Đi tìm nền giáo dục nội sinh: 'Bộ lọc' giáo dục đang rệu rã

25/04/2018 - 06:52

PNO - Một khi học trò phức tạp, người thầy lại thiếu vững vàng thì xung đột rất dễ xảy ra. “Chất lượng” phụ huynh cũng kém đã góp phần làm bùng nổ nhiều sự cố như vừa qua.

Có thể nói, chỉ trong thời gian ngắn, những“chuyện xấu” về người thầy, scandal giáo dục xảy ra với mật độ khá dày khiến xã hội có cái nhìn chông chênh về nghề giáo. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Theo tiến sĩ, vì sao gần đây xảy ra quá nhiều sự vụ ở học đường làm bàng hoàng cả xã hội?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng: Nhìn tổng thể, những sự kiện xấu trong môi trường giáo dục xảy ra gần đây liên quan đến chất lượng con người, trong đó có chất lượng người thầy và cả học sinh. Không thể phủ nhận chất lượng con người đang rất kém, không kém về tài trí mà kém về phẩm chất đạo đức và văn hóa ứng xử. 

Di tim nen giao duc noi sinh: 'Bo loc' giao duc dang reu ra
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng

Ngày xưa, nền tảng văn hóa và đạo đức cơ bản đã được bồi đắp từ bậc phổ thông khá tốt nên về căn bản chất lượng người thầy cũng tốt. Ngày nay, chất lượng con người thấp nên không riêng gì người thầy mà kể cả bác sĩ, kỹ sư, luật sư… đều như vậy. Thêm vào đó, trường sư phạm vốn tuyển sinh dựa vào kết quả các môn học, chứ không tuyển chọn được những người có tư chất phù hợp với ngành. 

Đã thế, trong đào tạo giáo viên và sử dụng giáo viên, năng lực sư phạm lại được hiểu theo nghĩa rất hẹp, chỉ là kiến thức chuyên môn và phương pháp dạy học mà không quan tâm đến kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm cụ thể. Chất lượng của học sinh bây giờ cũng kém. Cách ứng xử của nhiều em với thầy cô cũng khá cực đoan.

Các giá trị xã hội đã và đang bị đảo lộn, các em không coi trọng các giá trị truyền thống mang tính bổn phận và trách nhiệm, mà chạy theo những lợi ích, tự do cá nhân. Một khi học trò phức tạp, người thầy lại thiếu vững vàng thì xung đột rất dễ xảy ra. “Chất lượng” phụ huynh cũng kém đã góp phần làm bùng nổ nhiều sự cố như vừa qua.

* Có phải con người “kém” phản ánh hệ thống giáo dục kém không, thưa tiến sĩ?

- Hệ thống giáo dục lẽ ra là “bộ lọc” ngăn chặn tác động tiêu cực của xã hội đến con người. Nhưng “bộ lọc” này hiện có vẻ đang bị “trục trặc”, hư hỏng nên mới sinh ra quá nhiều chuyện. Vậy hỏng ở chỗ nào? Không chỉ tôi mà rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra là triết lý giáo dục.

Di tim nen giao duc noi sinh: 'Bo loc' giao duc dang reu ra

Chúng ta có triết lý giáo dục, đó là đào tạo ra con người toàn diện, nhưng việc thực hiện thì không được xuyên suốt từ trên xuống dưới. Muốn dạy cái đẹp, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh mà trường học nhếch nhác, bài học quá trừu tượng thì sao học sinh cảm được cái hay, cái đẹp. 

Đã nói rất nhiều, bàn rất nhiều, quyết tâm cũng rất nhiều, nhưng trường học thì càng ngày càng chạy theo danh tiếng hão, lấy thi đua, thi cử làm giá trị theo đuổi; kết quả thi đua của giáo viên phụ thuộc vào thành tích của học sinh. Phụ huynh “đua” với nhau cho con vào trường này, lớp nọ… Áp lực thi đua như thế thì con người trong guồng chạy đó bị quá tải, cáu gắt, bức xúc… cũng là tất yếu.

Cải tiến đào tạo người thầy

Khi ‘‘bộ lọc” đang có vấn đề bởi nhiều nguyên nhân, vậy thì phải chỉnh đốn lại nó. Về mặt chính sách, phải làm sao để giáo viên có cuộc sống tử tế. Khi đời sống tốt thì ngành này mới chọn được người giỏi. Cũng cần phải cải tiến chương trình tuyển sinh, đào tạo với yêu cầu cao về phẩm chất (quan trọng) và năng lực. Thỏa được những điều này là thay đổi từ gốc chất lượng người thầy. Lúc ấy giáo dục sẽ khác.

Bên cạnh đó, xã hội - nhà trường - gia đình phải hướng đến việc giáo dục ra con người tử tế, lấy giá trị con người làm gốc, chứ không phải học hàm, học vị. Đứa trẻ đến trường, thầy cô chăm lo cho các cháu được hồn nhiên đúng lứa tuổi, đó là kỳ công nhưng sự phát triển bình thường này sẽ không thấy đóng góp của thầy cô, bởi nó không có thành tích. Khi nào triệt tiêu được bệnh thành tích thì các mối quan hệ trong giáo dục sẽ không áp lực, căng thẳng nữa. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng

Người thầy là chủ thể quan trọng trong mắt xích của hệ thống giáo dục, nhưng việc đãi ngộ họ lại chưa thỏa đáng. Áp lực lao động cao, đồng lương quá thấp, đời sống vật chất và tinh thần thấp mà đòi hỏi các thầy cô phải sống sao cho chuẩn mực, cao thượng, tôi nghĩ là một thách thức quá lớn. Thầy cô đang là những mắt xích làm nên “bộ lọc” giáo dục. Khi những “mắt xích” này đang quá tải, đang thiếu bình tâm, thì hẳn nhiên “bộ lọc” sẽ có vấn đề.

* Thưa tiến sĩ, việc đánh giá giáo viên hiện chú trọng nhiều đến khả năng giảng dạy (thông qua điểm số của học sinh). Hiếm thấy một giáo viên được tôn vinh vì lòng tốt hay có cách ứng xử khéo léo. Bà nghĩ sao về việc này?

- Cách đánh giá như vậy có lẽ xuất phát từ quan niệm về năng lực sư phạm đơn giản chỉ là năng lực dạy học. Vì vậy, các trường học thường cho rằng, thầy giáo giỏi là thầy giáo luyện thi thành công, giúp nhiều học sinh thi đậu, có nhiều học sinh đạt danh hiệu “học giỏi”. Nói khác đi, họ đánh giá người thầy chỉ qua thành tích đầu ra mà không tính đến trình độ ban đầu của học sinh.

Nếu so sánh một giáo viên giúp cho học sinh từ học lực loại yếu phấn đấu lên đạt điểm 5 và một giáo viên dạy học sinh học lực giỏi đạt được điểm 10 thì chưa biết ai giỏi hơn ai. Thực ra, để giúp một học sinh từ học lực yếu trở thành học sinh ham học, có tiến bộ là kỳ công của người thầy, nhưng sự tiến bộ đó chưa đạt tới thành tích cao nên thầy vẫn không được khen.

Cách nhìn nhận và đánh giá như thế là quá hạn hẹp và thiếu công bằng. Việc đánh giá người thầy cần phải dựa trên tổng thể năng lực dạy học (dạy kiến thức), giáo dục (dạy làm người) và kỹ năng ứng xử. Một giáo viên dạy toán không cần phải có kiến thức uyên thâm như nhà toán học nhưng nhất thiết phải biết cách hướng dẫn học sinh tìm hiểu toán học, biết cách giáo dục học trò, biết cách ứng xử tử tế với đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh…

* Tiến sĩ có cho rằng, yếu tố tiền bạc đã phần nào làm cho môi trường học đường trở nên nhếch nhác. Đây cũng là lý do khiến sự tôn trọng thầy cô từ phụ huynh, học sinh đã giảm đi ít nhiều?

- Đạo tôn sư phải từ thực tế hình ảnh người thầy. Hình ảnh người thầy bây giờ có vẻ “tội nghiệp” hơn là “đáng quý”, nên sức mạnh cảm hóa học sinh không nhiều. Xã hội cần phải xây dựng hình ảnh người thầy cao đẹp thì công tác giáo dục mới có hiệu quả cao.

Ai cũng hiểu thầy cô đi bán sách giáo khoa, bán đồng phục, bán căng-tin, dạy thêm, thậm chí bán cả bảo hiểm… là vì cái gì. Khi ấy, mối quan hệ thầy trò biến thành quan hệ khách hàng - nhà cung ứng. Khách hàng là thượng đế nên học trò đòi hỏi thầy cô nhiều hơn. Phụ huynh cũng có quyền bắt chẹt người thầy của con mình. Chua xót lắm!

* Xin cảm ơn tiến sĩ. 

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI