Bằng đại học sẽ không còn độc tôn

02/07/2018 - 08:47

PNO - Đua nhau vào đại học và ước mơ trở thành tiến sĩ, thạc sĩ rất phổ biến ở các nước trong khu vực và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo học trường nghề là con đường bất đắc dĩ khi không thể bước chân vào giảng đường.

Trong khi những ngày qua sĩ tử cả nước “khóc ròng” với đề thi THPT quốc gia lấy điểm xét vào đại học quá khó thì một bài báo đáng chú ý mới đây trên tờ The South China Morning Post (Hồng Kông) với tiêu đề Thách thức đối với trường đại học - kỹ năng nghề cũng có giá trị như bằng đại học, đã làm giật mình những phụ huynh, học sinh về giấc mơ đại học.

Bang dai hoc se khong con doc ton
Các cơ sở đào tạo nghề cần phải gắn kết với doanh nghiệp để người học tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay - Ảnh: P.Huy

Có thể thấy hiện tượng đua nhau vào đại học và ước mơ trở thành tiến sĩ, thạc sĩ đã rất phổ biến ở các nước trong khu vực và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo học trường nghề là con đường bất đắc dĩ khi không thể bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng thế giới ngày nay đã thay đổi, bằng cấp không giúp cho chúng ta bắt nhịp với nhu cầu của thời đại mà chính là các kỹ năng nghề quan trọng mới giúp thích nghi nhanh với nền kinh tế mới. 

Trông người…

Singapore là đất nước mà người có bằng đại học trở lên đã chiếm đến 35,5% lực lượng lao động vào năm 2017. Số người tốt nghiệp đại học và sau đại học tăng nhanh trong thời gian qua không phải là điều đáng mừng nữa mà trở thành nỗi lo của chính phủ Singapore, vì tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm… có thể gây ra tâm trạng bất mãn trong giới trẻ, nhất là trong thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo, hệ quả là công việc có thể lỗi thời rất nhanh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Ong Ye Kung cho rằng, bằng cấp có thể trở nên lỗi thời trong một thế giới mà thông tin và kiến ​​thức dễ dàng tìm thấy trên internet. Khi đó, bằng cấp không giúp cho chúng ta bắt nhịp với nhu cầu của thời đại mà chính là các kỹ năng nghề quan trọng mới giúp thích nghi nhanh với nền kinh tế mới.

“Nhu cầu đa dạng của nền kinh tế phẳng đòi hỏi nhiều tài năng hơn từ các lĩnh vực chuyên môn rộng hơn, nên có những con đường “đa dạng và đa chiều” để mọi người nâng cao kỹ năng của họ. Khi đó đại học không phải là con đường duy nhất để phát triển hết tiềm năng của con người, mà người trẻ có thể lựa chọn học nghề, chứng chỉ ngành, hoặc đơn giản học tập kinh nghiệm làm việc trong một nhà máy và tự xây dựng tên tuổi trong lĩnh vực mà mình lựa chọn”, ông nói.

“Bằng cấp không làm nên một con người, cá nhân hay xã hội... Trong tiến trình phát triển của xã hội, tất cả nghề nghiệp đều đáng được tôn trọng và công nhận, cho dù nghề đó học từ đại học hay trường nghề. Và điều này sẽ thành hiện thực trong tương lai”. 

Từ năm 2015, Singapore khởi động chương trình quốc gia SkillsFuture, hướng đến đào tạo nghề cho lao động trẻ. Chương trình này nhằm giúp giảm quan niệm xem trọng bằng cấp, đánh giá việc đào tạo nghề thành thạo cũng có giá trị tương đương tấm bằng đại học. Ông Ong Ye Kung - người giám sát chương trình SkillsFuture - tin rằng, Singapore cần phải theo đuổi mô hình nghề nghiệp đa hướng, thay vì phân chia rạch ròi giữa đào tạo nghề và giáo dục hàn lâm.

Một báo cáo gần đây ghi nhận số lượng người Singapore dùng khoản tín dụng 500 SGD của chương trình SkillsFuture để đi học thêm đã tăng trong năm ngoái, hơn gấp đôi so với năm 2016. Tổng cộng đã có hơn 285.000 người tham gia kể từ lúc chương trình khởi động hồi tháng 1/2016. Tuy nhiên, quan niệm trọng bằng cấp của người Singapore cũng như nhiều nước châu Á khó thay đổi một sớm một chiều. Cho đến nay, đa số người dân vẫn xem việc học cao, kiếm tấm bằng rồi thăng tiến là con đường sự nghiệp đáng mơ ước nhất. 

… Để ngẫm đến ta

Cũng như Singapore và nhiều nước trong khu vực, quan niệm coi trọng bằng cấp đã ăn sâu nhiều đời nay và là căn bệnh cố hữu của các nhà tuyển dụng. Vì vậy, trong giáo dục cả người dạy và người học chỉ đặt mục tiêu là có được tấm bằng mà bỏ quên kỹ năng nghề nghiệp. Ngày nay, sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng mù nghề, không có kỹ năng thực hành, mù ngoại ngữ trở nên phổ biến.

Hậu quả, đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 215.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong khi đó, nhóm có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp chỉ bằng 15% con số đại học trở lên. Con số này cho thấy khả năng tìm kiếm việc làm cao hơn của nhóm có trình độ sơ cấp nghề. 

Theo kỹ sư Lê Tùng Hiếu - cố vấn một số trường đào tạo nghề tại Đồng Nai - ở nước ta, có vẻ như các nhà tuyển dụng thường chú trọng kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành cơ khí chế tạo, chứ công nhân thì không cần đào tạo tay nghề cao… Đó thật sự là vấn đề đáng lo ngại. Vì thạc sĩ, tiến sĩ mà không tích lũy kinh nghiệm thực tế thì cũng khó mà làm ra được sản phẩm để bán có người mua. Bởi vậy, mới có chuyện một quốc gia nhiều tiến sĩ như Việt Nam lại không thể làm được con ốc vít cho Tập đoàn Samsung Hàn Quốc.

“Ngay như con bu-lông tán để siết bánh xe, chúng ta cũng phải nhập khẩu vì công nghệ của chúng ta còn kém, ngành thép chế tạo cũng chưa phát triển để chế tạo được loại thép chất lượng cao. Người ta nói đến con số hơn 2.000 tiến sĩ nhưng không nhắc đến số thợ thủ công, kỹ thuật viên, kỹ sư cho cuộc công nghiệp hóa. Trong khi đó, nếu không có lực lượng thợ thủ công tay nghề cao, đất nước không thể tiến hành công nghiệp hóa, không thể phát triển kinh tế bền vững. Thực tế là ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu trong nước…”, kỹ sư Lê Tùng Hiếu nói.

Trong một cuộc trò chuyện mới đây liên quan đến giáo dục, ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE - cho rằng, nói người Việt Nam hiếu học có vẻ chưa đúng lắm, nói “hiếu thi” hoặc “hiếu bằng” thì chính xác hơn. Bởi vì, chúng ta đang học không phải để trở thành con người khai phóng mà chỉ cố gắng lấy cho được cái bằng cấp danh giá.

Các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có văn hóa khá lâu đời, ăn sâu vào xã hội, đó là học để thi. Đối với những quốc gia mà nền giáo dục quá nặng về thi cử và điểm số, dù kết quả chỉ số đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA) - của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có cao thì vẫn chưa nhận được sự nể trọng thực sự của thế giới về chất lượng giáo dục.

Ông Giản Tư Trung nói: “Nhiều người cho rằng, Việt Nam ta “thừa thầy nhưng thiếu thợ”. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi cho rằng, Việt Nam ta thừa bằng, nhưng thiếu thầy, thiếu thợ và thiếu trầm trọng. Với sự khủng hoảng thiếu về thầy và thợ như hiện nay thì những doanh nghiệp có hoài bão đua tranh mạnh mẽ với thế giới sẽ vô cùng khó khăn và đôi khi rơi vào bế tắc chỉ vì lý do này”.

Nói cách khác, giáo dục của chúng ta đào tạo ra vô số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ… nhưng tiếc là lại đào tạo ra quá ít thầy - chuyên gia về một chuyên môn nào đó và quá ít thợ - người có nghề và lành nghề về một nghề nào đó. 

Nếu nhìn lại, ngay công tác dạy nghề lâu nay vẫn còn nhiều điều cần bàn, bài toán làm sao tạo ra nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội vẫn loay hoay chưa tìm ra lời giải. Thế nên có lần, tiến sĩ Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV nói rằng, 30 năm giáo dục - đào tạo nghề nước ta mà vẫn chưa có gì cả, tất cả gần như bằng 0, vẫn ở vạch xuất phát chứ hầu như chưa có bước đi nào đáng kể. 

“Xốc lại” dạy nghề

Trong cuốn sách Những mục tiêu của giáo dục và các tiểu luận khác, nhà toán học - triết gia người Anh Alfred North Whitehead định nghĩa: “Giáo dục là sự sở đắc nghệ thuật sử dụng tri thức”. Học mà không hiểu, hoặc không dùng được hiểu biết của mình thì càng học nhiều càng có hại. Đối với văn hóa Á Đông, định nghĩa của Whitehead càng trái ngược với những tín điều đã ăn sâu. Trình độ học thức không được đo bằng khối lượng kiến thức, mà bằng năng lực, nghệ thuật dùng kiến thức đó trong cuộc sống. Người học không phải cái bình chứa để người dạy rót vô, hay một búp măng cần ra sức uốn sao cho thẳng theo khuôn mẫu, mà là một tư duy độc lập, tự do. 

Chẳng bao lâu nữa, chuyện chúng ta học ở trường nào hay đã từng giữ vị trí gì trước đây sẽ chẳng còn ý nghĩa. Quan trọng là chúng ta đã học được kỹ năng gì tại nơi đang làm việc. Đó là kết luận trong báo cáo về nguồn nhân lực năm 2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố. Năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp gần nhất khu vực châu Á, chỉ cao hơn Bangladesh và Campuchia.

Các bản tin cập nhật thị trường lao động theo từng quý những năm gần đây thường đưa ra những hệ lụy về chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và dạy nghề nói riêng. Tình trạng cử nhân, cao đẳng nghề thất nghiệp hoặc khó tìm việc làm thể hiện qua từng con số phần nào phản ánh sự yếu kém trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

Nếu không “xốc lại” lĩnh vực dạy nghề ngay lúc này, e là Việt Nam sẽ mãi không bao giờ thoát ra khỏi vị trí tụt hậu. 

Dạy nghề cho ra nghề

Theo ông Giản Tư Trung, cần làm rõ mục tiêu là đào tạo ra những con người lành nghề, yêu nghề… Chỉ khi làm rõ mục tiêu rồi mới làm rõ nội dung và phương pháp đào tạo và từ đó mới có sự thay đổi thật sự trong vấn đề nhân lực cho nền kinh tế trước mắt và lâu dài. 

Còn theo kỹ sư Lê Tùng Hiếu, các cơ sở đào tạo cần phải gắn kết với doanh nghiệp để người học tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay. Nếu học sinh không tìm được việc làm thì cơ sở đào tạo phải hoàn trả học phí.

Xuân Lộc

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI