cho phụ nữ không có tiền đóng viện phí, hoàn tất thủ tục bảo lãnh cho trẻ đến trường... 

Sáu năm trước, bà Nguyễn Thị P. ở hẻm bên cạnh tìm đến cô Liễu khóc rấm rứt vì có đứa con trai duy nhất nghiện ma túy nặng, gia đình lại đang lâm cảnh nợ nần. Cô Liễu đã đưa con bà P. đi cai nghiện ở Lâm Đồng, hướng dẫn bà P. làm hồ sơ rồi đứng ra bảo lãnh vay vốn, mở quán cơm bình dân đầu hẻm để sinh sống.

Đứa con trai bà P. cai nghiện về, lại lông bông, không ai chịu nhận vào làm việc; cô Liễu lại bảo lãnh vay vốn mua chiếc xe máy cũ, bảo lãnh luôn hồ sơ rồi tìm việc làm giúp. Giờ con trai bà P. đã có chân giao hàng thuê được hai năm, trả hết vốn vay cho mẹ và cho mình, còn dư ít tiền gửi tiết kiệm, nhờ cô Liễu giữ giùm. “Không có cô Liễu giúp đỡ thì gia đình tôi không biết sẽ về đâu nữa” - bà P. rơm rớm nước mắt. 

Những buổi tối, khi công việc đã xong, cô Liễu lại lân la đến các công viên, vỉa hè, tìm cách tiếp cận các cô gái bán dâm để phát bao cao su, tờ rơi tuyên truyền phòng, chống AIDS. “Bị đuổi như cơm bữa, bị chửi riết thành quen” - cô Liễu phì cười. Nhưng, theo cô Liễu, nhờ kiên trì mà nhiều người đã hoàn lương, tìm việc khác lương thiện để làm, có người còn trở thành cộng tác viên đồng đẳng rất tích cực.

Giữ nhiều “vai” ở Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, CLB Dưỡng sinh của phường, quận, nhưng phụ cấp hằng tháng của cô Liễu chẳng đáng là bao. Dùng lương hưu chi tiêu trong gia đình, số tiền phụ cấp này được cô dành mua bảo hiểm y tế cho người già neo đơn, mua sách vở tặng học bổng cho các cháu nhỏ, đột xuất như tuần rồi là phụ mua áo quan cho người bệnh vừa mất. “Phần thưởng lớn nhất với tôi là nhận được cuộc điện thoại của người mẹ khoe vừa được đứa con hư ngày nào mang về tháng lương đầu tiên đưa mẹ” - cô Liễu tâm tình. 

Dù là đầu tàu của một CLB “nhạy cảm và phức tạp” nhưng cô Liễu lại không biết đi xe. Thế nên, thời gian tư vấn có thể là lúc đi chợ, địa điểm trò chuyện có thể ở góc vỉa hè. Khoảng hiên trước sân nhà cô Liễu từ lâu đã thành nơi để các bà mẹ tìm đến trút nỗi buồn lo. 

Có đêm về muộn, thấy nhà trong xóm có người bệnh nặng, cô Liễu lại lao vào phụ khiêng đi cấp cứu. Phụ xong rồi ngồi thở dốc, cô nhận ra mình đã ở tuổi 72. Lưng còng tóc bạc, cô Liễu vẫn ngày ngày len lỏi từng ngõ hẻm để làm phận sự của một tổ trưởng phụ nữ, chủ nhiệm CLB của những người có thân nhân vướng vào tệ nạn.  

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI