Lương cử nhân sư phạm ra trường trong 5 năm không bằng thu nhập của xe ôm

20/08/2017 - 09:01

PNO - Nghề giáo là một nghề xã hội luôn đòi hỏi người làm nghề phải luôn thanh cao và hiến dâng, nhưng ngược lại, sự đãi ngộ đối với nó lại chưa bao giờ tương xứng.

Điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp đang là vấn đề nóng của mùa thi đại học năm nay và nguyên nhân được cho là ngành này không còn hấp dẫn. Nhưng không phải chỉ năm nay mà rất nhiều năm rồi, điểm chuẩn vào ngành sư phạm cũng không cao.

Luong cu nhan su pham ra truong trong 5 nam khong bang thu nhap cua xe om

Muốn có điểm chuẩn cao thì phải thu hút được nhiều người giỏi thi vào. Ngặt là nghề dạy học, xét trên tổng hòa của các yếu tố, chưa bao giờ là một nghề hấp dẫn để có thể thu hút được nhiều người giỏi. Xét ở khía cạnh công việc, dạy học là nghề đầy áp lực, từ tiến độ chuyển tải nội dung chương trình, sổ sách, thi đua, thành tích và phải đối phó với hết cuộc cải cách này đến cuộc đổi mới khác…

Nghề giáo là một nghề xã hội luôn đòi hỏi người làm nghề phải luôn thanh cao và hiến dâng, nhưng ngược lại, sự đãi ngộ đối với nó lại chưa bao giờ tương xứng. Đồng lương của một cử nhân sư phạm ra trường trong 5 năm không bằng thu nhập của một người chạy xe ôm, và 10 năm trong nghề mới bằng lương anh thợ hồ.

Để sống được, giáo viên phải làm thêm nhiều nghề tay trái, trong đó có người làm phụ hồ và chạy xe ôm. Số ít thầy cô sống được và sống tốt nhờ dạy thêm, nhưng đây là công việc không được khuyến khích và xã hội đang tìm cách triệt tiêu. 

Nhưng nỗi ê chề của nghề này nằm ở cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Không phải là tất cả, nhưng phải tốn tiền chạy chọt mới xin được chỗ dạy đang là một thực trạng xấu phổ biến. Hiệu phó một trường THPT tại TP.HCM từng nói với chúng tôi: “Muốn biết thực trạng chạy chọt như thế nào, ở mức nào thì cứ về các trường khảo sát các thầy cô giáo trẻ với hai câu hỏi: Có phải chi tiền để được nhận vào ngành? Chi bao nhiêu: 20 triệu, 30 triệu và mức khác?”. 

Anh bạn tôi, dân Hà Nội “mở rộng”, có con tốt nghiệp ĐH sư phạm ngành tiếng Anh ba năm nay nhưng chưa xin được vào trường nào, kể cả dạy tiếng Anh tiểu học. Anh cho biết chấp nhận chi nhưng không có chỗ. 

Luong cu nhan su pham ra truong trong 5 nam khong bang thu nhap cua xe om

Nhưng trở thành giáo viên nào đã hết khổ. Ở nhiều địa phương, muốn yên thân giáo viên lại tiếp tục “chạy”, nếu không sẽ bị luân chuyển đến những trường không tốt, trường vùng sâu, vùng xa…

Thực tế của nghề dạy học khiến các trường sư phạm không còn sức hấp dẫn đối với người học cũng là tất yếu. Câu chuyện thi mỗi môn 2-3 điểm cũng vào cao đẳng sư phạm, 3-4 điểm cũng vào đại học sư phạm đã diễn ra từ lâu chứ không phải bây giờ.

Để cải thiện chất lượng đầu vào sư phạm, hơn 10 năm trước Nhà nước có chính sách miễn học phí cho sinh viên các trường sư phạm. Nhưng chính sách này mới “cần” chứ chưa “đủ”, bởi người giỏi thì không hẳn đã nghèo (để cần được miễn học phí); vả lại, người đi học là vì tương lai lâu dài chứ không vì được miễn học phí trước mắt. Chính sách miễn học phí vì thế không có tác dụng thu hút nhiều người giỏi. 

Để thu hút những người tài giỏi vào ngành sư phạm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, người từng có 6 năm làm thầy trước giải phóng - cho rằng: ngày xưa làm thầy có thể nuôi được vợ con và một hai người khác, còn bây giờ nuôi thân không đủ.

Cho nên, đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải cải thiện chính sách và cụ thể hóa nó sao cho người thầy phải sống và nuôi được một đứa con ở mức tối thiểu bằng lương, để họ tận tâm tận lực với nghề.

Về công tác tuyển người vào học ngành sư phạm, ông Ngai góp ý: phải cải tiến sao cho đảm bảo có chất lượng từ hàm lượng tri thức đến lời ăn tiếng nói, nét chữ, dáng đi… Công tác đào tạo phải nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng. Công tác dự báo cũng phải tốt để đào tạo và sử dụng ăn khớp, hễ ra trường là đảm bảo có việc làm. 

Ông Ngai cho rằng, một khi cứ ra trường là có sẵn việc làm, có chế độ đãi ngộ tốt, đời sống được nâng lên, tri thức và tác phong chuẩn mực, tận tâm cống hiến cho nghề… thì người thầy sẽ được học trò yêu mến, phụ huynh tôn trọng, vị thế sẽ được nâng lên và nghề dạy học sẽ trở nên hấp dẫn. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI