"Bà đỡ" của người cai nghiện

08/08/2016 - 05:48

PNO - Một tối tháng 10/2015, tại trụ sở UBND P.13, Q.Bình Thạnh, bà Lý Thị Đức ngồi làm việc một mình, khi mọi người đã về hết. Bao năm qua bà vẫn vậy, tận tụy và thầm lặng với công việc.

Dù đã 68 tuổi, nghỉ hưu từ lâu nhưng bà vẫn đều đặn vào trụ sở UBND phường mỗi ngày, bởi ở đó còn rất nhiều việc đang chờ bà.

Năm 1975, bà Đức được chọn làm việc trong ban chấp hành phụ nữ (PN) khóm 3, P.13, Q.Bình Thạnh vì thể hiện tinh thần yêu thích hoạt động xã hội. Sau đó, bà được đề bạt làm phó chủ tịch và đến năm 1987 trở thành chủ tịch Hội LHPN P.13. Bà được đồng nghiệp quý mến bởi tính cách khiêm tốn, nói ít làm nhiều và không thích kể công với ai. Trong những năm lãnh đạo Hội LHPN phường, đơn vị của bà thường xếp hạng thi đua hàng đầu của quận, nhưng khi được yêu cầu chia sẻ, bà bảo “đó là nhiệm vụ cấp trên giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng là bình thường, chẳng có gì phải ầm ĩ”.

Bà Lý Thị Đức

Chuyện bà muốn kể cũng là chuyện bà đang trăn trở, đó là việc giúp người sau cai nghiện. Hiện nay, dù đã tuổi cao nhưng bà mạnh dạn lãnh nhiệm vụ Đội trưởng quản lý người sau cai P.13. Bà bảo: “Người sau cai vẫn còn mặc cảm, để xóa được mặc cảm cho họ, những người như chúng tôi phải thường xuyên đến nhà họ, gần gũi như người thân để nâng đỡ, động viên”. Theo bà Đức, cái khó lớn nhất của người sau cai là kiếm việc làm. Không có trình độ, nhân thân bất lợi, họ không dễ tìm được việc làm ổn định. Bà là người chủ động đi tìm nguồn việc cho người sau cai, gặp ai bà cũng hỏi “ở chỗ anh/chị có việc gì cho người của tôi làm không?”. “Người của tôi” tức người sau cai - người mà bà xem họ như anh em trong nhà để hỗ trợ tối đa.

Với những gia đình sau cai cần làm đơn, đề xuất hỗ trợ nhưng ngại, bà tình nguyện viết đơn giúp rồi tự tay cầm đến các cơ quan chức năng để xin. Đa số các con của người sau cai đều được bà đưa vào diện xin giảm học phí. “Họ khổ như thế, mình đến gặp hiệu trưởng từng trường, trò chuyện một hồi là hiệu trưởng giảm học phí thôi”- Bà khoe.

Kể về họ, bà đau đáu câu chuyện hiện tại. Bà đang đỡ đầu cho một nữ sinh lớp 10, là con của người sau cai. “Khi người cha thất nghiệp, cái đáng lo nhất lại dồn vào đứa con. Cháu có nguy cơ bỏ học rất cao”- bà lý giải. Hiện bà đang chu cấp và vận động thêm học phí, sách vở, quần áo để nữ sinh này vững bước đến trường.

Bà Lý Thị Đức (giữa) trao quà cho người nghèo

Từ trước đến nay, nhiều người trong phường biết đến bà Đức như một người năng nổ trong vận động các chương trình vì người nghèo. Ngoài những đầu việc được cấp trên giao, tính đến nay, cá nhân bà đã chủ động vận động quỹ để xây thêm bảy căn nhà tình thương, chống dột cho bốn căn nhà. Dù đã về hưu và thu nhập rất thấp, bà vẫn đang đều đặn ủng hộ cho bệnh nhân ung bướu hai triệu đồng/tháng.

Cuối buổi trò chuyện, tôi tò mò: “Cô đi làm về trễ thế này, rồi cơm nước thế nào?’. Bàcười hiền: “Ông xã cô nấu chứ ai. Mấy chục năm làm công tác Hội, về trễ hoài, nhưng ông xã dễ thương lắm, biết vợ về trễ là sẽ tự nấu cơm, chờ vợ. Cũng nhờ vậy mà cô bám công tác Hội từ năm 1975 đến tận bây giờ”.

 

Bà Lý Thị Đức (sinh năm 1947)

- Tổ trưởng tổ PN, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN” của Trung ương Hội năm 1999.

- Bằng khen của UBND TP.HCM về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng (2006 - 2012)

- Đạt danh hiệu “PN xuất sắc” 5 năm liền (2006 - 2009) trong phong trào “Thi đua yêu nước” của Hội LHPN TP.HCM.

- Đạt danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi” 5 năm liền trong phong trào thi đua PN tích cực học tập sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc cấp quận.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI