Học ngành gì để không bị robot thay thế?

26/03/2017 - 09:29

PNO - Trước tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4, học gì để tương lai không bị robot thay thế là băn khoăn của nhiều học sinh trước ngưỡng chọn nghề nghiệp.

Các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4 phát triển với tốc độ cực nhanh đã biến những thứ không thể thành có thể như: xe hơi tự lái; ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã thay thế con người từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, vận chuyển hàng hóa, thậm chí là phẫu thuật cho con người. 

Chủ đề tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4 đang “nóng” trên nhiều diễn đàn quốc tế trong thời gian gần đây. Giới chuyên môn phải thừa nhận rằng công nghệ đang làm chủ thế giới và robot đang dần thay thế công việc của con người, thậm chí sự thay thế này còn rất hiệu quả. Có một số diễn đàn ước tính sẽ có khoảng 70-80% công việc hiện nay  biến mất trong 20 năm tới. Không điều gì chắc chắn rằng công việc mà bạn đang làm, ngành nghề mà bạn đang học sẽ còn được tuyển dụng trong tương lai.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: Kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cuộc sống. Google sẽ phủ sóng wifi toàn thế giới giúp sự giao tiếp giữa con người- thế giới ảo nhanh chóng. Xe chạy đã không cần đến tài xế, nhiều nhà máy trên thế giới chỉ có robot làm việc... Thậm chí, có dự báo trong tương lai tại Mỹ có khoảng 40 ngành nghề bị thay thế bởi robot, máy móc, trí tuệ nhân tạo. Nhìn vào thực tế này, ngành chế tạo ra robot như cơ điện tử sẽ trở nên “hot”. Nhóm ngành công nghệ sẽ dẫn đầu xu hướng như: CNTT, công nghệ vật liệu nano, năng lương, logistics, kỹ thuật y sinh…

Hoc nganh gi de khong bi robot thay the?
Một trong những sáng chế của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Chiếc máy bán phở phở tự động, không cần người bán.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp- Thực phẩm TPHCM, phân tích: Với industry 4.0 người lao động đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp từ việc ứng dụng công nghệ vào các mặt của đời sống, đặc biệt với công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo, nguy cơ rất lớn với một số ngành nghề và vị trí việc làm. Trong tương lai những ngành nghề đòi hỏi nhiều lao động tay chân như gia công may mặc, lắp ráp máy móc,... dần sẽ được thay thế bởi robot.

“Tuy nhiên, Robot, trí tuệ nhân tạo khác với con người ở chỗ cảm xúc và sự sáng tạo. Chính vì vậy, vấn đề không phải là ngành nào bị robot xóa bỏ mà là các ngành nghề đòi hỏi phải có sự đổi mới sáng tạo để phù hợp với xu thế mới. Ví dụ ngày xưa nghề rèn dao theo dòng phát triển thì nghề này bị mất đi và việc sản xuất này được chuyển thành quy mô công nghiệp và ứng dụng nhiều công nghệ mới. Tôi nói điều này để khuyên các bạn học sinh rằng, con người bị thay thế không phải vì ngành nghề đó hoàn toàn bị xoá bỏ mà do yêu cầu cao hơn, nếu chúng ta không đáp ứng được sẽ bị thay thế. Vì vậy, điều quan trọng là các em trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để không bị đào thải”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, ngoài nhóm ngành công nghệ (CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ truyền thông …), nhóm ngành dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn; nhóm ngành thiết kế sáng tạo; nhóm ngành dinh dưỡng và ẩm thực; nhóm ngành điện tử, cơ khí, tự động hóa; nhóm ngành quản lý, quản trị, nhóm ngành công nghệ chế biến…là những ngành mà robot, máy móc không thể thay thế con người hoàn toàn, là công cụ bổ trợ hiệu quả hơn.

Một chuyên gia hướng nghiệp chia sẻ: Những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy và xúc cảm của con người rất khó bị thay thế. Theo bà, những nhóm ngành Sáng tạo nghệ thuật, chăm sóc y tế, giáo dục, pháp luật...vẫn “sống khoẻ”. Một con robot không thể đứng trên vị trí vai trò của giáo viên để truyền thụ cảm hứng hay kinh nghiệm trong cuộc sống cho học sinh. Hay cả pháp luật cũng thế, vì robot không thể thay con người thực thi pháp luật.

ThS Đinh Công Viễn Phương, Phó Phòng Tuyển sinh, trường ĐH Văn Hiến bổ sung: Lĩnh vực xã hội nhân văn khó có thể thay thế bởi máy móc không thể thay thế con người lên ý tưởng sáng tạo, đánh giá các hiện tượng xã hội học, hoặc tư vấn tâm lý, giải toả vấn đề khúc mắc cho con người…Thậm chí, ở nhóm ngành kinh tế, robot cũng chỉ thay thế được một vài vị trí như bán hàng, vận chuyển… nhưng ở cấp quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc và bàn tay con người điều tiết. Nói như vậy không có nghĩa các bạn học ngành này sẽ yên tâm không lo thất nghiệp, không gặp cạnh tranh. Trong xã hội mà internet có thể làm thay đổi mọi thứ thì đòi hỏi người lao động phải luôn làm mới mình như làm chủ công nghệ, thạo ngoại ngữ…để không bị đào thải, chất lượng công việc tốt hơn.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI