Vỹ thanh về chuỗi nhạc kịch độc bản của Phi Anh và 'đồng bọn'

24/04/2017 - 19:09

PNO - Từ đêm khai màn đến đêm vĩ thanh cuối cùng vừa kết thúc trong tháng 4/2017 tại Hà Nội, mỗi đêm nhạc kịch của dự án HOPE (Mộng ước) do Nguyễn Phi Phi Anh đạo diễn có thể coi là một “độc bản”.

Tôi được biết đến Nguyễn Phi Phi Anh khá muộn, đó là khi chương trình Nguyệt hạ của ca sĩ Giang Trang diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) vào mùa hè năm 2016. Tôi ấn tượng với một sân khấu rực rỡ, đóng khung và có phần nuốt ca sĩ cùng ban nhạc của Phi Anh – người chịu trách nhiệm thiết kế sân khấu. Tôi lờ mờ nhận ra cách xử lý không gian riêng biệt, dù cảm quan cá nhân tôi cho rằng nó không hẳn phù hợp với chương trình.

Tôi bắt đầu tò mò về đạo diễn 9x có biệt danh PPAN này – người mà theo lời kể lại đã từng làm mưa làm gió sân khấu nhạc kịch Hà Nội ba năm về trước. Sự tò mò của tôi được thỏa mãn khi dự án HOPE (Mộng ước) của Phi Anh chính thức trình làng, công diễn 35 đêm ra từ tháng 10/2016 tới tháng 4/2017 tại L’Espace, với ba vở nhạc kịch: Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng và Mộng ước không xa vời.

Vy thanh ve chuoi nhac kich doc ban cua Phi Anh va 'dong bon'
 

Ba vở nhạc kịch ư? 35 đêm công diễn trong 7 tháng? Của một tác giả 25 tuổi ư? Tác giả tự sản xuất, tự viết kịch bản, tự dàn dựng? Chỉ chừng ấy chi tiết thật không khỏi làm những người dễ tính nhất cũng phải nghi ngờ. Tôi cũng nghi ngờ, dù luôn được liệt vào hàng khó tính. Và tôi đã xem hết cả ba vở.

Tôi chợt nghĩ đến đạo diễn Xavier Dolan – một tài năng của điện ảnh. Cùng tầm tuổi với Nguyễn Phi Phi Anh, đạo diễn người Canada này đã kịp làm 6 phim truyện và từng giành Giải thưởng Lớn tại LHP Cannes với tác phẩm Mommy.

Điều đáng nói đầu tiên về HOPE, theo tôi, đó là một phong cách nhất quán. Định hình một phong cách mà không bị nhàm chán luôn là thách thức với nghệ sĩ. Tính “tác giả” cho phép hình thành một ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt và cá tính. Làm sao biến đổi không gian sân khấu khá chật chội của L’Espace thành những bối cảnh có chiều sâu và tạo thành các khu vực riêng biệt?

Vy thanh ve chuoi nhac kich doc ban cua Phi Anh va 'dong bon'
 

Đặt dàn nhạc ở đâu trong một khán phòng không có chỗ cho họ? Phi Anh chọn cách đưa các nhạc công vào trong những chiếc hộp. Và ở từng vở diễn, các nhạc công được “dàn xếp” trong những loại hộp khác nhau.

Nếu ở lần xem đầu tiên, vở Đêm hè sau cuối tôi không đồng tình lắm với cách làm đó, bởi âm thanh được đánh ra từ trong những “chiếc hộp” có độ vang và chân thật khác với một không gian rộng lớn và mở. Thế nhưng, chứng kiến sự xuyên suốt trong cả ba vở, chính việc nâng sân khấu theo chiều cao, hình thành những bục bệ, bậc thang để nối liền các không gian nhân tạo gây kích ứng về thị giác tuy bức bối nhưng cũng đầy bay bổng khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục đó là một biệt tài khai thác và xử lý không gian tối ưu, “liệu cơm gặp mắm” đặc biệt khéo léo và thông minh của Phi Anh.

Nhờ đó, sân khấu thông thường nhỏ hẹp của L’Espace bỗng trở thành một sân khấu đồ sộ có sức chứa gần trăm nghệ sĩ xuất hiện cùng lúc.

Điều đáng nói thứ hai của HOPE, sau 35 đêm diễn vừa khép lại đủ để xác tín quá trình trưởng thành của Phi Anh trong kịch bản và dàn dựng. Sự rườm rà nhiều chi tiết được tinh giản dần từ Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng, đặc biệt, tới Mộng ước không xa vời đã đạt được sự tối giản cần thiết.

Vy thanh ve chuoi nhac kich doc ban cua Phi Anh va 'dong bon'
 

Phần nhạc trong nhạc kịch được hoàn thiện dần. Từ những giai điệu ca khúc quốc tế quen thuộc,  lời Việt trơn tru đôi khi không ăn nhập và không thực sự góp phần truyền tải nội tâm nhân vật và tình huống câu chuyện trong hai vở đầu sang đến Mộng ước không xa vời là tuyển chọn các bài ít quen thuộc hơn, được chuyển soạn biến hóa, lời ca bám sát vào tình tiết hơn, giúp cho ca sĩ phô diễn được về giọng.

Một số ý kiến cho rằng, phần kịch của nhạc kịch có vẻ chông chênh khó định hình trong bộ ba tác phẩm của Phi Anh, nhất ở vở nhạc kịch cuối cùng Mộng ước không xa vời gây hoang mang và thách thức về cảm thụ (?).

Cá nhân tôi cho rằng, kịch tính là điểm nhấn chủ đạo trong Đêm hè sau cuối, tuy thế, các tình tiết thắt nút mở nút lại được chủ yếu giải quyết bằng thoại vô hình chung tạo cảm giác dài dòng và lê thê. Sang đến vở Góc phố danh vọng cũng ngập tràn chi tiết và nhiều tuyến nhân vật đan xen, nhưng nhờ tính chất trong trẻo, mơ mộng làm người xem bớt đi cảm giác bị dàn trải.

Nhưng,  mãi tới Mộng ước không xa vời, Nguyễn Phi Phi Anh cho thấy anh thật sự chín chắn trong phần kịch, khi biết lược bỏ những “cành, lá xum xuê” để tập trung vào “gốc với thân cây mọc thẳng” để đạt tới kịch bản vừa trực diện, vừa bay bổng nhưng gợi được suy ngẫm cho người xem.

Vy thanh ve chuoi nhac kich doc ban cua Phi Anh va 'dong bon'
 

Lần đầu tiên trong vở này, tính ước lệ của sân khấu được Phi Anh khai thác một cách nhuần nhuyễn. Một thành tố quan trọng của nhạc kịch là vũ đạo cũng chứng kiến sự bấp bênh trồi sụt khi bị phụ thuộc và mang tính lấp chỗ trống cho phần kịch ở hai vở đầu.

Có cảm giác khi Phi Anh tập trung vào kịch, anh quên mất vũ đạo và ngược lại. Phải đến Mộng ước không xa vời, vũ đạo được lược giảm nhưng lúc nào có sự xuất hiện của diễn viên múa cũng làm ta bật cười vì tính hài hước châm biếm rất cao. Ở góc độ đó, tính kịch và vũ đạo đã đạt trạng thái cổng hưởng, đưa đẩy duyên dáng và tài tình.  

Viết đến đây, cá nhân tôi nhận ra rằng, sự trưởng thành của Phi Anh chính là kết quả tuyệt vời của một quá trình thử nghiệm và tôi luyện, học hỏi và rút kinh nghiệm, mà theo tôi biết, là qua từng đêm diễn. Qua một người thân cận với đạo diễn 9x này, thì từ đêm khai màn đến đêm vỹ thanh cuối cùng, mỗi đêm diễn là một “độc bản".

Hóa ra, vị đạo diễn này chưa bao giờ hài lòng, dù chẳng bao giờ xuất hiện sau mỗi đêm diễn, nhưng tại vị trí của mình, anh luôn quan sát cảm thụ khán giả qua từng đêm, coi họ là “thượng đế” – “vì sao khán giả hoang mang không hiểu?” “khán giả đêm nay thì cười chỗ nào?” “chỗ này sao không vui, chỗ kia phải làm sao vui hơn?... cứ thế đau đáu, trăn trở để có những cử chỉ thay đổi hòng mang lại sự trải nghiệm thi vị nhất, vui nhất, cũng như lấy được sự đồng cảm của người xem.

Điều đáng nói thứ ba của HOPE, làm tôi hy vọng, chính là giá trị của dự án đối với cộng đồng. Phi Anh đã chứng minh rằng với lòng yêu nghề, tinh thần đam mê và dám vượt qua thử thách, bạn hoàn toàn có thể làm được những điều tưởng như không thể.

Đó là lôi kéo được khán giả tới đầy khán phòng suốt 35 suất diễn trong vòng nửa năm, nhất là tại một thị trường gần như đã chết về sân khấu kịch như Hà Nội.

Thu nạp, huấn luyện và chỉ đạo cả một đội ngũ nhân sự hùng hậu, đa phần là diễn viên không chuyên, khơi dậy tinh thần yêu nghệ thuật, dám thể hiện mình, và làm chủ bản lĩnh sân khấu. Tạo cảm hứng cho những người trẻ khác dám dấn thân bước vào những vùng đất tưởng như không dành cho họ.

Kiến tạo một thói quen thưởng thức nghệ thuật văn minh như xếp hàng vào rạp, không nghe điện thoại, không nói chuyện trong rạp, lại còn ăn mặc đẹp khi đến rạp, thật là trời ơi đất hỡi! Danh sách này còn có thể kéo dài thêm, chẳng hạn như việc thuyết phục được nhà đầu tư bỏ ra một số tiền không nhỏ cho một dự án dài hơi mà không đặt logo quảng cáo…

Ai đó cho rằng HOPE của Phi Anh chỉ là một cố gắng Việt hóa nhạc kịch. Tôi không đồng tình với ý kiến này. Sau tất cả, mộng ước không xa vời của “PPAN và đồng bọn” là đã tạo nên một nhịp sống đương đại với HOPE, anh và các cộng sự đã sống một chương thật đẹp với tuổi trẻ. Và như thế, sau khúc vỹ thanh khép lại dự án đêm 12/4, HOPE chính thức mang đến một hy vọng, một mộng ước không hề xa vời.

Điều quan trọng hơn theo tôi, là ta cảm được một tác giả, một nghệ sĩ sáng tạo với nguồn năng lượng dồi dào. Phi Anh sẽ không dừng ở nhạc kịch, tôi được bật mí anh đang bắt tay vào chương tiếp theo ở một lĩnh vực còn cần sự trưởng thành hơn thế: điện ảnh.

Tôi hồi hộp mong chờ Phi Anh của điện ảnh.

Marcus Mạnh Cường Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI