Học sinh oằn mình trong vòng xoáy điểm số: Điểm số không quyết định tương lai

07/12/2016 - 11:26

PNO - Trước áp lực thi cử khiến trẻ phải oằn mình gánh chịu, bộ văn hóa - giáo dục Indonesia vừa ban hành thông báo cấm tổ chức kỳ thi quốc gia ở tất cả cấp học kể từ năm 2017.

Hàng năm ở Singapore, hàng ngàn học sinh (HS) lứa 12 tuổi trải qua kỳ thi cực kỳ căng thẳng có tên kỳ thi ra trường tiểu học (PSLE). Các em phải nỗ lực hết mình, đạt điểm số thật cao mới hy vọng được vào trường cấp II chất lượng cao. Điểm số 200 là “thảm họa” với không ít HS, vì hiện điểm cao kỷ lục là 294. Không phải đến kỳ thi mới nảy sinh áp lực, thực tế, HS phải nhồi nhét kiến thức và tăng tốc suốt chặng đường dài trước đó.

Tháng trước, một nam sinh 11 tuổi tự tử bằng cách nhảy từ cửa sổ phòng ngủ ở tầng 17. Từ ngày đầu đến trường, cậu bé này luôn phải đảm bảo thành tích học tập thật tốt vì thầy cô, bố mẹ nhắc nhở em rằng, đó là bàn đạp cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Lần đầu tiên nhận điểm kém, cậu bé hoang mang tột độ và cho rằng cánh cửa tương lai đổ sập trước mắt. Cái chết tức tưởi của cậu khiến người lớn bàng hoàng.

Sự thay đổi, không có cách nào khác, là khởi đầu từ người lớn. Tuần trước, giáo sư Syed Khairudin Aljunied (Đại học Quốc gia Singapore) đăng điểm PSLE của mình cùng dòng chia sẻ: “Điểm PSLE của tôi chỉ 221 thôi. Giờ tôi là giáo sư Đại học Quốc gia Singapore. Tôi mong các bạn, đặc biệt là phụ huynh hãy chia sẻ thông điệp này”. Ngay sau đó, thông điệp của giáo sư Syed Khairudin Aljunied đã có gần 4.000 lượt chia sẻ lại, tạo nên làn sóng tích cực trong cộng đồng.

Hoc sinh oan minh trong vong xoay diem so: Diem so khong quyet dinh tuong lai
Giáo sư Syed Khairudin Aljunied chia sẻ câu chuyện của mình ngày còn là học sinh - Ảnh: FACEBOOK

Nam ca sĩ nổi tiếng Benjamin Kheng cũng hưởng ứng thông điệp trên bằng dòng chia sẻ chân thành của mình. Ít ai biết, tuổi trẻ của nam ca sĩ này là chuỗi ngày gắn liền với danh hiệu HS cá biệt vì anh mải theo đuổi sở thích âm nhạc và sớm tham gia một nhóm nhạc rock. Benjamin Kheng viết: “Đừng để các em ngày ngày đến trường rồi về nhà chỉ với nỗi lo điểm số. Thế giới này yêu các em rất nhiều vì các em xứng đáng được yêu thương nhiều hơn thế”.

Ở Singapore, áp lực và sự cạnh tranh trong môi trường học đường được “tiêm nhiễm” vào tâm trí của trẻ từ lứa tuổi mầm non. Các bé mẫu giáo phải cùng bố mẹ tham gia lò luyện kiến thức, chuẩn bị cho kỳ “vượt vũ môn” đầu tiên là cánh cửa của một trường tiểu học danh giá. Những bài học đầu tiên chính là học cách rèn trí nhớ, tính nhẩm, phản ứng nhanh… Học trò được “cài” sẵn nếp nghĩ: nếu học hành kém cỏi, mọi ước mơ sẽ tan biến.

Một khảo sát công bố cuối năm ngoái chỉ ra, cứ ba HS - sinh viên ở Singapore, có một em phải chịu căng thẳng tinh thần vì việc học. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Singapore lên đến 2,1% trong tháng 6/2016, mức cao nhất kể từ tháng 3/2014. Cuộc đua ngày càng cam go một phần vì các em “cố sống cố chết” để vào học các ngành tốp đầu và chấp nhận bỏ qua việc phát triển theo năng khiếu cá nhân.

Tháng Chín vừa qua, một hiệu trưởng đã gửi tâm thư đến phụ huynh Singapore. Bức thư có đoạn: “Kỳ thi sắp tới. Tôi hiểu quý phụ huynh rất lo lắng kết quả, điểm số của con mình. Mong quý phụ huynh nhớ rằng, có những nhạc sĩ mà họ chẳng thể học tốt hóa học, có những doanh nhân thành đạt mà họ chẳng am tường lịch sử hoặc ngoại ngữ… Nếu con chúng ta đạt điểm tốt, điều đó thật đáng mừng. Nhưng nếu không, chúng ta cũng đừng cướp mất lòng tin và chân giá trị tận sâu trong mỗi đứa trẻ”.

Bức thư này, hay hành động công khai bảng điểm PSLE của giáo sư Syed Khairudin Aljunied đã góp phần tạo nên sự phản biện cần thiết trong xã hội, để góp phần khẳng định: điểm số không thể định đoạt tương lai của một đứa trẻ vốn dĩ mang trong mình những phẩm chất, tài năng riêng.

Bộ Văn hóa - Giáo dục Indonesia ngày 26/11 ban hành thông báo cấm tổ chức kỳ thi quốc gia ở tất cả cấp học từ năm 2017. Theo Bộ trưởng Văn hóa - Giáo dục Indonesia Muhadjir Eff endy, lệnh cấm này nhanh chóng có hiệu lực sau khi có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm thực hiện đúng những gì được nêu trong chương trình nghị sự chín điểm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Theo đó, các kỳ thi sẽ không được sử dụng như công cụ đo lường hệ thống giáo dục quốc gia. Bước đầu, các chuyên gia giáo dục Indonesia phản ứng khá tích cực về quyết định trên và xem đây là lối thoát, mở ra phương án đánh giá mới, phản ánh đúng năng lực của mỗi HS.

Theo ông Muhadjir Eff endy, HS và giáo viên Indonesia đều phải đối diện với gánh nặng chỉ tiêu về điểm số, thành tích, buộc giáo viên tiếp tay cho HS gian lận trong thi cử. Indonesia những năm gần đây đã có nhiều cải tiến trong việc thi cử như triển khai kỳ thi trên máy tính nhằm loại bỏ các vấn đề phát sinh như rò rỉ đề thi, học tủ… nhưng thực trạng gian lận vẫn không chấm dứt.

Theo đại diện Liên đoàn Giáo viên Indonesia, chừng nào còn áp lực nặng nề về điểm số và thi cử thì gian lận vẫn còn vì không hiệu trưởng, giáo viên nào muốn trường mình ở vị trí chót bảng xếp hạng chất lượng đào tạo. Cơ quan Giám sát tham nhũng ở Indonesia cho rằng, chính áp lực thành tích đã biến những đứa trẻ non nớt thành những HS nói dối, biết nhúng tay vào chuyện gian lận từ rất sớm. 

Thiên Như (Theo QZ, CNA, Breeze, Inquirer, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI