Quả thị không tự rơi vào bị bà…

06/02/2018 - 08:28

PNO - Quả thị sẽ không tự rơi vào bị bà mà chính thái độ chăm chỉ, nghiêm túc, có định hướng và có chiến lược mới tạo nên quả thị thơm nức lòng người...

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm học 2019-2020. Do nhiều môn được biên soạn theo hướng tích hợp, nên để đáp ứng việc giảng dạy, giáo viên (GV) không những hiểu sâu mà còn phải biết rộng. Đáng lo ngại là kiến thức của không ít GV hiện nay lại rất hạn chế. 

Qua thi khong tu roi vao bi ba…
 

Nhân nói chuyện văn chương, bạn tôi, một GV dạy toán bậc THPT kể: mới đây, trong giờ ra chơi, thấy bạn chăm chú đọc, một GV dạy văn hỏi bạn đọc gì. Bạn tình thật là đang đọc lại Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. 

Bạn giải thích, phải nói là “đọc lại” cho đỡ mắc cỡ, chứ tác phẩm đó đã xuất bản từ lâu, đoạt giải thưởng, được làm phim, dựng kịch và dịch ra nhiều thứ tiếng mà đến giờ bạn mới đọc. Thế nhưng, điều khiến bạn cảm thấy “mắc cỡ” hơn khi GV dạy văn kia hỏi một cách thản nhiên: “Nguyễn Ngọc Tư là ai?”.

Câu chuyện của bạn khiến tôi nhớ đến chuyện của con gái tôi đang học lớp Tám. Sau khi đọc quyển Pháo đài số, cháu mê Dan Brown và tìm đọc gần như toàn bộ những tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt của nhà văn này như Biểu tượng thất truyền, Điểm dối lừa, Thiên thần và ác quỷ, Hỏa ngục...

Thế rồi trong một cuộc kiểm tra vấn đáp với thầy giáo tiếng Anh ở trường, câu hỏi của thầy gợi đúng chỗ cháu thích nên kể một loạt tác giả, trong đó có Dan Brown. Thầy lại hỏi Dan Brown là ai? Thế là cháu lại nói về tác giả và những tác phẩm của ông.

Không hiểu thầy giáo đã nghe cháu nói với tinh thần và thái độ như thế nào, nhưng sau đó thầy lại đi nói với một học sinh (HS) cùng lớp, đại ý rằng: “Có thì nói có, không thì thôi chứ không nên bịa đặt. Có bạn không đọc, kể được tên một tạp chí nào mà lại bịa ra là đọc sách này sách nọ”. Đánh giá của thầy khiến cháu buồn và chán học giờ thầy suốt thời gian dài.

Qua thi khong tu roi vao bi ba…
 

Một lần trò chuyện, tôi từng nghe các thầy cô ở một trường nọ nhắc tên thầy H. “nổ”. Chữ “nổ” là do HS đặt cho thầy bởi thầy hay nói vống mọi chuyện. Trong những chuyện mà thầy thường “nổ” với HS có chuyện thầy là GV duy nhất của trường có được chứng chỉ B2 châu Âu.

Cũng đáng tự hào thật. Nhưng do thầy tỏ vẻ “kiêu” khi nhiều lần khoe chứng chỉ ấy nên HS đã có lần “phản pháo” rằng: “Trong lớp có bạn cũng có bằng như thầy, mà điểm số còn cao hơn thầy” khiến thầy tím tái.  

Những câu chuyện trên cho thấy, trong thời đại thông tin mở, HS có thể cập nhật được rất nhiều kiến thức ở mọi lĩnh vực. Nhiều em đến trường không phải để được nghe cô giảng bài trong sách giáo khoa mà là để xem thầy cô nói với các em những điều gì mới mẻ.

Tất nhiên biển học mênh mông, không thể đòi thầy cô phải biết mọi thứ. Nhưng vấn đề là thầy cô có chịu học hỏi, có tự bồi đắp và khi gặp phải tình huống “trò hơn thầy” thì phải ứng xử thế nào để được học trò tôn trọng.  

Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, ngoài việc chú trọng rèn luyện về chuyên  môn, phương pháp dạy học thì người GV còn cần có khả năng truyền lửa đam mê học tập cho HS, có kỹ năng tổ chức những hoạt động tương tác với HS…

Những đòi hỏi ấy, ông ví như là quả thị. Và “quả thị sẽ không tự rơi vào bị bà mà chính thái độ chăm chỉ, nghiêm túc, có định hướng và có chiến lược mới tạo nên quả thị thơm nức lòng người học theo phương châm: dạy học là trao cho niềm tin, tình cảm, tri thức và kỹ năng…”. 

Phương Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI