Không để các vụ xâm hại, bạo hành chìm xuồng

01/04/2018 - 20:11

PNO - Có trường hợp luật sư biết rõ trẻ bị xâm hại nhưng không thể đưa ra ánh sáng do thiếu chứng cứ, hoặc do những vướng mắc trong quy trình tố tụng.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em (thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) - nói, bà rất đau lòng, thậm chí cảm thấy bất lực khi có những vụ việc, dù biết rõ trẻ bị xâm hại nhưng không thể đưa ra ánh sáng do thiếu chứng cứ, hoặc do những vướng mắc trong quy trình tố tụng. 

Khong de cac vu  xam hai, bao hanh chim xuong
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - đề nghị các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao để giúp họ phòng, chống xâm hại và bạo hành

Vụ việc nhiều, xử lý ít

Ngày 23/3, Hội LHPN TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm tiếp nhận hỗ trợ, can thiệp các vụ phụ nữ (PN), trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại”. Tọa đàm có sự góp mặt của hơn 50 đại biểu đại diện Đoàn Luật sư, Hội Luật gia TP.HCM, tòa án, công an và cán bộ Hội chuyên trách mảng chính sách - luật pháp 24 quận, huyện của TP.HCM. 

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM  - cho biết, theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, trong sáu tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 805 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Cùng với TP.Hà Nội, Tây Ninh, Kiên Giang và TP.HCM là những địa phương có nhiều nạn nhân bị xâm hại nhất nước. Số vụ việc xảy ra nhiều nhưng xử lý lại rất ít. Từ năm 2012-2015, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp của TP.HCM thụ lý, điều tra 966 vụ/826 bị can về các tội XHTD, chủ yếu là XHTD trẻ em nhưng chỉ mới khởi tố 677 vụ/570 bị can, xét xử 538 vụ/562 bị cáo. 

Tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), trong năm 2017 và quý I/2018, cơ quan chức năng ghi nhận tám vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Gò Vấp đã điều tra, khởi tố bốn vụ với bốn đối tượng, xử lý vi phạm hành chính một vụ, chuyển Công an TP.HCM thụ lý ba vụ. Công an Q.Gò Vấp cũng tiếp nhận tám tin báo của nạn nhân tố giác hành vi hiếp dâm, dâm ô, giao cấu với trẻ em, nhưng có đến bảy vụ phải ra quyết định không khởi tố do thiếu cơ sở kết luận, còn một vụ hiếp dâm trẻ em vẫn đang chờ kết quả giám định. 

Thượng tá Châu Văn Hoàng - Phó trưởng Công an Q.Gò Vấp - chia sẻ: “Công tác đấu tranh với tội phạm XHTD trẻ em gặp nhiều khó khăn là do hầu hết các vụ xâm hại đều không bắt được quả tang. Nhiều trường hợp chứng cứ đã bị mất (lông, tóc, máu, vết cào cấu...); không ít trường hợp gia đình nạn nhân không tố giác hoặc có sự dàn xếp với thủ phạm do mặc cảm, sợ bị người khác biết. Một trở ngại khác trong công tác điều tra án XHTD trẻ em là nạn nhân còn nhỏ, bị dư chấn tâm lý mạnh dẫn đến lời khai không thống nhất, thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người thân”. 

Có chứng cứ, mới "xử" được

Trong năm 2017 và quý I/2018, Hội LHPN TP.HCM đã tiếp nhận, can thiệp, phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM hỗ trợ 26 trường hợp bị xâm hại, bạo hành, bỏ rơi, trong đó có đến 17 vụ trẻ bị XHTD. Mặc dù đã nỗ lực can thiệp nhanh nhất có thể, nhưng trong nhiều vụ việc, Hội vẫn còn lúng túng về quy trình tiếp nhận, can thiệp hoặc phối hợp với cơ quan chức năng để có thông tin chính xác, theo dõi tiến độ xử lý, điều tra.

Bà Huỳnh Thị Năm - Phó chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh, nơi có 5/26 vụ việc mà Hội tiếp nhận - thừa nhận: “Do địa bàn rộng, dân nhập cư đông nên việc nắm tình hình PN, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại chưa kịp thời. Khi vụ việc xảy ra, Hội phải đeo bám, trao đổi hoặc gửi văn bản, phía công an mới cung cấp thông tin, nhưng thông tin cũng không cụ thể”. 

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, việc tiếp nhận, can thiệp các vụ PN, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại vẫn còn nhiều vướng mắc, thứ nhất là do thiếu chứng cứ, thứ hai là do thủ tục pháp lý. Trước đây, bà từng gặp trường hợp gia đình bé gái ở Q.Thủ Đức tố ông hàng xóm xâm hại bé sáu lần. Nghi phạm thường ghi địa chỉ một trang web “đen” cho bé xem, sau đó thực hiện hành vi đồi bại.

Phát hiện sự việc, phụ huynh tức giận, cầm tờ giấy qua nhà kẻ tình nghi la chửi, liền bị người này giật giấy, xé nát, làm mất chứng cứ quan trọng. Lại có trường hợp bé bị xâm hại vào ngày thứ Sáu, nhưng đến thứ Hai tuần sau mới giám định pháp y được do chờ quyết định của công an, nên cũng mất chứng cứ. 

Tương tự, rất khó xử lý các vụ bạo hành với PN do thiếu chứng cứ. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó chánh án Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh - chia sẻ: “Chúng ta chỉ xử lý được một số trường hợp bị bạo hành có hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, có thương tích, bệnh án, còn lại đa phần không đủ chứng cứ để xử lý. Thiết nghĩ, PN cần biết quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Nếu phát hiện bạo lực gia đình, cán bộ Hội phải báo ngay cho ban điều hành tổ dân phố, khu phố, cảnh sát khu vực đến lập biên bản, ghi nhận vụ việc”. 

Để các vụ bạo hành, xâm hại không chìm xuồng, Hội PN cơ sở phải làm tốt hơn nữa vai trò giám sát độc lập của mình. Các cấp Hội cần tiếp cận được nhóm đối tượng có nguy cơ - như trẻ mồ côi, gia đình nghèo, đông con - để tuyên truyền phòng, chống xâm hại, bạo hành. Thời gian tới, Hội LHPN TP.HCM sẽ trao đổi với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, công an và ban, ngành liên quan để có bộ quy trình chuẩn về tiếp nhận, can thiệp đối với các vụ bạo hành, xâm hại PN, trẻ em, trong đó có quy định cụ thể thẩm quyền, thời gian, vai trò tham gia của hội PN. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Mẫn Nhi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI