Đừng dựng lên những vách chặn tàn nhẫn

14/11/2017 - 07:11

PNO - Cái chết của đứa trẻ chắc hẳn sẽ trở thành gánh nặng ám ảnh suốt cả đời đối với những người có liên quan trực tiếp, đã từng dạy, đã từng hỏi, đã từng bắt em viết tường trình hay ký vào biên bản nhận lấy trộm tiền.

Ở một huyện không xa thành phố, trong một ngôi trường mới được xây dựng lại sáng sủa, khang trang, một học sinh lớp Tám đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị nhà trường cho là đã lấy trộm tiền quỹ lớp.

Dung dung len nhung vach chan tan nhan

Số tiền em bị quy là đã lấy trộm là 1,7 triệu đồng. Tờ biên bản mà hai mẹ con bị nhà trường bắt ký vào nói rằng số tiền đó là tổng của nhiều lần lấy tiền, trong các năm học lớp Sáu, lớp Bảy và bây giờ là lớp Tám.

Hơn cả tuần sau ngày uống thuốc, đứa bé vẫn tiếp tục đến trường, cho tới khi em đau quá không chịu nổi gia đình phải đưa vào bệnh viện, phát hiện em nhiễm độc thuốc diệt cỏ, gan, thận, phổi đều tổn thương không thể cứu chữa. Đứa bé được đưa về và mất tại nhà.

Cái chết non trẻ ấy đắng lòng người lớn. Có lẽ vì vậy, mà khi hay tin em mất, cán bộ nhà trường, cán bộ phòng giáo dục huyện và cả cán bộ ủy ban huyện đều né tránh, đổ quanh, không dám trả lời dù một câu nhận khuyết điểm hay chia buồn. Cho đến khi không thể né tránh được nữa, họ mới đưa ra vài câu trả lời công thức, kiểu “chúng tôi rất buồn vì sự ra đi của em…”.

Thử hỏi trong những ngày sau khi đứa trẻ ấy đã uống thuốc diệt cỏ mà vẫn ôm vở đến lớp dù những cơn đau nung nấu hành hạ trong người, nhà trường đã làm gì? Trong những ngày bệnh viện phát hiện đứa bé sẽ chết mà không thể cứu chữa, nhà trường đã làm gì?  

Không phải hỏi để quy kết, đổ lỗi. Cái chết của đứa trẻ chắc hẳn sẽ trở thành gánh nặng ám ảnh dai dẳng suốt cả đời đối với những người có liên quan trực tiếp, đã từng dạy, đã từng hỏi, đã từng bắt em viết tường trình hay ký vào biên bản nhận lấy trộm tiền.

Đứa trẻ đã chết, một cái chết chậm, đau đớn, đứt ruột đứt gan cha mẹ. Những ngày kinh khủng ấy, các nhà giáo có liên quan không thể không biết, không thể không bị lương tâm dằn vặt. Sự né tránh của họ cho thấy họ cũng không có hướng xử lý nào, lúng túng, sợ trách nhiệm.

Dù tàn nhẫn, những câu hỏi trên vẫn phải đặt ra, để những đứa trẻ khác sẽ không rơi vào ngõ cụt này thêm nữa.

Chuyện trẻ con tắt mắt đôi ba đồng bạc gặp đã nhiều lần. Chuyện trách phạt, làm nhục trẻ đã bị lên án nhiều lần. Chuyện cư xử thiếu nhân văn, thiếu giáo dục với trẻ đã bị chấn chỉnh nhiều lần. Cả những cái án oan của trẻ cũng từng được đưa ra trước công luận. Nhưng rồi vẫn xảy ra chuyện này. Mà lại xảy ra trong trường học, nơi những đứa trẻ tới để được giáo dục, để học hỏi kiến thức và được dạy dỗ về lòng yêu thương.

Có là bao khoản tiền ấy, điều họ biết chắc là nó đã bị mất rồi, mất cách đây những 3 năm, thế mà xử lý kiểu hành chính, máy móc, biên bản này, hạnh kiểm kia, đến nỗi đẩy đứa bé vào đường cùng.

Thương em những ngày sống còn lại vẫn cắp sách đến trường, có lẽ vì cũng chẳng còn nơi đâu để đi. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ vì đối với những đứa trẻ ở tuổi ấy, trường lớp hầu như là tất cả: là bạn bè, là chữ nghĩa, là môi trường sống bình thường và là nơi gắn bó sau cùng của cháu bé.

Xin hãy nhớ rằng người lớn chúng ta có nhiều lối thoát hơn trẻ, hãy chỉ cho trẻ cách tìm lấy những lối thoát trong đời. Mà nếu không chỉ được thì cũng đừng tìm cách dựng lên những vách chặn tàn nhẫn trên đường đời của trẻ.

Ngành giáo dục bất đầu “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ năm 2008. Có lẽ đây là một bài học đau đớn: môi trường học đường “thân thiện”, nhưng có học sinh quẫn bách, không lối thoát, phải tìm đến cái chết. Mà lối thoát cho những bi kịch nhỏ nhoi của học sinh cấp II nào có khó khăn gì. Chỉ cần lắng nghe trẻ, chỉ cần đặt mình vào vị trí của trẻ, chỉ cần nhìn rộng hơn một chút, nhân ái hơn một chút.

Cũng là phiến diện nếu quy kết lỗi là của người này người kia. Nhiều nguyên nhân khác hẳn cũng có dự phần trong cái kết cục thương tâm của đứa trẻ. Nhưng vì chúng ta là những người lớn, đừng để đến khi chuyện xảy ra rồi mới nhìn thấy những nguyên nhân.

Xin hãy nhìn giúp các em, nhìn xa hơn đến tương lai, nhìn rộng hơn đến những cách giải quyết khác, nhìn sâu hơn với tấm lòng nhân ái, thấu hiểu và giúp đỡ. Những chuyện rủi ro như thế, đáng lo thay, nhiều lắm, bởi vì cả nước có đến hàng triệu triệu học sinh, mà rất có thể từng ngày từng giờ, nhiều em trong số đó đang gặp khó khăn mà không biết cách giải quyết... 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI