Sách giáo khoa địa lý quá lạc hậu!

09/03/2016 - 11:41

PNO - Nhiều thí sinh chọn môn địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Thế nhưng, nhiều kiến thức và số liệu quá lạc hậu trong sách giáo khoa địa lý.

Sach giao khoa dia ly qua lac hau!
Nhiều số liệu trong SGK địa lý chỏi nhau khiến học sinh rối

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2016, ngoài ba môn thi bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ), thí sinh còn chọn môn địa lý với tỷ lệ khá cao vì dễ "kiếm điểm". Thế nhưng, không ít giáo viên đã chỉ ra nhiều kiến thức và số liệu quá lạc hậu trong sách giáo khoa địa lý.

Lật quyển sách giáo khoa (SGK) mới tái bản (lần thứ bảy) năm 2015, giáo viên địa lý (ĐL) của một trường THPT có tiếng tại TP.HCM lắc đầu: “Sách mới tái bản nhưng số liệu, kiến thức vẫn là của hàng chục năm trước. Trong quyển SGK này, các số liệu về tỷ lệ hộ nghèo của cả nước (trang 9), thu nhập bình quân đầu người/tháng theo các vùng (trang 80), bài tập phân tích cơ cấu vận tải theo loại hình vận tải nước ta (trang 136)… đều sử dụng số liệu của năm 2004-2005. Dân số nước ta năm 2014 đã hơn 90,5 triệu người, nhưng học sinh (HS) vẫn phải học thuộc lòng “dân số VN đạt trên 84 triệu”, là con số của… 10 năm trước! Theo Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới hiện khoảng 7,3 tỷ người, nhưng SGK lớp 10 dạy “trên trái đất có 6.477 triệu người”.

Sach giao khoa dia ly qua lac hau!
SGK địa lý cập nhật số liệu từ 2004, theo kế hoạch, đến 2018 mới điều chỉnh

Thầy Trần Văn Quang, GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đề nghị: “SGK ĐL cần cập nhật thông tin khi tái bản, ít ra là sau 5 năm một lần” và chỉ ra: các vấn đề mang tính toàn cầu ở SGK ĐL lớp 11 phải bổ sung nhóm IS (Nhà nước Hồi giáo cực đoan); trong SGK ĐL lớp 12, một số nhà máy thủy điện như Sơn La, Bản Vẽ, Xê xan 3, Sê- rê-pôk 3, 4… vẫn “còn đang xây dựng”, nhưng thực tế đã hoàn thành từ lâu, có công trình như Rào Quán đã khánh thành cách đây… tám năm!

Cô Hoàng Thị Hiền, tổ trưởng môn ĐL Trường THPT Trần Khai Nguyên góp ý, SGK lớp 11 vẫn dạy Liên minh châu Âu là một hình thức tổ chức và hợp tác khu vực thành công về mọi mặt, nhưng thực tế từ 2008 đến nay, sự liên kết chặt chẽ đó đã gây ra nhiều khó khăn cho các nước thành viên, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các nước thành viên và sự trì trệ kéo dài.

Bên cạnh sự lỗi thời, việc chênh số liệu cũng làm cả người dạy lẫn người học “điêu đứng”. Trong Atlat ĐL trang 23 ghi “Việt Nam chỉ có bốn sân bay quốc tế” nhưng SGK ĐL lớp 12 lại ghi “có năm sân bay quốc tế”. Thậm chí, trong cùng một cuốn SGK vẫn có những số liệu “chỏi” nhau. Một GV kể: “Bài 24, trang 101, SGK ĐL lớp 12 ghi “sản lượng khai thác hải sản năm 2005 đạt 1.791 nghìn tấn” nhưng ngay trang sau, bảng số liệu 24.1 lại ghi sản lượng khai thác là 1.987,9 nghìn tấn(!). Trong cùng một bài học mà số liệu chênh nhau đến gần 200 nghìn tấn.”

Một GV tại Q.5, TP.HCM than: “Tôi thấy có lỗi khi phải dạy HS những số liệu, kiến thức từ cách đây cả chục năm. Năm học 2015-2016 mà tôi phải dạy các em rằng “nhiệm vụ trước mắt là thực hiện chiến lược trồng 5 triệu hecta rừng đến năm 2010” (bài Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên). Các em học không chỉ để thi mà còn để hiểu biết, để sống. Mọi người cứ trách HS mất căn bản hiểu biết về xã hội… mà không hiểu nguyên nhân là chính người lớn đã dạy cho các em những kiến thức không đúng thực tế”.

Những cuốn SGK lỗi thời cứ tái bản một cách vô tư không chỉ làm hại HS mà còn đẩy GV vào thế khó, bởi nếu GV cập nhật kiến thức mới thì HS sẽ bị điểm kém khi đi thi(!). Cô Hoàng Thị Hiền “lách” bằng cách dạy khối 10 và 11 theo kiến thức thực tế, nhưng với HS lớp 12 thì… không dám vì nếu không theo đúng số liệu của SGK và Atlat ĐL, các em sẽ mất điểm oan khi làm bài thi.

Đành rằng các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội luôn thay đổi nên khó cập nhật, chỉnh sửa nội dung SGK lại là một vấn đề lớn, nhưng chẳng lẽ cứ hàng triệu HS phải nhai lại những kiến thức quá lạc hậu trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin này?

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI