'Cưỡng bức' học sinh học thêm!

22/10/2017 - 10:28

PNO - Khi cả lớp, cả trường, cả xã hội ùn ùn dạy thêm-học thêm thì còn gì là ý nghĩa của việc kèm cặp, nâng đỡ học sinh yếu kém! Lẽ nào tất cả học sinh đều yếu kém cần phải học thêm ngoài giờ học chính?

Sự kiện 160 học sinh (HS) khối 12 Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cùng ký đơn phản đối nhà trường dạy tăng tiết lại một lần nữa cho thấy HS (và cả phụ huynh) không chấp nhận việc “ép buộc học thêm” của ngành giáo dục và đào tạo nhiều địa phương. Ngoài giờ học chính khóa theo quy định, Trường THPT Lê Lợi đã tăng thêm 12 tiết/tuần.

'Cuong buc' hoc sinh hoc them!
 

Đây là những tiết học tăng thêm ngoài chương trình nên thực chất là dạy thêm - học thêm (DT-HT). Các trường đã “mập mờ đánh lận con đen” khi “trộn” những tiết DT-HT này vào thời khóa biểu chung, khiến cả HS và giáo viên (GV) không thể phân biệt rõ đâu là giờ học chính, đâu là giờ HT, buộc những HS không muốn và không có nhu cầu vẫn phải HT. 

“Mô hình” này trước đây chỉ có ở TP.HCM, nay được “nhân rộng” ra nhiều địa phương, núp dưới danh nghĩa đẹp đẽ là để hạn chế tình trạng DT-HT tràn lan và “giúp các em theo kịp chương trình, vượt qua các kỳ thi”. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào bảng phân chia quyền lợi từ hoạt động tăng tiết này là thấy ngay sự thực phũ phàng sau những lời có cánh đó.

Ở hầu hết các trường, ban giám hiệu, nhất là hiệu trưởng, luôn được chia chác nhiều gấp 5-7 lần GV trực tiếp dạy học! Tôi không phủ nhận ý nghĩa của việc DT-HT. Đây cũng là quyền của người đi dạy và người đi học, đã tồn tại từ rất lâu qua hình thức phụ đạo cho HS yếu: trường tập trung những HS yếu để tổ chức cho GV dạy phụ đạo, hoặc các HS yếu tự tìm đến nhờ thầy cô kèm cặp thêm.

Tuy nhiên, đúng bản chất thì hoạt động này không hề là tình trạng DT-HT tràn lan như hiện nay! Khi cả lớp, cả trường, cả xã hội ùn ùn DT-HT thì còn gì là ý nghĩa của việc kèm cặp, nâng đỡ HS yếu kém! Lẽ nào tất cả HS đều yếu kém cần phải HT ngoài giờ học chính? 

Cũng như nhiều trường mập mờ chuyện DT-HT, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi - Ngô Văn Lệ, biện minh rằng, việc học tăng tiết đã được tất cả phụ huynh đồng tình (?). Cái “tất cả” đó là thật hay ảo chẳng hề khó xác minh, nhưng vẫn cứ được dùng làm bình phong để ngụy biện. Trong khi đó, đối tượng phải HT là HS thì chẳng ai thèm hỏi đến - một kiểu áp đặt phổ biến của người lớn.

Ở góc độ phụ huynh, tôi chắc rằng chẳng ai tiếc một vài triệu đồng để mua được chính xác “món hàng” con mình thật sự cần; nhưng cũng chẳng ai chấp nhận nếu bị ép phải tốn dù chỉ vài chục hay vài trăm ngàn, để mua một “món hàng” không cần, thậm chí là chỉ làm khổ thêm cho con em mình.

“Cưỡng bức” HT đại trà như hiện nay là một kiểu “bóp cổ” như thế! Làm gì có chuyện mọi HS đều có cùng nhu cầu HT một thứ và khả năng tiếp thu đều như nhau! Những em cần HT thì không được chọn thầy, chọn môn để học. Những em đã học tốt lẽ ra phải dành thời gian cho những việc hữu ích hơn thì lại bị dồn vào một rọ với các HS yếu kém. Cách làm này sẽ khiến các em ngày càng thêm chán ghét việc học hành.

Theo tôi, HS phải được tự do chọn thầy, chọn môn khi có nhu cầu HT, nhà trường không được phép cưỡng bức như đang làm. Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin đa phương tiện hiện nay, HS có thể tự tìm cho mình rất nhiều kênh để học, không nhất thiết phải bám vào thầy cô.

Phần lớn chương trình học phổ thông đều đã được các GV giỏi nghề giảng giải trên các website chuyên về giáo dục, HS có thể theo dõi đăng ký để học. Nói thêm điều đó để thấy, việc trói buộc tất cả HS phải HT tại trường là cực kỳ vô lý, có thể làm thui chột khả năng tự học của các em. Đó mới thật sự là kỹ năng quan trọng để các em thành công trong đời. 

Nguyễn Hoàng Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI