Trường đào tạo học sinh giỏi và áp lực kinh hoàng

14/04/2018 - 06:30

PNO - Khắc nghiệt thế, nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn muốn đưa con vào đây. Khoảng 6.500 học sinh là con số hiếm trường phổ thông nào đạt tới.

Điểm số trung bình của nam sinh H.T.C., lớp Mười, Trường Nguyễn Khuyến là 8,9. Em là học sinh giỏi với điểm các môn cao chót vót: Tin học (10.0), toán (7,7), vật lý (9,5), hóa (8,4), ngữ văn (7,5), Anh văn (7,9)… Với người thường, học lực 8.9/10 đã là thành tích đáng nể, nhưng C. vẫn thất vọng.

Truong dao tao hoc sinh gioi va ap luc kinh hoang

Vì sao? Vì ở ngôi trường C. học, rất hiếm học sinh khá. Những em học lực trung bình hay yếu không bao giờ có thể lọt qua cánh cổng trường này. Một phụ huynh kể, nhiều học sinh đạt điểm 8,0 - xếp loại giỏi, đã chạy về nhà khóc như mưa vì sợ xếp chót lớp. Chắc chắn, ở học kỳ tiếp theo, em sẽ phải miệt mài học, để thoát án “out” khỏi trường.

Là một trường tư, nhưng để được nhận vào đây học còn khó hơn vô số trường công lập danh tiếng khác. Tất cả học sinh có nguyện vọng vào Trường Nguyễn Khuyến đều phải học hè. Điều kiện được học hè cũng nghiêm ngặt: vào lớp Sáu phải đạt hạnh kiểm tốt, học lực khá hoặc giỏi, ưu tiên học sinh giỏi 5 năm liền.

Vào lớp Mười phải có hạnh kiểm tốt, học lực từ khá trở lên, kèm theo xét điểm môn toán, Anh văn. Sau khóa học hè, nếu học sinh có tiến bộ, thích nghi với sinh hoạt của trường, có nguyện vọng và quyết tâm vào đại học mới được nhận vào học chính thức.

Sự tiến bộ của học sinh và quyết tâm thi đại học được đánh giá thường xuyên qua các kỳ kiểm tra, thi thử. Một phụ huynh kể: “Học hè, luyện giải đề, kiểm tra các vòng xong, trường nhắm không có triển vọng đậu đại học thì coi như bị loại. Trong suốt quá trình học cũng vậy, không đuổi thẳng, nhưng “khuyên” đi”. Sự đào thải khủng khiếp bắt buộc học sinh phải học bất kể ngày đêm dưới áp lực cạnh tranh và sàng lọc gắt gao.

Trao đổi với báo chí ngày 12/4, thầy Lê Trọng Tín - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến - cũng thừa nhận thời gian học của Trường Nguyễn Khuyến nhiều hơn. Các em nội trú học hai buổi chính, trong đó buổi sáng học chính khóa, buổi tối thì các em lên lớp tự học và có giáo viên hỗ trợ giảng giải, kèm cặp.

Theo các học sinh tại đây, luân phiên bốn cơ sở sẽ có một buổi chào cờ lúc 5g30 sáng mỗi tuần. Ở đó, học sinh xuất sắc, có tiến bộ sẽ được tuyên dương, khen thưởng. Trước đó, các em phải dậy tập thể dục từ 5g sáng, trong khi việc học của ngày hôm trước vừa kết thúc trước đó 5-6 giờ. Với học sinh cuối cấp, lịch học càng kinh khủng. Học kỳ II là giai đoạn “cấm túc” từ hơn 6g đến 22g mới rời trường (học sinh ngoại trú). Còn học trò nội trú, chuyện học tới 24g chỉ là chuyện nhỏ.

Hằng ngày, học sinh lớp 12 phải học - nghỉ rồi lại học suốt 12 giờ. Đây là ngôi trường nổi tiếng với phương pháp giáo dục nghiêm khắc. Học sinh, từ ngày bước vào trường cho đến khi đỗ đại học, rời trường là hành trình trưởng thành chỉ biết có học và đối mặt với áp lực điểm số. Không ít cựu học sinh, khi hình dung về ngôi trường cũ, chỉ vỏn vẹn: học kinh hoàng, trại lính, lò rèn.

Khắc nghiệt thế, nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn muốn đưa con vào đây. Khoảng 6.500 học sinh là con số hiếm trường phổ thông nào đạt tới. Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 1.000 suất, nhưng số hồ sơ chờ xét duyệt luôn cao hơn nhiều lần. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI