Phế, nhưng không bỏ

16/11/2017 - 16:43

PNO - Ngày 14/11, rất đông “nam phụ lão ấu” đã đến khuôn viên Hội LHPN TP.HCM với “Ngày hội phụ nữ sáng tạo” do cơ quan này tổ chức, để tham quan, thưởng lãm các tác phẩm độc đáo được làm ra từ… phế liệu.

Phe, nhung khong bo
Khách tham quan trầm trồ trước bức tranh Chung tay của tác giả Võ Thị Mỹ An (Hội LHPN Q.6)


Biến phế liệu thành tác phẩm nghệ thuật

18 sản phẩm dự thi của cô Phạm Thị Hồng Nga (Hội LHPN Q.5) gây ấn tượng mạnh cho người thưởng lãm, khiến nhiều người lấy điện thoại ra chụp hình. Cô Hồng Nga cười rạng rỡ bên những “đứa con tinh thần” của mình. Qua tay cô, gần như không có vật gì là “đồ bỏ” cả: bình nhựa đựng dầu ăn loại 5 lít hóa thành chậu trồng rau duyên dáng; lon bia làm lồng đèn trung thu cho trẻ con, chai nhựa biến thành bình hoa, lọ đựng viết; đầu chú gà xinh xinh là hũ yaourt lót thêm miếng nhựa mềm, hơ qua bàn ủi tạo độ cong, hai cái muỗng bé xíu xếp xeo xéo thành chân, bút lông đen vẽ cặp mắt thật sinh động… 

Năm nay 64 tuổi, mỗi ngày, sau khi lo xong việc cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ, cô Nga lại có khoảng thời gian sống cho riêng mình với niềm vui sáng tạo. Thế giới qua bàn tay cô Nga bỗng trở nên ngộ nghĩnh, vui mắt. Phương châm “tận dụng tối đa vật dụng đã qua sử dụng để giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường” được cô Nga áp dụng triệt để trong cuộc sống. Niềm vui dần chuyển hướng  thành công việc nghiêm túc. Cô tham khảo thêm mẫu mã trên mạng internet, ti vi, sách báo nước ngoài rồi mày mò sáng tạo để chưng trong nhà và làm quà tặng bạn bè, hàng xóm. Vì vậy, khi đến với cuộc thi này, cô Nga hóm hỉnh: “Tôi như cá gặp nước, tha hồ tung tăng, vẫy vùng cùng các em cháu. Vui ơi là vui”.

Cách đó mấy bước chân, khách thưởng lãm dừng lại khá lâu trước bức tranh Chung tay, được làm từ giấy tái chế. 26 đôi bàn tay trẻ em ghép thành bộ lông của chú chim công trông thật sinh động, gửi gắm thông điệp: mọi người cùng chung tay chăm sóc cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tác giả Võ Thị Mỹ An (Hội LHPN Q.6) tâm tình: “Tôi thích táy máy, hay làm cái nọ, cái kia từ phế liệu, để tạo thành những sản phẩm có ích, làm đẹp cho đời. Tôi không nghĩ đến đây để thi, mà chỉ góp cùng mọi người một mảng màu tươi sáng”.  

Điểm xuyết vào bức tranh toàn cảnh rực rỡ, vui mắt của ngày hội là sản phẩm hòn non bộ độc đáo của tác giả Nguyễn Ngọc Trâm (Hội LHPN Q.4). Vỏ chai nước suối, xà bông, nước mắm được đôi bàn tay khéo léo của Ngọc Trâm tạo thành tiểu cảnh núi, đồi; bình nước suối 5 lít làm trụ giữa, hai chai nước suối nhỏ biến thành dòng thác, thấp thoáng vài bụi cây xanh. Tất cả được giữ cố định bằng xi măng trong chiếc thau nhựa được trang trí xung quanh là hình ảnh bản đồ Việt Nam, nơi có cá tung tăng bơi lội. Ánh đèn led chôn dưới đáy thau hắt lên, làm cho cảnh trí càng thêm sinh động, huyền ảo.

Tự chế máy làm mát không khí

“Em ơi, xem nè, sản phẩm này được làm toàn bằng đồ tái chế đó em. Coi đơn giản, nhưng không dễ làm đâu, phải vận dụng nhiều kiến thức vật lý lắm” - anh Huy Tuấn chăm chú quan sát tác phẩm Đài phun nước (Hội LHPN Q.11) rồi quay sang phân tích kỹ càng cho cô em gái Ngọc Minh. Tác giả Lê Thị Minh Hương đứng gần đấy tủm tỉm cười. 

Đài phun nước cao 1,2m được làm bằng khung thép cũ, những miếng gỗ vụn. Cô Minh Hương mua thêm máy bơm, vòi nước rồi cùng các cộng sự làm tới làm lui trong ba tháng trời. Căn nhà của cô giáo hưu trí rộn ràng, tấp nập, khiến cô nhớ đến quãng thời gian là giáo viên dạy vật lý ở Trường THPT Lữ Gia. Khi ấy, học trò học đến bài nào là cô cho thực hành ngay bài ấy, để hiểu cặn kẽ, nhớ lâu. Tác phẩm dự thi lần này, cô cũng đã có lần cho học sinh lớp Tám thực hành trong lớp, sau khi học xong bài áp suất. “Tôi đưa đài phun nước đến với cuộc thi với hy vọng sáng kiến này có thể được mọi người áp dụng rộng rãi trong đời sống. Chỉ cần tận dụng đồ phế thải, ta có thể làm ra “máy” hạ nhiệt độ không khí” - cô Minh Hương chia sẻ.

Tại những gian hàng giới thiệu các sản phẩm có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, độ hấp dẫn càng tăng, níu chân nhiều khách tham quan. Quầy cơm sấy các loại của Công ty TNHH Quang Phát (Hội LHPN Q.11) với thực đơn trên 10 món: bò, gà quay, xá xíu, phá lấu, chà bông, gạo lứt muối mè… trông thật hấp dẫn. Cơm cháy Quang Phát chỉ được làm sau khi nhận đơn hàng để luôn bảo đảm sản phẩm được tươi, mới, nóng giòn. Quầy mì trứng của cơ sở Thuận Phát cũng bán không kịp cho khách hàng trong ngày hội. Là một trong bốn hộ kinh doanh lâu đời ở xóm làm mì trên đường Ba Tháng Hai, cha truyền con nối gần 40 năm, mì của cơ sở này không sử dụng phẩm màu, hàn the; nhân công là con cháu trong gia đình đều đặn mỗi ngày trộn bột, cán bột, cắt sợi, phơi khô, đóng gói từ lúc 5g sáng. 

26 đội đến từ 24 quận, huyện đã dự cuộc thi chế tác và trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ “Ngày phụ nữ sáng tạo” năm 2017, chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”, mỗi đội có bốn tác phẩm trở lên. Kết quả, giải nhất thuộc về đội thi Hội LHPN Q. Phú Nhuận, hai giải nhì thuộc về đội thi Hội LHPN Q.4 và Hội LHPN Q. Tân Bình, ba giải ba thuộc về đội thi Hội LHPN Q.1, Hội LHPN H. Cần Giờ và Hội LHPN Q.7. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - bày tỏ: “Ngày hội là dịp để tôn vinh, biểu dương những ý tưởng sáng tạo của phụ nữ, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc biến phế liệu thành những sản phẩm độc đáo, có ích cho thấy khả năng sáng tạo tuyệt vời của chị em”.

Tâm Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI