Nghề giáo: Giỏi thôi chưa đủ

22/04/2018 - 07:00

PNO - Nghề giáo vốn dĩ đặc thù nên xét năng lực thôi chưa đủ. Có những kiểu tính cách, thói quen, xu hướng giới tính hoàn toàn không phù hợp với nghề dạy học, nhưng lại đang vắng bóng trong các tiêu chí tuyển dụng hiện nay.

Nghề giáo vốn dĩ đặc thù. Có những kiểu tính cách, thói quen, xu hướng giới tính… hoàn toàn không phù hợp nghề dạy học, nhưng lại đang vắng bóng trong các tiêu chí tuyển dụng. Trong khi, đây không chỉ là những chốt chặn để bảo vệ học trò mà còn để bảo vệ cho chính thanh danh của người thầy, của ngành giáo dục.

Nghe giao: Gioi thoi chua du
Học trò Trường THPT Gia Định - TP.HCM lưu luyến tiễn cô giáo về hưu

Ám ảnh theo vào giấc mơ

“Tối qua, mình lại mơ thấy cô P.Y., mồ hôi túa ra rồi thức luôn đến sáng”. Đó chỉ là một trong rất nhiều dòng trạng thái mà bạn O. - cựu học sinh (HS) một trường THPT tại quận vùng ven - đang xôn xao trên mạng xã hội. 

O. đã du học từ ba năm nay, nhưng em luôn bị ám ảnh bởi cô giáo cũ, một giáo viên “nổi tiếng” với những chiêu trò rất tinh vi để uy hiếp HS. O. là một HS ngoan hiền, tốt bụng và cư xử rất văn hóa. Nhưng chỉ vì không theo lớp học thêm của cô Y. nên đã bị cô “để mắt”. Đến giờ dạy của cô, mọi hành vi của O. đều bị cô mỉa mai. Thấy em cho bạn mượn cây bút máy, cô bảo: “Đừng ỷ mình giàu có …”.  Bạn khát nước, O. đưa cho bạn chai nước, cô lại bảo: “Đừng thể hiện ta đây tốt bụng”.

Rồi cô cạnh khóe: “Nhà tôi có nuôi con chó, chỉ cần nói một tiếng là nó nghe”... Cô còn tuyên bố: “Nếu học kỳ này, hạnh kiểm của em mà tốt thì tôi không làm người”. Không dừng lại ở đó, cô Y. còn lôi kéo một vài giáo viên khác để o ép những HS mình không ưa, và O. tiếp tục là nạn nhân. Tình hình tồi tệ đến mức có lần O. đã cầm dao rọc giấy toan tự đâm mình… 

Những tháng ngày sau đó của O. trở nên tồi tệ. Từ một HS thông minh, hồn nhiên, trong sáng, em ngày càng ủ dột, trầm cảm. Một số thầy cô biết chuyện đã tìm cách giúp em chuyển lớp để né cô giáo Y. Nhưng nhiều năm trôi qua, nỗi ám ảnh vẫn đeo bám em.

Nhưng không chỉ có O. mà rất nhiều HS khác cũng có chung một nỗi ám ảnh cô Y. Trên Facebook, học trò cũ “kể tội” cô: “Không đi học thêm đi rồi biết, ăn hột vịt như chơi, lên bảng đứng riết. Hầu như ai học cô là phải đi học thêm. Không thì từ lết tới chết”; “Học trò nghèo rớt mồng tơi mà vẫn ép buộc học thêm. Mình phải chuyển từ 10A2 sang 10A3 để tránh “bão”. Cảm giác thật khủng khiếp”.  

Thế mới thấy, không chỉ có HS Trường THPT Long Thới mong được các cấp lãnh đạo “giải cứu” khỏi cô giáo lạnh lùng; không chỉ HS Trường THPT Hàn Thuyên mong được thoát khỏi thầy giáo dạy văn với những ngôn từ chợ búa, thô tục, mà nhiều trường, HS cũng đang phải chịu đựng và mong được giải phóng khỏi những người thầy chọn sai nghề. 

Nghe giao: Gioi thoi chua du
Ảnh minh họa

Năng lực thôi chưa đủ

Lật lại tiểu sử của cô giáo lạnh lùng ở Trường THPT Long Thới, người ta mới tá hỏa vì cô từng có “tiền sử” quát nạt, chửi mắng, bắt phạt, đuổi HS ra khỏi lớp… ở một ngôi trường khác. Học trò đã bị khủng hoảng vì cô. Tức nước vỡ bờ, học trò ghi âm tố cáo, cô bị kỷ luật và chuyển trường.

Lần này, ở ngôi trường mới, để tránh  lặp lại sự cố, cô “khủng bố” học trò bằng hình thức khác: không nghe, không thấy, không nói. Chắc hẳn với cách này, cô nghĩ học trò chẳng còn bằng cớ đâu để thưa kiện. Nhưng sự việc vỡ lở, nhiều người tin rằng, cô có thói quen “khủng bố” HS, một thói quen khó bỏ, chỉ thay đổi vỏ bọc trong hoàn cảnh mới.

Còn thầy giáo dạy văn bằng những ngôn từ chợ búa lại sở hữu một “thói quen” rất cá biệt - thích rủ nam sinh đi chơi riêng và hay dùng những ngôn từ hết sức nhạy cảm với học trò. Khi bị HS “tố”, thầy xin lỗi và hứa sẽ khắc phục. Nhưng ai cũng hiểu đây chỉ là… lời hứa. Thầy từng phải chuyển đơn vị công tác vì cái “thói quen” ở một ngôi trường cũ. Sang trường mới, che giấu “thói quen” được ít lâu thì lời hứa gió bay, mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Khi trao đổi vụ việc, lãnh đạo nhà trường thừa nhận bất lực: “Không dễ cho thôi việc một giáo viên nếu như không có chứng cứ cụ thể rằng họ vi phạm”. Nhưng xin thưa, nếu đợi đến khi gây ra hậu quả nghiêm trọng, để có cái gọi là bằng chứng xử lý theo luật thì đâu cần đến các lãnh đạo làm công tác quản lý trong nhà trường.

Nhiều nhà giáo xưa kể lại rằng, việc đào tạo và phân công nhiệm sở cho giáo viên trước đây rất chặt chẽ, dù không nhiều tiêu chí như bây giờ. Có một sinh viên dù là thủ khoa đầu ra của ngành tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm nhưng anh đã nhận lời phê “không phù hợp công việc giảng dạy”, vì anh có xu hướng tình cảm đặc biệt. Tất nhiên, anh mất cơ hội được giữ lại trường. 

Một nguyên lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM kể, ngày trước, khi tuyển sinh viên sư phạm, ngoài chuyện kiến thức, họ còn kiểm tra cách phát âm, khả năng đối đáp, ứng xử để nhận biết được một phần tư cách đạo đức của người sẽ làm thầy. Thậm chí, ứng viên phải lên bảng viết chữ để kiểm tra nét chữ, nết người, dung mạo, tác phong, cách ăn mặc… Cách tuyển sinh này không chỉ chọn được ứng viên có năng lực mà sơ bộ chọn được người có tố chất phù hợp với nghề giáo.

Nghề giáo vốn dĩ đặc thù nên xét năng lực thôi chưa đủ. Có những kiểu tính cách, thói quen, xu hướng giới tính hoàn toàn không phù hợp với nghề dạy học, nhưng lại đang vắng bóng trong các tiêu chí tuyển dụng hiện nay. Trong khi, đó không chỉ là những chốt chặn để bảo vệ học trò mà còn để bảo vệ cho chính thanh danh người thầy, của ngành giáo dục - một ngành không chấp nhận có những “sản phẩm lỗi”. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI