Ngày hội yêu thương dành cho công nhân khu chế xuất

26/04/2018 - 08:09

PNO - Chương trình là món quà tinh thần để tiếp thêm động lực, sự tự tin và hiểu biết, góp phần giúp anh chị em công nhân làm việc tốt, chăm lo tốt hạnh phúc gia đình.

Hơn 500 công nhân đã có một buổi chiều vui khi tham gia Ngày hội dành cho công nhân, do Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM và Hội LHPN Q.7 phối hợp tổ chức vào ngày 22/4 tại Trung tâm Hoạt động công nhân viên khu chế xuất Tân Thuận (Q.7). 

Ngay hoi yeu thuong danh cho cong nhan khu che xuat
Các nữ công nhân đang được trang trí móng tại ngày hội

Bài học yêu thương từ chuyện đời diễn giả

Chuyên đề “Yêu thương” qua phần điều hành của thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn - đã cung cấp các thông tin, kiến thức cần thiết cho anh chị em công nhân trên bước đường tìm bạn đời, xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững.

Trả lời câu hỏi “yêu thương là gì”, nữ công nhân Minh Nga thẳng thắn: “Yêu thương là trao tất cả tình cảm cho nhau. Yêu rồi mới thương. Hai khái niệm này luôn gắn kết”. Còn với nữ công nhân Ngọc Thu, yêu thương là sự chia sẻ, gắn bó trong cuộc sống.

Theo diễn giả Ngọc Duy, yêu thương là một dạng tình cảm phổ quát, bậc cao, giữa người với người. Con người sống là để yêu thương. Để bắt được “tần số yêu thương” của nhau, mỗi người thử đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời từ “đối tác”. Khi nghe được định nghĩa yêu thương của ai đó, chúng ta sẽ hiểu được tần số của họ.

Chương trình Ngày hội dành cho công nhân gồm các hoạt động: nói chuyện chuyên đề và tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình; giao lưu văn nghệ; cắt tóc, chăm sóc da và trang trí móng miễn phí; tặng quà cho nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM - nhận định: “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, được thực hiện từ nhiều năm qua tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM. Chương trình là món quà tinh thần để tiếp thêm động lực, sự tự tin và hiểu biết, góp phần giúp anh chị em công nhân làm việc tốt, chăm lo tốt hạnh phúc gia đình”.

Câu chuyện về tình thương của người mẹ đã biến đổi một số phận khiến hội trường cảm động. Huy, một sinh viên cá biệt, đã "cải tà quy chính" khi thấy người mẹ già hằng đêm ngồi cửa đợi mình; hiện cậu là giảng viên tại nhiều trường đại học. Câu chuyện đời của chính diễn giả Ngọc Duy cũng khiến các công nhân trong hội trường lặng người xúc động.

Duy có giai đoạn bị mù trong hai năm, bị rơi vào hôn mê sâu gần một tháng. Dù bác sĩ nói không cứu được, nhưng mẹ anh vẫn kiên nhẫn nhỏ nước vào miệng, xoa bóp cho con, nắm tay Duy thật chặt. Anh kể: “Trước khi rơi vào hôn mê, tôi chỉ nhớ gương mặt mẹ. Với tôi, giai đoạn ấy, việc hít thở là điều rất khó khăn. Nhưng chính bàn tay chai sần của mẹ đã giữ tôi ở lại cuộc đời này”.

Bằng nhiều câu chuyện có thật, diễn giả Ngọc Duy đã đưa mọi người đi từ sự xúc động này đến xúc động khác. Theo anh, vai trò của yêu thương là giúp hàn gắn vết thương, là động cơ của sự tử tế, là an bình cho xã hội, là dấu hiệu của sự sống, là phúc báo cho người trao ban. 

Để thay đổi không khí, diễn giả Ngọc Duy đã làm một khảo sát nhỏ ngay tại hội trường, với câu hỏi “bạn yêu ai nhất?”. Cậu bé Nam, 7 tuổi, theo mẹ đến dự chuyên đề, đã mạnh dạn trả lời: “con yêu mẹ nhất”, rồi ôm hôn mẹ, khiến khán phòng vang dội tiếng vỗ tay. Diễn giả lưu ý, một nguyên tắc trong yêu thương là phải đảm bảo yêu thương những người gần mình trước. Và như vậy, đương nhiên phải yêu thương bản thân đầu tiên; nếu không, bản thân sẽ mất cân bằng, mâu thuẫn sẽ tự khắc nảy sinh. 

Đừng ngại nói lời yêu thương

Khi được hỏi “lần gần đây nhất khen vợ đẹp, nói yêu vợ lắm là khi nào?”, anh Chi Lâm ấp úng: “Không có”. “Vậy lúc mới yêu nhau, anh có nói những lời như vậy không?”. “Có chứ...”. 

Khi diễn giả Ngọc Duy đặt câu hỏi “ai cần nghe những lời yêu thương”, mọi người trong khán phòng đều giơ tay. Theo yêu cầu của diễn giả, nữ công nhân trẻ Nghi Minh đã gọi điện thoại ngay cho mẹ với chế độ mở loa ngoài. Câu nói của cô “mẹ ơi, con yêu mẹ” đã khiến bà mẹ bên kia đầu dây bật khóc. Thạc sĩ Ngọc Duy khẳng định: người càng quan trọng với chúng ta bao nhiêu thì cả họ lẫn chúng ta càng cần được nghe những lời yêu thương bấy nhiêu. Đừng chờ đợi, lần lữa; hãy hành động ngay khi còn có thể. 

Thêm một khảo sát của diễn giả cũng khiến nhiều chị em trong hội trường giật mình: chúng ta đã yêu bản thân như thế nào? Phải chăng đã có nhiều phụ nữ hy sinh cho gia đình mà bỏ mặc bản thân, mấy năm liền không sắm cho mình bộ đồ cho tươm tất?

Công nhân Võ Thị Thu Trang, 28 tuổi, rất tâm đắc khi bước chân ra khỏi hội trường: “Yêu thương phải bắt đầu từ những người gần gũi nhất, mà đầu tiên là bản thân mình. Và đừng chờ đợi, hãy hành động từ những điều giản dị, như tự thưởng cho mình một ly nước, một bữa ăn ngon. Nghe chuyên đề thấm quá”.

Thời gian của buổi nói chuyện chuyên đề có hạn nên không ít công nhân mong có thêm thật nhiều buổi nói chuyện chuyên đề bổ ích, thú vị như thế này. Ra về, các nữ công nhân tíu tít xách những món quà vừa được trao tặng.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Huệ - một trong 200 công nhân có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà (500.000 đồng/suất) - bày tỏ: “Mỗi ngày, tôi đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Hôm nay là ngày nghỉ duy nhất trong tuần, tôi được nghe chuyên đề, được cắt tóc, làm móng, soi da miễn phí, được gặp những ca sĩ mà mình yêu thích, thiệt vui. Cũng nhờ ông xã tình nguyện ở nhà chăm con, mình mới có một ngày vui như vầy. Mong là lâu lâu, các ban, ngành lại tổ chức một ngày cho công nhân tụi em, như bữa nay”. 

Hải Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI