Thầy giáo không được dạy lớp 12!

08/12/2017 - 08:46

PNO - Một nhóm học sinh lớp 12 Trường THPT dân lập Văn Học từng đến báo Phụ Nữ đưa đơn khiếu nại nhà trường vì đã không cho các em học thầy Nguyễn Thạnh, do thầy dạy quá lôi cuốn.

Cùng giáo viên thay đổi

Đổi mới giáo dục đang là yêu cầu cấp bách của xã hội. Mới đây, NES Education - một doanh nghiệp xã hội được thành lập bởi các nhà giáo, đã khởi động dự án thiện nguyện mang tên "Cùng giáo viên thay đổi", với hy vọng góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục. Từ “nguồn cảm hứng” đó, báo Phụ Nữ xin phép được dùng tên dự án này để mở một chuyên mục mới, chuyển tải những ý kiến đóng góp của bạn đọc và thầy cô giáo cho giáo dục nước nhà.

Đây là một người thầy đã đầu tư cả cuộc đời mình cho nghề sư phạm. Giờ giảng của ông luôn làm cho học sinh (HS) mê tít, nhưng trường lại quyết định thay giáo viên khác, không cho ông dạy lớp 12 nữa. Thế là HS “đình công” không chịu học giáo viên mới... Kỷ niệm vừa buồn, vừa vui đó đã theo ông suốt đời. 

Thay giao khong duoc day lop 12!
Thầy giáo Nguyễn Thạnh

Giảng thơ như... lên đồng

Bạn Nguyễn Thị Nhận (sinh viên năm 3 Trường đại học Sài Gòn) nhớ lại: "Nói về thầy Nguyễn Thạnh dạy văn, tôi nhớ ngay đến người thầy có mái tóc đen dài ngang vai đầy vẻ lãng tử, nghệ sĩ. Thầy thường lên lớp không giáo án nhưng vẫn giảng ào ào. Tôi mê nhất là những tiết dạy của thầy không theo một khuôn mẫu nhất định nào, không hề “lập trình” sẵn.

Thầy thường cho HS đọc tác phẩm, tìm cái hay cái đẹp ở mọi khía cạnh rồi trình bày suy nghĩ của mình. Khen chê gì cũng được nhưng phải có lý lẽ thuyết phục. Khi giảng bài, thầy thường liên tưởng cả đến không gian, thời gian để đưa HS vào hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, hoàn cảnh của nhân vật để cảm nhận. Khi giảng thơ, thầy như lên đồng. Chính vì vậy, giờ giảng của thầy luôn cuốn hút. 

Dạy về các thể loại nghị luận, thầy thường khuyến khích HS tự tìm đọc những truyện ngắn mới nhất đăng trên các báo để tập phê bình sao cho thuyết phục. Tôi thấy mình thật may mắn khi là học trò của thầy, được học từ thầy rất nhiều điều. Không chỉ dạy văn, trong giờ học thầy luôn kết hợp bài học với những kiến thức về địa lý, lịch sử, tâm lý học, kiến trúc, tôn giáo, hội họa… những khi có thể. Tôi luôn nhớ mãi lời thầy, muốn giỏi môn văn phải cần đến ba yếu tố là kiến thức, cảm xúc và kỹ năng. Tận lúc này, tôi vẫn đang từng ngày trau dồi theo lời dạy đó".

Đầu tư cho nghề sư phạm bằng cả cuộc đời

Thầy giáo Nguyễn Thạnh khẳng định, anh đã “đầu tư cho nghề sư phạm bằng cả cuộc đời mình”. Trong suốt 13 năm dạy ở Trường THPT An Hữu, H. Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, dù đời sống vô cùng khó khăn, nhưng cứ đến hè là anh khoác ba-lô đi thực tế để tích lũy vốn sống. Muốn hiểu thấu và giảng được bài thơ Tây tiến (Quang Dũng) với những hình ảnh “hồn lau nẻo bến bờ”, “heo hút cồn mây, súng ngửi trời”, “nghìn thước lên cao nghìn thước xuống” và cả cái lãng mạn, phiêu bồng của người thi sĩ; anh đã lặn lội lên Tây Bắc, về Sông Mã sống và cảm.

Để hiểu cặn kẽ về Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) anh khoác ba-lô lên Tây Nguyên sống cùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Anh cũng từng ra Côn Đảo để thấu cảm bài Đập đá ở Côn Lôn (Phan Chu Trinh); về Cà Mau để hiểu cây đước, cây mắm… Có năm, anh “nằm” Hà Nội cả tuần, lân la khắp bờ bãi, phố phường, thành quách để có thể giảng được những bài liên quan đến Hà Nội.

Anh nói: “Trong phương châm phấn đấu của tôi có ba động từ: đọc, đi và viết. Đọc thật nhiều để bổ sung những kiến thức còn khiếm khuyết và bồi dưỡng tâm hồn. Đi để khám phá, tích lũy vốn sống, bởi trăm nghe không bằng một thấy. Có hiểu cặn kẽ thì mới tự tin mà giảng “mùa em thơm nếp xôi” chính là “cái thì con gái xuân sắc”, mới có thể chỉ cho HS thấy được các tầng nghĩa ẩn dụ trong ngôn ngữ của người thi sĩ tài hoa. Cuối cùng là phải viết, viết thật nhiều thì viết mới hay. Nhờ mê dạy văn mà tôi đã đi gần như khắp đất nước”.

Nhờ đọc nhiều, đi nhiều và viết nhiều (anh còn là một nhà thơ) cộng với nguyên lý “lấy học trò làm trung tâm” rút tỉa từ bảy năm làm việc cho những dự án về giáo dục của các tổ chức phi chính phủ, những tiết giảng của anh luôn mới mẻ, cuốn hút HS. Nhưng, cũng chính vì những giờ giảng mê hoặc đó mà sự nghiệp dạy học của thầy giáo Nguyễn Thạnh luôn lận đận.

Năm 2000, một nhóm HS lớp 12 Trường THPT dân lập Văn Học đã đến báo Phụ Nữ đưa đơn khiếu nại nhà trường vì đã không cho các em học thầy Nguyễn Thạnh, do thầy dạy quá lôi cuốn. Nhà trường lo nếu dạy như thầy Thạnh sẽ cháy giáo án, HS đi thi không đỗ, nên đã đổi giáo viên. Không chỉ ở Trường THPT dân lập Văn Học, thầy Nguyễn Thạnh còn “thất bại” tại nhiều trường khác, cả trường công lẫn trường tư.

Ban giám hiệu các trường cho rằng, cách dạy của anh là xé rào, là cầm đèn chạy trước ô tô, là sẽ cháy giáo án và quan trọng nhất là không đáp ứng được mục tiêu thi cử. “Họ yêu cầu tôi phải dạy theo kiểu đọc-chép-dò bài và phải soạn sẵn tài liệu, trong đó có bài viết về tác phẩm để HS học thuộc lòng, giám thị dò bài. Cách này thật sự mâu thuẫn với những nguyên lý giáo dục, với những gì tôi muốn đổi mới, lại đi ngược bản chất của văn học. Vì thế, họ không cho tôi dạy lớp 12”. 

Hỏi anh có buồn vì chuyện đó? Anh tâm sự: “Mục đích của mình là dạy cho HS biết cảm thụ, thấy được cái hay cái đẹp của tác phẩm, nên khi dạy một bài thơ, đoạn thơ, phải hỏi các em là câu thơ nào làm các em xúc động nhất, từ đó mới dẫn các em đến với cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, sự tài tình của người thi sĩ, những gì nhà thơ muốn gửi gắm... Tôi không buồn cho tôi, nhưng buồn và xót cho HS. Học văn như thế thì quá bất hạnh! HS sẽ chẳng có được kiến thức và kỹ năng gì, thi xong là quên hết” .

Sự thay đổi ở người thầy là cần thiết và điều kiện để đổi mới thành công là người thầy phải hết sức tự giác. Đồng thời, cần thay đổi cả nội dung chương trình và sách giáo khoa để phù hợp với thẩm mỹ của HS trong thời đại mới. Thế giới phẳng, cần chọn và đưa vào sách giáo khoa những tác phẩm có giá trị tư tưởng toàn cầu. Tôi dạy bằng cả tấm lòng say mê, hứng thú, thấm đẫm tình yêu sư phạm và xem đó là thiên chức của nghề giáo. Để khơi gợi, đánh thức tiềm năng của HS, tôi chọn cách không đưa chân lý trọn gói cho HS mà hướng dẫn và cùng các em đi tìm chân lý. HS có thể đối thoại thẳng thắn với thầy, có thể nói khác thầy. Bằng cách đó, tôi nghĩ sẽ giúp các em nhớ bài, tích lũy được kiến thức và có nhận thức thật sự. 

Thầy giáo Nguyễn Thạnh

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI