"Ghế nóng" Gameshow - ai ngồi cũng được

27/09/2016 - 11:30

PNO - Đã qua lâu lắm rồi cái thời ngồi vào ghế giám khảo phải là những người giỏi chuyên môn... Thời nay, có vẻ như ai cũng có thể ngồi vào “ghế nóng” của các gameshow, chương trình truyền hình thực tế.

Đã qua lâu lắm rồi cái thời ngồi vào ghế giám khảo (GK) phải là những người giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và có bản lĩnh nghề nghiệp. Thời nay, có vẻ như ai cũng có thể ngồi vào “ghế nóng” của các gameshow, chương trình truyền hình thực tế. Vị trí cầm cân nảy mực, định đoạt “số phận” các thí sinh (TS) chưa bao giờ được chọn lựa dễ dãi như thế.

Khi các gameshow nở rộ, việc một TS vừa được biết đến sau một cuộc thi bỗng trở thành GK cuộc thi tiếp theo đã không còn là chuyện hiếm. “Công thức” quán quân, á quân hoặc TS đạt thứ hạng cao ở cuộc thi này sẽ lập tức được chọn ngồi ghế nóng ở gameshow tiếp theo hoặc gameshow khác của chung một nhà sản xuất (NSX) đang ngày càng trở nên phổ biến.

Chẳng hạn, Huỳnh Lập - Nam Thư, hai TS đạt giải cao nhất cuộc thi Cười Xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ, đã lập tức được đặt vào “ghế nóng” ở Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội cũng do Khang Media sản xuất. Hay như Lâm Ngọc Hoa và Thu Hằng - quán quân Solo cùng Bolero mùa thi này đều trở thành GK vòng sơ loại của cuộc thi mùa thi tiếp theo.

Mới đây, việc Minh Trọng, Huỳnh Tiến Khoa trở thành GK vòng sơ tuyển gameshow Tiếu lâm tứ trụ khiến không ít khán giả ngỡ ngàng. Không chỉ hoang mang với lời giới thiệu “giảng viên hài kịch” dành cho một GK từ phía NSX, công chúng còn ngơ ngác hơn khi cả hai chỉ là thành viên của hai nhóm hài đoạt giải nhất và ba ở một gameshow khác.

Huỳnh Tiến Khoa (phải) - một tên tuổi còn khá mới bỗng trở thành GK sau một gameshow

Một số gương mặt, dù chỉ xuất hiện với tư cách GK khách mời nhưng vẫn gây khó chịu cho người xem như cô bé Phương Mỹ Chi trở thành GK khách mời cuộc thi Cùng nhau tỏa sáng, cũng vô tư nhận xét, cho điểm các thí sinh… như những vị GK khác.

Hay Lê Dương Bảo Lâm, dù còn “non” vốn liếng nghề nghiệp nhưng vẫn được NSX đặt lên ghế nóng vì “danh hiệu” quán quân của chương trình Thách thức danh hài…

Hầu hết những gương mặt đoạt ngôi vị quán quân, á quân một cuộc thi nào đó đều chỉ mới được khán giả biết đến sau cuộc thi và vẫn phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để tìm cho mình một vị trí nhất định trong nghệ thuật. Chính vì thế, vai trò GK như một chiếc áo quá rộng phủ trùm lên những GK còn non cả tuổi nghề lẫn tuổi đời này.

Không khó tìm thấy trên các trang mạng xã hội, trên YouTube những bình luận, phản ứng gay gắt của khán giả dành cho những GK “ngang hông” này. Người bị ném đá nhiều nhất phải kể đến diễn viên Nam Thư.

So với nhiều thành viên của các nhóm dự thi, Nam Thư còn thua kém rất xa cả tuổi nghề lẫn khả năng chuyên môn, nên trong khá nhiều trường hợp, cô không đủ “vốn liếng” để bình luận phần biểu diễn của TS ngoài hai từ “quá đã”, khiến người xem vừa dị ứng, vừa mất thiện cảm với TS vừa bắt đầu được chú ý.

Hay như việc chọn Lâm Ngọc Hoa làm GK vòng sơ loại cho mùa thi tiếp theo của cuộc thi Solo cùng Bolero cũng gây không ít thất vọng cho cả khán giả lẫn TS dự thi. Trên trang YouTube, nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn Lâm Ngọc Hoa ngồi vào ghế GK đã khiến uy tín của cuộc thi ít nhiều giảm sút.

Nhiều dẫn chứng được đưa ra để chứng minh cho sự “non nghề” của GK Lâm Ngọc Hoa như cách cô bắt bẻ TS những lỗi chính tả và “chặn họng” một TS lớn tuổi khi bà còn chưa hát hết câu; hoặc quyết định không chọn TS với lời nhận xét: “Hát có độ rung giống như các ca sĩ đi trước”...

Thế nhưng, bất chấp những phản ứng của khán giả và cả TS, năm nay Lâm Ngọc Hoa lại tiếp tục “ngồi ghế nóng”, đồng hành cùng cô còn có Thu Hằng - quán quân mới nhất của cuộc thi.

Tương tự, việc Huỳnh Tiến Khoa và Minh Trọng là hai trong số ba GK quyết định tuyển chọn TS cho gameshow Tiếu lâm tứ trụ cũng đang gây nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến nghi ngờ khả năng thẩm định của hai GK này khi họ được giao quyền thẩm định tài năng để chọn 50 TS trong số vài ngàn người đăng ký dự thi.

Tất nhiên, phản ứng của TS trên các trang mạng xã hội về các GK ít nhiều cũng có cảm tính, chủ quan và bị ảnh hưởng bởi tâm lý đậu rớt của người trong cuộc. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây cũng là vấn đề cần được các đơn vị sản xuất chương trình quan tâm.

Công chúng đang ngày càng dị ứng với những cách ứng xử “trẻ con” của GK như những màn hú hét quá lố, những giọng cười chói tai để thể hiện cảm xúc; những câu bình luận, nhận xét vô thưởng vô phạt lặ p đi, lặ p lại… Và vì thế, khả năng định hướng cho TS của những người “cầm trịch” ở không ít cuộc thi đã trở nên quá xa vời.

Suy cho cùng, các gameshow chỉ là những cuộc chơi, là “mỏ vàng” để các NSX thu lợi nhuận. Không thể đặt quá nhiều kỳ vọng đó sẽ là nơi tìm kiếm, phát hiện tài năng với cách đặt để GK như hiện nay của một số NSX. Ngay cả với các quán quân, á quân, đừng vội ngộ nhận “mình sẽ làm nên chuyện” sau khi đoạt giải, còn trở thành những người được giao trọng trách cầm cân, nẩ y mực.

Khán giả có thể tung hô thần tượng ở một cuộc thi, nhưng khi cuộc thi hạ màn, còn có mấy người người chịu vào xem những quán quân, á quân đó trong những chương trình có bán vé doanh thu? Sàn diễn mới là nơi để người nghệ sĩ bộc lộ tài năng của mình và sự tìm kiếm sự yêu mến của công chúng, chứ không phải ở những trò thi thố tài năng.

Phương Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI