Trị con "đầu bò đầu bướu"

10/09/2016 - 18:00

PNO - Ương bướng, cứng đầu không phải là tính nết của trẻ. Đôi khi đó là cách trẻ bộc lộ mong muốn được người lớn quan tâm nhiều hơn, hoặc do cha mẹ dạy con chưa đúng cách.

Người ta thường nói tuổi lên ba lắm tật, điều này “áp” vào con trai tôi đúng đến 95%. Điều khiến tôi không chịu nổi là thằng bé rất ương bướng, ngang ngạnh. Người lớn nói gì thằng bé cũng cãi lại, không làm theo hoặc lăn ra ăn vạ.

Hôm qua, tôi bảo con cất đồ chơi để đi tắm, nhắc đến lần thứ ba mà thằng bé vẫn tỉnh như không, tiếp tục chơi tàu hỏa. Bực mình, tôi tự tay dọn dẹp, cất đồ chơi vào tủ. Thế nhưng, tôi cất món này thì con lấy món khác ra chơi. Bị mẹ la, nó liền quăng luôn cái xe đồ chơi vào tường, vỡ thành nhiều mảnh, rồi lăn ra khóc, giãy đành đạch.

Thật chịu không nổi. “Con không thích”, “Mẹ đi ra đi”, “Ba đi mà làm”… là những câu mà con trai tôi thường hét lên khi được yêu cầu thực hiện việc nào đấy.

Bực mình, tôi thường mắng, yêu cầu con phải làm theo mệnh lệnh, thậm chí đưa ra những hình phạt rõ ràng như “mẹ sẽ không cho con xem phim hoạt hình”, “cuối tuần này không được đi công viên”… nhưng thằng bé lại lì ra, không thèm khóc, cũng chẳng tỏ ra sợ. Tôi e sự ngang ngạnh này sẽ trở thành tật, rồi con mình lớn lên thành kẻ “đầu bò, đầu bướu” khó dạy.

 Thanh Minh (Lê Văn Sỹ, P.12, Q.3, TP.HCM)

Tri con
Ảnh minh họa

Mệnh lệnh, dọa nạt không phải là phương pháp tốt.

Ương bướng, cứng đầu không phải là tính nết của trẻ. Đôi khi đó là cách trẻ bộc lộ mong muốn được cha mẹ quan tâm nhiều hơn, hoặc do chị dạy con chưa đúng cách. Sử dụng mệnh lệnh và hình phạt sẽ chỉ gây ra tác dụng ngược vì trẻ nghĩ bố mẹ không yêu thương mình.

Thay vì tranh cãi, quát mắng con, chị nên nhẹ nhàng hỏi xem bé muốn gì, quan sát xem vì sao trẻ khó bảo để tìm nguyên nhân và hóa giải sự ngang ngạnh ấy. Tôi cũng có bé gái lên ba như con chị. Bé rất mê xem phim hoạt hình khủng long. Thời gian đầu, vợ tôi rất khó dỗ con đi ngủ vì bé cứ dán mắt vào ti vi. Thế là cô ấy nghĩ ra một kế: mua truyện tranh về khủng long và rủ con vào giường đọc.

Thích thú vì được biết thêm một “thế giới” khác của những con thú mình yêu thích, con gái tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Từ đó, cứ đến 9g tối là cháu kéo áo mẹ: “Đi chơi với khủng long nhen mẹ” và hai mẹ con lên giường.

Như vậy, thay vì áp đặt, dùng lý lẽ để trấn áp một đứa trẻ ba tuổi, chị nên lắng nghe con, trẻ sẽ chia sẻ với cha mẹ những điều chúng nghĩ và nỗi hờn tủi dễ dàng qua mau. Cha mẹ cũng hiểu được vấn đề của con để giải thích cho bé hiểu, chỉ cho bé những điều tốt và chưa tốt, đây cũng là bước đầu giúp trẻ tiếp cận với những quy tắc đạo đức, cách ứng xử cần thiết theo độ tuổi của con.

Dần dà, trẻ sẽ không còn cứng đầu mà dễ dàng bày tỏ chính kiến của mình theo hướng tích cực. Việc của cha mẹ là cùng con giải quyết những vấn đề ấy một cách điềm tĩnh, khách quan.

Hoàng Minh Quân (Lạc Long Quân, Q.11)

Rõ ràng, cụ thể khi truyền thông tin đến trẻ

“Đã đến giờ đi tắm rồi con ạ, mình cất đồ chơi nhé. Tắm khuya sẽ bị cảm đấy”, “Canh cua mẹ nấu rất ngon, có nhiều canxi giúp con cao lên nè. Con ăn hết chén canh này nhé”, “Thức khuya quá thì ngày mai con sẽ dậy trễ, không kịp đến lớp chơi với bạn Bi đâu. Mẹ con mình vào giường nhé”…

Tôi thường đưa ra những thông tin cụ thể, rõ ràng như thế trong yêu cầu của mình, do vậy dù đôi khi con có chút chần chừ, trì níu với hoạt động mà bé đang say mê, nhưng sẽ nhanh chóng rời đi hoặc háo hức thực hiện yêu cầu của mẹ. Chị không nên trách con nếu bé không chịu nghe lời. Cần xem lại yêu cầu mình đưa ra có rõ ràng, dứt khoát không. Tâm lý trẻ vốn ham chơi và không phân biệt được những việc quan trọng, cần thiết phải làm ngay, do vậy trẻ “phớt lờ”, cãi lại.

Nếu trẻ khó bảo, chị cần đưa ra nội quy cụ thể với thái độ nghiêm khắc để bé ý thức được tầm quan trọng của sự việc, yêu cầu. Điều quan trọng là không phải lúc nào cũng sử dụng những lời đe dọa, hình phạt, bởi thường chị sẽ quên mất hoặc dù có áp dụng thì đây cũng chính là “kẽ hở” tạo điều kiện cho trẻ thêm ngang bướng vì “lờn thuốc”.

Nhiêm Diệu Minh (P.Thảo Điền, Q.2) 

Đừng để trẻ cuấn vào cơn giận dữ

Bực bội, thất vọng vì nói mãi mà trẻ không nghe lời, chị dễ bị cảm xúc giận dữ chi phối, cuốn vào những lời nói, hành vi thô lỗ như mắng chửi, la hét con, thậm chí sử dụng đòn roi, đe dọa để ép bé tuân phục. Đó là cách phản ứng tiêu cực, chỉ khiến trẻ thêm ương bướng, lì đòn. Cha mẹ cần hiểu bé muốn gì khi nhất định sử dụng chiêu “đầu bò, đầu bướu” để bất tuân yêu cầu.

Chị cần hỏi han, lắng nghe với thái độ quan tâm để trẻ dễ dàng bộc lộ điều bé mong muốn, đây cũng là cách giúp chị kiểm soát cảm xúc nóng giận của mình. Hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra, đồng thời nghĩ “đây là đứa trẻ mà mình thương yêu”, như vậy, chị sẽ có thời gian để cơn giận lắng xuống, bình tĩnh nói chuyện với con. Đừng cao giọng bởi trẻ rất nhạy cảm, sẽ biết ngay cha mẹ chỉ “hoãn binh” chứ không thật sự quan tâm.

Chị có nhớ hồi nhỏ mình cũng chẳng thua gì đứa con bé bỏng của mình? Chị cũng từng bướng bỉnh cãi lời cha mẹ, cũng có lúc nhí nhảnh, nhõng nhẽo rất đáng yêu. Trẻ con là vậy, đó là bản chất tự nhiên của trẻ, và cha mẹ là người giúp con dần đi vào nền nếp, học tập kỷ luật để trở thành một người trưởng thành.

Hãy ngồi xuống ngang tầm với con, nghe bé nói rồi từ tốn giải thích rằng con nên thế này, không nên thế kia… Thậm chí, chị có thể đóng vai bé để diễn lại trò xấu mà con vừa làm, rồi hỏi bé như thế có đẹp không? Chắc chắn bé sẽ liên tưởng để hiểu ra việc mình vừa làm không hay chút nào.

Nếu trẻ vẫn thử thách sự kiên nhẫn của chị , hét toáng lên, giãy giụa, la hét không hợp tác? Hãy để trẻ lại, tìm một nơi yên tĩnh để cơn giận qua đi đến khi chị thật sự bình tĩnh hẵng quay lại nói chuyện với con. Kiên quyết nhưng nhẹ nhàng, dành thời gian trò chuyện với con, chắc chắn chị sẽ tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

 ThS tâm lý Lê Minh Uyên

Hải Lê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI