Các trường đại học hồi hộp lo thí sinh ảo

03/08/2016 - 05:26

PNO - Hai ngày đầu xét tuyển, đa số thí sinh (TS) đang nhắm vào các trường đại học (ĐH) công tốp giữa và nhiều trường tư. Dù bội thu hồ sơ xét tuyển nhưng các trường đang nơm nớp lo tình trạng TS “ảo”.

Trường tốp giữa “bội thu”

Chỉ trong hai ngày đầu xét tuyển, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM “bội thu” với khoảng 2.000 TS đăng ký xét tuyển trực tiếp và trực tuyến. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có khoảng 2.000 TS xét tuyển vào trường. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM là một trong những trường hiếm hoi xác định mức điểm nhận đăng ký xét tuyển khá cao với 18 điểm, nên trong hai ngày đầu chỉ mới nhận khoảng hơn 1.000 TS xét tuyển trực tiếp tại trường, chưa thống kê lượng TS xét tuyển qua đường bưu điện và trực tuyến.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng nhận được 1.900 hồ sơ; miễn lệ phí xét tuyển cho TS khu vực 1, khu vực 2 nông thôn và TS các tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng do cá chết vì nhiễm chất thải của Formosa. Trường ĐH Tài chính Marketing nhận gần 1.000 hồ sơ, chưa tính số hồ sơ nộp qua đường bưu điện. Tại trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trong ngày 2/8 có rất đông TS và phụ huynh đến để được tư vấn và tham khảo thông tin xét tuyển. Tính đến cuối ngày, có khoảng 1.300 TS đăng ký xét tuyển.

Cac truong dai hoc hoi hop lo thi sinh ao
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại ĐH Nguyễn Tất Thành

Khác với các năm, năm nay, ngay những ngày đầu xét tuyển, TS đã nườm nượp đăng ký mà không chờ nghe ngóng tình hình, vì quy chế xét tuyển lần này không cho phép các trường công bố mức điểm trúng tuyển dự kiến cho từng thời điểm, TS nộp vào rồi sẽ không được rút ra. Quy trình xét tuyển hiện nay gần như quay về thời “3 chung”, TS nộp vào rồi sẽ không biết "số phận" ra sao cho đến ngày trường công bố kết quả đồng loạt. Việc không công bố thông tin khiến TS không biết mình sẽ cạnh tranh với những đối thủ nào, buộc phải đoán mò, trừ hao khi xét tuyển vào các trường.

Điểm khác biệt năm nay là mỗi TS có được hai phiếu xét tuyển vào hai trường. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng sự bất an cho các trường vì có khả năng tỷ lệ ảo rất cao, có thể đến 50-50 nếu TS cùng lúc trúng tuyển vào hai trường. Một vị trưởng phòng đào tạo phân tích: “Với hai phiếu xét tuyển, chắc chắn TS sẽ nộp một phiếu vào trường tốp đầu và đây là trường các em thật sự mong muốn vào học, phiếu còn lại sẽ “xơ cua” vào các trường tốp giữa, đó là chưa kể các em còn dùng học bạ xét tuyển ở nhiều nơi.”

Trường ngoài công lập: Nhiều lo ngại

Tấp nập, đông đúc cũng là khung cảnh xét tuyển ở nhiều trường ĐH tư thục. Tình hình có vẻ khả quan nhưng đại diện các trường cho biết, họ đang lo sợ tình trạng tăng “ảo”. ThS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: "Chỉ tính riêng lượng TS xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia thì trong hai ngày đầu trường đã nhận hơn 1.500 hồ sơ; lượng TS xét bằng học bạ hơn 500 em, trong khi tổng chỉ tiêu vào ĐH-CĐ chính quy chỉ hơn 5.000. Bước đầu, tình hình có vẻ khả quan nhưng TS ảo sẽ rất nhiều, có thể đến 1/3. Trường tư thục chủ yếu trông vào đợt xét tuyển bổ sung bởi cầm chắc đợt này chỉ là trường dự phòng của TS, vì các em luôn nhắm vào trường công”.

Cũng bội thu ngay đợt xét tuyển đầu tiên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận khoảng 2.000 hồ sơ xét tuyển, khoảng 1/3 chỉ tiêu của trường, trong khi đợt xét tuyển đầu còn đến 10 ngày. Nhưng “Con số này thật sự không thể an tâm. Với đối tượng xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, cơ hội các em nhập học chỉ 50-50”, ThS Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thẳng thắn nhìn nhận.

Những trường có điểm chuẩn thuộc hàng “đỉnh” như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… chưa nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển, vì chỉ những TS có điểm thật cao mới dám “ngắm” đến. Tuyển sinh vào các trường ĐH lẽ ra chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo và do các trường tự quyết nhưng nhiều năm nay Bộ vẫn “nhúng tay” vào. Đã vậy, mùa tuyển sinh nào quy chế cũng thay đổi khiến việc tuyển sinh vào ĐH trở thành một vấn đề “làm khó” không chỉ người học mà cả nhà trường.

Thí sinh "khóc ròng" với đăng ký xét tuyển trực tuyến

Trong ngày đăng ký xét tuyển thứ hai, rất nhiều TS rơi vào tình huống khó gỡ khi đăng ký xét tuyển trực tuyến. Cụ thể, một số TS xét tuyển vào trường ĐH Hoa Sen lỡ tay đăng ký nhầm vào phần mềm xét tuyển trực tuyến của Bộ GD-ĐT. Em A. được 16,5 điểm, muốn đăng ký nguyện vọng ngành 1 vào ngành kinh doanh quốc tế bậc ĐH. Thay vì nhập mã ngành bậc ĐH, A. lỡ tay nhập thành mã ngành bậc CĐ.

Thế nhưng, sai sót này không thể chỉnh sửa trên phần mềm xét tuyển của Bộ nên A. khóc tức tưởi ngay giữa khu vực nhận hồ sơ của trường vì không vào được ngành và bậc học mong muốn. Ông Nguyễn Chí Thu, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông nhà trường cho biết: “Mã ngành giữa bậc CĐ và ĐH chỉ khác nhau chữ C và D nên TS rất dễ nhập sai, khi truy xuất phát hiện sai thì không thể điều chỉnh theo đúng nguyện vọng. Chúng tôi đã báo trường hợp này ra Bộ chờ hướng xử lý”.

Tương tự, rất nhiều TS ở xa phải đến tận các trường ĐH để nộp hồ sơ trực tiếp vì mất mã đăng nhập để xét tuyển trực tuyến. Mạ ng bị nghẽn vì TS đăng ký trực tuyến cùng lúc quá đông. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết: “Nhiều TS phản ánh đang đăng nhập hệ thống thì bị “đá” ra. Vì thế, nếu xét tuyển bằng hình thức trực tuyến thì phải cực kỳ cẩn trọng”.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI