Thiếu hiểu biết cơ bản để cảm thông

19/01/2018 - 08:57

PNO - Thằng bé chưa đọc được chữ /v/ chứ không hẳn là không đọc được. Điều đó cũng giống người lớn chưa đọc đúng các chữ cái /tr/ và /ch/, hay /r/, /d/ và /gi/ hay /s/ và /x/, phải cần nhiều thời gian để hoàn thiện.

Em gái tôi là giáo viên (GV) tiểu học. Một lần em kể lại chuyện ở lớp với vẻ bực dọc: “Không biết học sinh (HS) bây giờ ăn gì mà ngu dữ! Có mỗi chữ /v/ mà cả buổi đọc không được, cứ mở miệng ra là /b/. Kiểu này không biết lớn lên làm gì ăn...”.

Chuyện đã qua mà em kể với thái độ vẫn còn hằn học, không hiểu trước mặt HS đã thể hiện thế nào. Chẳng lẽ nhà trường và cô giáo lại trở thành nỗi ám ảnh cho cậu HS tội nghiệp? Tôi hỏi lại: “Có phải thằng bé gãy mất mấy cái răng cửa không?”. Cô em tôi tròn mắt: “Sao chị biết?”.

Thieu hieu biet co ban de cam thong

Câu chuyện khiến tôi nhớ lại cái gian nan thời mới học ngoại ngữ của mình. Mất rất nhiều thời gian để dạy tôi đọc chữ /t/, nhưng cuối cùng thầy giáo người bản xứ đành “bất lực”.

Nhưng, thầy không tức giận mà bảo tôi há miệng để thầy xem… răng. Rồi thầy khuyên: “Em không nên đòi hỏi nhiều ở mình, cứ tạm chấp nhận mức độ này thôi. Lỗi không hoàn toàn ở em”.

Thầy giải thích, cơ cấu bật âm /t/ phụ thuộc vào cấu tạo hai hàm răng. Khi phát âm, răng trên và răng dưới sẽ cắn vào nhau, thẳng hàng; nhưng hai hàm răng của tôi lại không thể nào thẳng được, hàm trên lúc nào cũng “nhô ra trước”.

Thầy còn phân tích thêm cơ cấu phát âm của một số chữ cái khác, ví dụ âm /b/ là âm môi - môi, chúng ta chỉ đọc đúng khi hai môi đập vào nhau, những người bị dị tật ở môi thì không thể phát âm đúng được; hoặc âm /v/ là âm răng - môi, khi đọc răng trên sẽ tự động chạm vào môi dưới, ai mất cùng lúc mấy cái răng cửa thì khó phát âm đúng…

Bài học của thầy khiến tôi hiểu, trong cuộc sống, đặc biệt trong giáo dục, hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc giải quyết nó. Sau này có cơ duyên tiếp cận với HS, tôi ít khi tức giận mà luôn kiên trì trước những tình huống không như ý. Tôi dành thời gian lắng nghe những vướng mắc khiến các em không đạt được kết quả như mong đợi.

Thậm chí, tôi quan tâm cả những ngày “khó ở” của HS, để nếu các em có biểu hiện mệt mỏi hay lơ đãng, tôi cũng không quá nặng lời. Việc này giúp tôi luôn tìm thấy niềm vui khi dạy học. Tôi và HS như những người bạn và các em luôn có thể tâm sự với tôi bất kỳ vấn đề gì.

Tôi hỏi em gái về cơ cấu phát âm 29 chữ cái trong tiếng Việt, em ngơ ngác. Với một GV tiểu học, đặc biệt là GV lớp Một, chương trình chính là học các chữ cái, rồi ghép vần, như người đặt những viên gạch đầu tiên để đứa trẻ bước lên những bậc thang cao hơn trên con đường học tập, việc GV phải nắm rõ cơ cấu phát âm là vô cùng cần thiết.

Thằng bé chưa đọc được chữ /v/ chứ không hẳn là không đọc được. Điều đó cũng giống người lớn chưa đọc đúng các chữ cái /tr/ và /ch/, hay /r/, /d/ và /gi/ hay /s/ và /x/, phải cần nhiều thời gian để hoàn thiện.

Nói vậy để nhận ra, những gì chúng ta được trang bị để phục vụ cho nghề của mình có vẻ như quá cao siêu, trong khi những vấn đề cơ bản nhất lại không được chú ý. Cần có một sự hiểu biết vừa đủ để giúp HS có được sự cảm thông, động viên đúng lúc từ người thầy! 

Yên Đan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI