Phương án thi THPT Quốc gia 2017: "Nếu làm được như vậy sẽ tạo ra những sản phẩm tốt"

07/09/2016 - 06:10

PNO - Từ năm 2017 phương án thi THPT Quốc gia sẽ có một số thay đổi theo hướng tích cực.

Trừ Văn, những môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm

Theo dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo Chính phủ, từ năm 2017 phương án thi THPT quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.

Cụ thể, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sẽ giao về cho các Sở GD-ĐT chủ trì. Cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như năm 2016. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát.

Dự thảo cũng nói rõ,  phương án thi năm 2017 là tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Trong đó, bài thi Ngữ văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút; các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 50 câu trắc nghiệm làm trong 90 phút. Mỗi thí sinh tham gia dự thi sẽ được cấp một mã đề thi riêng để tránh trường hợp quay cóp.

Những hạn chế của năm trước sẽ được giải quyết

Trước dự thảo mới này của Bộ GD-ĐT, trao đổi với Phụ nữ TP.HCM, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng dự thảo mới này hoàn toàn hợp lý và khắc phục được những hạn chế, sai lệch mà Bộ GD trước vấp phải.

Phuong an thi THPT Quoc gia 2017:
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT).

Cụ thể, phân tích về việc kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ giao về cho các Sở GD-ĐT chủ trì, GS. Nhĩ bình luận: "Trong 2 năm vừa qua, Bộ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia: Năm đầu tiên thi Phổ thông nhưng lại không giao cho Sở GD mà lại giao cho các trường Đại học, trong khi 12 năm học sinh do Sở GD quản lý, như vậy là làm trái.

Tiếp đến, năm thứ 2 thì lại biến chế lại là: Nửa chia cho Sở GD, nửa chia cho các trường Đại học... điều này xảy ra một cái kỳ thị đối với học sinh. Tất nhiên, những điều này là do Bộ GD cũ làm trái, làm sai nên ông Bộ trưởng mới ông đề nghị làm lại như vậy, tôi thấy hoàn toàn đúng.

Sở GD đã quản lý học sinh phổ thông suốt 12 năm trời, bây giờ trách nhiệm của họ là phải tổ chức, đánh giá lại tất cả học sinh về tình hình học hành như thế nào, cách làm này đúng với quy luật, đúng với quốc tế, việc này khắc phục những hạn chế của năm trước".

Cũng theo PGS. Nhĩ việc "5 bài thi bắt buộc" thay vì việc thi 3 môn chính và được tự chọn 1 môn như kỳ thi THPT Quốc gia những năm trước cũng hoàn toàn hợp lý.

"Trước đây, cái cũ là thi 3 môn là Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn, điều đó là một sự sai lầm, làm như thế sẽ tạo cho học sinh việc học lệch, chỉ tập trung Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn để học, từ lớp 10 chúng đã tự chọn rồi, cho nên tạo ra những thế hệ học sinh học phiến diện cho nên nó dẫn đến những trường hợp như là "đứng trước Gò Đống Đa bảo ông Quang Trung và ông Nguyễn Huệ là anh em với nhau". Điều này cho thấy cách ra đề thi của Bộ cũ là quá lệch lạc, dẫn đến học lệch.

Năm nay, ông Bộ trưởng mới đề nghị như vậy, tôi cho là hoàn toàn đúng, dựa trên nguyên tắc "Học gì thi nấy". Tuy nhiên, làm thế nào cho nhẹ nhàng, vừa phải thì Bộ làm cách thi 3 môn công cụ như Toán, Văn, Ngoại ngữ mà mỗi người cần phải nắm biết hết (kể cả thế giới họ cũng vậy); đồng thời, tất cả các môn khác chia ra làm bài thi Tự nhiên và Xã hội, ta gọi là bài Tổng hợp các môn đó lại với nhau. Như vậy, là học sinh chúng mới học toàn bộ", ông Nhĩ hoàn toàn đồng ý với việc 5 bài thi như vậy.

"Bây giờ, để đánh giá học sinh về cách viết văn như thế nào, câu văn viết ra sao, có đúng chính tả không, đúng ngữ pháp hay không? thì bắt buộc văn phải thi tự luận, cái đó là được rồi; còn những bài khác (Toán, Anh, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) thì có thể làm trắc nghiệm khách quan.

...Việc thi trắc nghiệm có đánh giá kiến thức, cho nên là học sinh biết cái này là đúng hay không đúng, nếu học sinh học thực sự thì học sinh sẽ cân nhắc và đạt được kết quả xứng đáng với công sức chúng bỏ ra; còn anh không học hành mà chỉ đoán mò thì chắc chắn không bao giờ đạt được điểm cao cả, chỉ gặp may gặp rủi thôi. Thi trắc nghiệm có thể đảm bảo thời gian, công bằng, trên thế giới họ cũng làm nhiều rồi", vị chuyên gia GD phân tích tiếp.

"Kỳ thi sẽ tạo ra những sản phẩm tốt"

Đồng tình hoàn toàn với nhứng điểm mới nêu ra trong dự thảo đề án thi THPT Quốc gia cho năm 2017, tuy nhiên để có thể làm tốt được, Nguyên Thứ trưởng đào tạo đề xuất:

Thứ nhất, Bộ GD cần mời các chuyên gia thảo luận và đưa ra đề thi tích hợp, chung cho cả nước để đánh giá đúng mức học sinh, xem mặt bằng thi toàn quốc như thế nào. Tiến tới, Bộ phải làm một ngân hàng đề thi, trong tương lai có thể người ta dựa vào ngân hàng đó, có hướng dẫn và Tổ hợp một đề thi...

Thứ hai, Bộ phải đứng ra tổ chức thi cho thực sự nghiêm túc, giám sát, phối hợp rõ với các Sở GD và chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm túc, có những chế tài xử phạt rõ ràng. Đồng thời, tổ chức giám sát cần phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng ở địa phương, sau đó cũng có những cách như đổi giám thị, chấm chéo...

"Nếu làm được như vậy tôi chắc chắn kỳ thi  năm tới sẽ tốt hơn và tạo ra những sản phẩm tốt để các trường Đại học, Cao đẳng tự chủ trong vấn đề tuyển sinh", GS. Nhĩ nhấn mạnh.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI