Hội chứng 'sính' trường điểm

20/06/2018 - 08:50

PNO - Dù danh xưng trường điểm đã đi vào dĩ vãng nhưng đến hẹn lại lên, mùa tuyển sinh đầu cấp cũng là mùa “chạy trường” xin học cho con của nhiều phụ huynh.

Vào trường nổi tiếng bằng mọi giá

Chị L.T.D. đã “dọn đường” cho con gái sinh năm 2007 vào lớp Sáu Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) từ năm trước. Gia đình chị mê ngôi trường này bởi có sân to, nhiều cây cổ thụ và đặc biệt là môi trường này đa phần đều là con ngoan, học giỏi. Chị “xin” cho con vào đây vì tin rằng, con mình cũng sẽ ưu tú. Thông qua một người quen, đứa con lớn của chị đã học cấp II lớp tiếng Nhật ở đây và giờ là đứa út. 

Hoi chung 'sinh' truong diem
Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 là một trong những trường phụ huynh thích xin con vào học

Còn anh T., ở P.24, Q.Bình Thạnh, con chỉ đạt 17 điểm nhưng lại muốn xin vào Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), trong khi điểm để tiếp nhận vào trường từ 19,25 điểm trở lên và cha (hoặc mẹ) có hộ khẩu trên địa bàn P.25. Anh T. phải tận dụng mọi mối quan hệ để tìm đường “chạy trường” cho con. Kết quả chưa biết thế nào nhưng cả gia đình anh đều thích khuôn viên trường này và tin rằng, đây là trường tốt nhất quận, tốt nhất cho con mình.

Đối với bậc tiểu học, cách “chạy trường” phổ biến nhiều năm nay là “gửi” con vào hộ khẩu trên địa bàn trường tuyển sinh. Tại Q.1, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng trở thành trường “hot” sau khi được đầu tư xây dựng khang trang. Lượng trẻ bỗng dưng nhập khẩu vào P.Đa Kao xung quanh trường nhiều vô kể. Có đến 4-5 trẻ “khác họ” tình cờ ở cùng một địa chỉ. Để hạn chế “chạy hộ khẩu” để “chạy trường”, học sinh vào lớp Một tại trường này phải có hộ khẩu ở đây từ khi sinh ra.

Do áp lực xin học trái tuyến, nhiều hiệu trưởng cho biết, mùa tuyển sinh còn đuối và áp lực hơn làm việc cả năm học. Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở Q.3 đang bị tắt tiếng vì mỗi ngày phải tiếp từ 20-30 phụ huynh trái tuyến đến xin học cho con.

Vị này cho biết: “Nếu từ chối thì phụ huynh nghĩ trường có tiêu cực. Phụ huynh có tín nhiệm, tin tưởng thì mới xin cho con vào học. Vì vậy, lãnh đạo trường phải trực để cảm ơn, giải thích rồi từ chối”. Hiệu trưởng trường tiểu học M.Đ. - một ngôi trường được truyền danh là “điểm của điểm” ở Q.5 cũng liên tục phải xin lỗi, xoa dịu phụ huynh thông cảm. Mỗi ngày có không dưới 20 phụ huynh đến trường xin gặp hiệu trưởng, mua hồ sơ… 

Hộ khẩu thường trú, đạt điểm tối đa

Mỗi quận đều có những trường “điểm”, mặc nhiên sẽ có những tiêu chí xét tuyển khó hơn các trường khác. Trước tiên phải kể đến Q.1, một trong những quận có nhiều trường phụ huynh yêu thích là Trường THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn, Minh Đức, Võ Trường Toản. Trường THCS Nguyễn Du nhận của P.Bến Thành những học sinh có điểm kiểm tra học kỳ II năm lớp Năm môn toán và tiếng Việt đạt 20 điểm.

Hoi chung 'sinh' truong diem
Học sinh trường Trần Đại Nghĩa

Trường THCS Minh Đức nhận học sinh của P.Bến Thành có điểm kiểm tra học kỳ II năm lớp Năm môn toán và tiếng Việt dưới 20 điểm. Những học sinh đã được phân tuyến vào những trường THCS khác trên địa bàn Q.1 muốn xét tuyển vào bốn trường nói trên phải đảm bảo quy định xét trái tuyến đạt 20 điểm nếu đăng ký hồ sơ vào Trường THCS Nguyễn Du và 19 điểm đối với những trường còn lại. 

Trường THCS Lê Văn Tám và THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh) cũng có yêu cầu cao chót vót. Trường Đống Đa tiếp nhận học sinh đang học tại Q.Bình Thạnh có tổng điểm kiểm tra học kỳ II môn toán và tiếng Việt từ 19,25 điểm trở lên và cha (hoặc mẹ) có hộ khẩu trên địa bàn P.25. Còn Trường THCS Lê Văn Tám tiếp nhận học sinh đang học tại quận có tổng điểm kiểm tra học kỳ II môn toán và tiếng Việt từ 19,5 điểm trở lên và cha (hoặc mẹ) có hộ khẩu trên địa bàn P.26.

Một số quận, huyện lựa chọn phương án chia đều cơ hội cho học sinh các trường tiểu học hoặc các địa bàn dân cư trong quận kèm theo những tiêu chí xét chọn. Chẳng hạn, Trường THCS Vân Đồn (Q.4) tuyển 225 chỉ tiêu và phân bố cho các phường trong quận. Các trường tiểu học đóng tại từng phường sẽ đề xuất danh sách trung bình khoảng 20 học sinh tiêu biểu đạt các tiêu chí về phẩm chất, năng lực học tập, hoạt động phong trào… để hội đồng tuyển sinh quận xét duyệt.

Tại Q.7, những học sinh thuộc diện trong tuyến phân bổ vào học Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ phải cư trú hợp pháp tại khu phố 4, P.Tân Kiểng, khu phố 4, P.Tân Quy, khu phố 6, P.Bình Thuận, khu phố 4 và 5, P.Tân Thuận Tây. Ngoài số lượng học sinh trên, mỗi trường tiểu học sẽ chọn 2% trong tổng số đảm bảo các điều kiện: học bạ lớp Một giỏi, kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II đạt 10 điểm tất cả các môn đánh giá bằng điểm số từ lớp Hai đến lớp Năm.

“Điểm” hơn gì “thường”? 

Dù thực tế ngành giáo dục có xóa trường “điểm” ở bậc tiểu học, THCS thì những danh tiếng này cũng đã ăn sâu vào phụ huynh. Mỗi năm, việc “xin học” lại sôi động ngay từ tháng Ba, khi năm học cũ chưa kết thúc, cho đến hết tháng Bảy. Chẳng ai bảo chứng cho trường “điểm” tốt hơn trường bình thường nhưng tại sao phụ huynh vẫn cứ “chạy trường”?

Một trưởng phòng GD-ĐT quận trung tâm thẳng thắn: Dù ngành giáo dục khuyến cáo phụ huynh nên cho con học đúng tuyến, gần nhà, chênh lệch giữa các trường không có… Nhưng thực tế không thuyết phục được cha mẹ ngừng “xin học”, bởi sự chênh lệch là có thật. Ví dụ như môi trường học sinh ngoan - ít ngoan, thầy cô giỏi và ít giỏi. Ở bậc tiểu học, trường tốt còn phụ thuộc hiệu trưởng như thế nào. Một hiệu trưởng bản lĩnh, tâm huyết thật sự quyết định môi trường giáo dục của một ngôi trường. 

Ông Từ Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) - cho biết: “Sự đầu tư vào các trường là như nhau, tùy theo quy mô học sinh nên không có chuyện trường nổi tiếng sẽ được đầu tư nhiều hơn trường thường. Chương trình giáo dục cũng như nhau nên khoảng cách giữa các trường thật sự không quá lớn để phải “nhảy tuyến”. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có tâm lý phải tìm được trường tốt nhất, đáng tin nhất cho con. Sự khác nhau nằm ở môi trường mà tập thể sư phạm tạo ra. Giáo viên chịu đầu tư, quản lý trường quán xuyến tốt thì phụ huynh sẽ yên tâm, tin tưởng. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI