Trả lại vị thế môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông Việt Nam

17/11/2015 - 06:49

PNO - Đó là bài tham luận của GS.NGND Phan Huy Lê gửi tới hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" diễn ra vào sáng 15/11.

LTS: Bài tham luận của GS.NGND Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam gửi đến hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" diễn ra vào ngày 15/11 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức.

Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu với độc giả.

Tra lai vi the mon Lich su trong nen giao duc pho thong Viet Nam
Gs. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử VN

1. Môn Lịch sử trước nguy cơ bị xóa bỏ
 
Từ trước đến nay, qua các lần cải cách giáo dục, môn Lịch sử cùng với môn Tiếng Việt – văn học, môn Toán học đều được coi là những môn học cơ bản và bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam.

Nhưng đến lần Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, qua “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông” và “Cơ sở xác định cấu trúc và nội dung môn học Công dân với Tổ quốc trong Chương trình phổ thông mới” của Bộ giáo dục và đào tạo, thì môn Lịch sử đã tích hợp vào các môn học khác. Đó là môn “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1,2,3; môn “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4,5 cấp tiểu học và môn “Khoa học xã hội” cấp Trung học cơ sở, môn “Công dân và Tổ quốc” cấp Trung học phổ thông.

Phương hướng tích hợp nên triển khai nhiều ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Theo tinh thần đó, môn Lịch sử dược tích hợp vào hai môn “Cuộc sống quanh ta” và “Tìm hiểu xã hội” ở cấp tiểu học là hoàn toàn đúng về phương diện khoa học và tâm lý học sinh. Nhưng đến cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông mà môn Lịch sử vẫn bị cắt xé, lấy một ít nội dung đem tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông.

Trong chương trình cấp Trung học phổ thông còn có môn Lịch sử tự chọn, nhưng với sách giáo khoa và cách dạy, cách học như hiện nay thì chắc chắn chẳng có mấy học sinh chọn môn Lịch sử. Kết quả thi tối nghiệp trung học vừa qua đã chứng minh thực trạng này. Dù Bộ Giáo dục và đào tạo giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử”, đã “xóa bỏ” môn Lịch sử”. 

Khi một ít kiến thức lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác, thì môn Lịch sử đã không còn với vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó. Nhiều vị có mặt trong hội thảo này cũng như dư luận xã hội hết sức kinh ngạc trước chủ trương này của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Mọi người lo lắng rất chính đáng là lớp trẻ lớn lên trở thành công dân mà chỉ biết lờ mờ, thậm chí biết sai về lịch sử dân tộc, không biết cội nguồn tổ tiên, không biết những thành tựu dựng nước và giữ nước hết sức gian truân và hào hùng của ông cha, không kế thừa những truyền thống dân tộc..., thì làm sao có thể viết tiếp những trang xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau.

2. Môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông trước đây

Nhìn ra thế giới, hầu hết các nước văn minh đều coi lịch sử là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông. Dĩ nhiên với yêu cầu giáo dục phổ thông thì tất cả các môn học đều có vị trí và đều cần thiết. Nhưng xét về chức năng giáo dục thì các môn quốc ngữ, quốc văn, quốc sử và toán học là cơ bản nhất hay còn gọi là cốt yếu, cốt lõi nhất và đều mang tính bắt buộc.

Một số nước, trong những điều kiện và yêu cầu bức xúc, còn thêm môn ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh. Còn phân bố môn học và thiết kế chương trình thì có nhiều phương thức khác nhau và cũng mang tính đa dạng giữa các nước.

Hơn thế nữa, lịch sử Việt Nam là lịch sử xây dựng và bảo vệ của một quốc gia-dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm mà phải tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh phải chống ngoại xâm triền miên. Bên cạnh những thành tựu xây dựng đất nước thành công mà sản phẩm tiêu biểu là nền văn minh Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo thời cổ đại, nền văn minh Đại Việt thời trung đại, là những trang sử chống ngoại xâm hết sức ác liệt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI