Số 0 là số gì vậy ba?

28/04/2018 - 07:16

PNO - “Số 0 là không có gì cả nhưng khi con đặt số 0 phía sau những con số khác, nó sẽ gia tăng giá trị lên rất nhiều lần. Ngay từ đầu con đã là một số 0 rất đẹp trên vai ba”.

Con 5 tuổi. Ở trường, bài tập toán con học chỉ mới là phép cộng, trừ dưới 10. Nhưng khi về nhà, bài toán trên môi con còn có cả số lớn hơn 10, số âm; thậm chí cả nhân và chia…  

So 0 la so gi vay ba?

Chẳng hiểu sao con thích con số đến mức có thể tự tập đếm từ 1 cho đến bây giờ là 7.400. Mỗi khi rảnh rỗi, con lại đếm thêm một chút. Có khi con tự đếm ở nhà, có lúc ở trường. Con tự đếm, tự nhớ là mình đã đếm đến đâu để ngày hôm sau biết mà bắt đầu tiếp. 

Những ngày này, câu con hỏi nhiều nhất là các con số: 15 cộng 37 là bao nhiêu vậy ba? 42 trừ 11 là bao nhiêu vậy ba? 22 trừ bao nhiêu thì bằng -7 vậy ba?... Như thể những con số bật ra một cách vô thức trong đầu con chẳng theo một trật tự nào cả. Có lần khi con hỏi và vừa nhận xong đáp án từ ba, đã ngay lập tức nói: “Lúc nãy trong đầu con có đáp án trước ba mà con nói ra không kịp”. 

Cô giáo nói ở trường con rất nhạy với các con số. Hôm nào có giờ học toán, con luôn được tặng sticker vì có những câu trả lời chính xác. 

Có lúc ba từng nghĩ sao con hỏi nhiều quá, rắc rối quá. Rồi ba lại tự trả lời là vì không biết nên con mới hỏi. Mà tính con cũng rất “hay ho”. Có nhiều việc con biết rồi mà vẫn hỏi đi hỏi lại. Có lần, trong lúc bận rộn, ba bực đến mức lớn tiếng: “Những chuyện con biết rồi thì không hỏi nữa nhé”. Thế là con rơm rớm nước mắt…

Nhưng thú thật là ba rất sợ những ngày con không hỏi, không quấy rầy. Vì đó là những ngày con bệnh. Cơn sốt làm con chỉ muốn nằm, ăn thật ít, không nói chuyện, mắt mơ mơ màng màng. Những ngày ấy tiếng cười trong veo của con không vang khắp mọi ngóc ngách trong nhà; mồ hôi của con không túa ra theo bước chân hiếu động thoắt ở phòng khách thoắt ở phòng bếp.

So 0 la so gi vay ba?
 

Có một điều rất đơn giản để có thể chơi với trẻ con là cố gắng đừng nóng nảy. Ba cũng chưa bao giờ thấy ai nóng nảy mà chơi được với trẻ con. Vì gần như mỗi hành động hay lời nói của trẻ đều rất dễ “châm ngòi lửa” nếu người lớn không đủ bình tĩnh lắng nghe hay thấu hiểu. 

Trẻ con, suy cho cùng, lại chính là “người thầy giỏi nhất” dạy cho người lớn sự kiên nhẫn, bao dung và điềm tĩnh. 

Có lần con hỏi: “Nếu con 20 tuổi thì ba bao nhiêu tuổi”. “Thì ba 53 tuổi”. Trả lời con xong, ba chợt giật mình. Vậy là khi con bắt đầu trưởng thành thì ba cũng bắt đầu đi về phía bên kia con dốc cuộc đời. Lúc đó, hẳn con sẽ không còn nhu cầu hỏi ba điều gì nữa vì kiến thức của con đã đủ, hoặc con có thể nhờ Google để tìm ra câu trả lời, hay con có quá nhiều mối bận tâm khác để chẳng còn thời gian đặt câu hỏi với ba. 

Vậy nên bây giờ được bận rộn với con cũng là một hạnh phúc, dẫu hạnh phúc ấy chẳng đủ dài như ba mong muốn. Chỉ mong sao con có thể tựa vào ba, xem ba như một “vũ trụ thu nhỏ” của riêng con. Để ba thấy trong hành trình trưởng thành của mình, con là một trong những thử thách lớn nhất mà ba phải vượt qua để nhận ra rằng: cuối cùng thì mục đích sống của mình là gì.

Còn nhớ một lần nào đó con hỏi: “Số 0 là số gì vậy ba?”. Ba đã trả lời: “Số 0 là số không có gì cả, con nhé”. 

Nhưng ba hy vọng một ngày nào đó khi con hỏi lại câu này, ba sẽ trả lời thêm rằng: “Số 0 là không có gì cả nhưng khi con đặt số 0 phía sau những con số khác, nó sẽ gia tăng giá trị lên rất nhiều lần. Ngay từ đầu con đã là một số 0 rất đẹp trên vai ba”.

Nguyễn Phong Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI