Đào tạo sư phạm 'nở nồi' nhưng theo kiểu... không giống ai

01/06/2018 - 07:13

PNO - Từ trường công đến trường tư; từ trung cấp, cao đẳng đến đại học; từ trường trung ương đến trường địa phương… đâu đâu cũng có thể đào tạo ngành sư phạm.

Cả nước có hơn 150 cơ sở đào tạo được phép đào tạo giáo viên trình độ từ trung cấp, cao đẳng đến đại học. Với hệ thống đào tạo sư phạm đông đảo như thế, cứ ngỡ ngành giáo dục sẽ có đội ngũ giáo viên rất tốt. Nhưng thực tế không phải vậy.

150 cơ sở đào tạo sư phạm

Tính đến đầu năm học này, cả nước có 58 trường đại học (ĐH), 57 trường cao đẳng (CĐ) và 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo giáo viên (GV); trong đó có 14 trường ĐH sư phạm, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường TC sư phạm, còn lại đều là các trường đa ngành có đào tạo sư phạm. Như vậy có thể thấy, từ trường công đến trường tư; từ TC, CĐ đến ĐH; từ trường trung ương đến trường địa phương… đâu đâu cũng có thể đào tạo ngành sư phạm. 

Dao tao su pham 'no noi' nhung theo kieu... khong giong ai
Các thí sinh dự thi vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Chưa khi nào muốn đậu vào ngành sư phạm lại dễ dàng như lúc này. Nếu rớt ĐH thì có hàng loạt trường “chiếu dưới” mời gọi, trong đó có các trường sư phạm. Nhưng sự dễ dãi không thể đào tạo ra người thầy tươm tất.

Nguyên hiệu phó một trường sư phạm tại TP.HCM kể: “Nhiều trường TC thuê mướn cơ sở rất chật hẹp, không có thế mạnh về sư phạm, thiếu nhiều tiêu chí đảm bảo chất lượng nhưng “xin” riết cũng mở được ngành, cũng đào tạo ra GV mầm non, GV tiểu học. Vàng thau lẫn lộn thế này thì không tránh được sự bát nháo, kém chất lượng. Tôi không hình dung được sao lại có đến hơn 150 cơ sở đào tạo sư phạm”. 

Nhồi nhét kiến thức, lơ mơ kỹ năng

Lạc hậu, thiếu hợp lý là nhận xét của hầu hết các chuyên gia từng kinh qua đào tạo sư phạm nói về chương trình đào tạo GV hiện nay.  

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá: quá trình đào tạo hiện nay chỉ ở mức độ tròn vai. Giáo sinh, GV mới vẫn yếu bản lĩnh nghiệp vụ, thiếu các học phần bổ trợ về kỹ năng nói trước đám đông, xử lý tình huống sư phạm, giao tiếp với đồng nghiệp, học trò, phụ huynh…

Theo ông Phú, tại các nước có nền giáo dục khai phóng theo hướng mở đòi hỏi người thầy tích hợp nhiều kỹ năng, kiến thức. Người ta không tuyển sinh bằng điểm số, tuyển dụng dựa vào bằng cấp, xếp loại tốt nghiệp rồi thi bài thi công chức như ta.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức cách đây ít lâu, bà Nguyễn Thị Hà, Trường ĐH Hà Tĩnh chỉ ra sự bất hợp lý trong chương trình đào tạo GV hiện nay là: thời lượng dành cho việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp rất khiêm tốn.

Phần nghiệp vụ sư phạm cho chuyên ngành chỉ 8-15 tín chỉ, chiếm khoảng 6-15% tổng số tín chỉ phải tích lũy. Chưa nói đến phần “chất” thì phần lượng như thế là quá ít ỏi, GV tất nhiên cũng thiếu kỹ năng.

Nhìn vào cấu trúc chương trình đào tạo của các trường ĐH có đào tạo sư phạm dễ thấy sự phân bố lệch hẳn về nội dung. Hầu hết các cơ sở đào tạo GV trình độ ĐH đều thực hiện chương trình đào tạo với 125-135 tín chỉ trong 4 năm (trung bình), trong đó khối kiến thức giáo dục đại cương chiếm 15,5-24%; khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp chiếm 69-79,5%, nhưng phần thực tập chỉ chiếm 5-7%. 

Hiệu trưởng một trường có đào tạo sư phạm cho hay, trong các chương trình đào tạo GV, khối kiến thức giáo dục đại cương còn xơ cứng và cũ kỹ; khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp thì mất cân đối giữa kiến thức nghiệp vụ sư phạm và kiến thức ngành; khối kiến thức nghiệp vụ chỉ chiếm tỷ lệ thấp từ 16-23,5%, trong khi đây là phần rất quan trọng, liên quan đến thực hành nghề nghiệp sau này. Chính sự mất cân đối này dẫn đến thực trạng GV toán giỏi kiến thức toán nhưng thiếu kỹ năng sư phạm…

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trình tuyển chọn và đào tạo GV của Việt Nam rất “khác người”. Ví dụ, chương trình đào tạo GV tại Mỹ sẽ chú trọng kiến thức giáo dục chung, kiến thức nền và nghiệp vụ sư phạm hơn là kiến thức lĩnh vực. Tại Trường ĐH Illinois, trong kết cấu chương trình chỉ dành 1/4 cho kiến thức chuyên ngành; phần chứng chỉ hành nghề, kiến thức đại cương và giáo dục chung chiếm 3/4 số tín chỉ. Còn ở Trường ĐH Houston, để trở thành GV, ngoài bằng cử nhân toán phải có 800 tiết thực hành ở trường phổ thông.

Tương tự, Singapore cũng đào tạo tích hợp kiến thức chuyên môn gắn liền với năng lực sư phạm. Còn muốn trở thành một GV tại Nhật, người học sẽ phải hoàn thành chương trình giáo dục ĐH ở trường ĐH đa ngành, tiếp theo được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Sau đó, phải trải qua kỳ thi lấy chứng chỉ dạy học do hội đồng giáo dục tỉnh, thành phố tổ chức.

Nếu như các nước đào tạo GV cực kỳ nghiêm ngặt, thì Việt Nam lại không tuyển được người giỏi học sư phạm. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, thi và xét tuyển (đôi khi còn vơ bèo vạt tép) vào trường sư phạm để được đào tạo trong vòng 4 năm, với chương trình đào tạo lạc hậu, xem nhẹ thực tập thực tế. Đã thế, quy trình tuyển dụng lại nặng về hình thức, thậm chí dựa trên mối quan hệ quen biết, chạy chọt... Chả trách vì sao GV thì dư thừa nhưng chất lượng giáo dục vẫn chưa được cải thiện. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI