Dương vật thể “vùi”

16/06/2013 - 08:00

PNO - PNCN - Con trai đầu lòng của chúng tôi bụ bẫm, khỏe mạnh, chiều cao cân nặng bình thường. Khi đưa cháu đi nhà trẻ, cô báo với gia đình là: cháu có cấu trúc cơ quan sinh dục không giống với các bạn, đề nghị gia đình đưa cháu đi...

Nguyễn Vân B.
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Duong vat the “vui”

Ảnh mang tính minh họa. Internet 

Trước hết phải nói ngay, các cô bảo mẫu của cháu thật tận tâm và kỹ lưỡng. Bằng kinh nghiệm nuôi dạy các bé trai cùng độ tuổi, các cô đã phát hiện được hình dáng “con chim” của cháu hơi “lạ”. Ở trẻ nhỏ, nếu độ dài từ xương mu đến đầu dương vật (DV) chưa đến 2cm thì gọi là ngắn (ở người lớn là dưới 4-6cm). Có hai loại:

1/ Kích thước DV bị ngắn: thường là do nội tiết. Nguyên nhân: Não không tiết ra hormone LH để kích thích tinh hoàn tiết ra nội tiết tố nam; tinh hoàn bị suy không tiết ra nội tiết tố nam; DV không đáp ứng với tác động của nội tiết tố nam (hội chứng kháng Androgen).

2/ Vùi (lún) DV: DV của bé trai thực ra không bị ngắn mà bị da bìu tràn lên DV, hoặc bao quy đầu có vòng xơ dài gây bít hẹp, nhốt “chim” của bé vào trong (do bẩm sinh hoặc do cắt da quy đầu không đúng), hay DV thụt hẳn vào bên trong cơ thể. Đây là dị dạng bẩm sinh của bộ phận sinh dục ngoài, thường gặp ở người châu Á, được mô tả lần đầu tiên cách đây một thế kỷ do Keyes ghi nhận năm 1919. Mặc dù dị tật này có thể phát hiện ngay sau sinh do hình dạng đặc trưng của “chú chim nhỏ”, nhưng lại hay gây lầm lẫn trong chẩn đoán, dẫn đến việc chạy chữa sai lầm. Nếu không được điều trị, sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu về tiết niệu như: nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm quy đầu xơ và tắc, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến khả năng giao hợp và sinh con.

Anh chị cần đưa con đi khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa, vì các trường hợp này dễ bị chẩn đoán nhầm với chít hẹp bao quy đầu, nhất là khi bị vùi thể nhẹ (nếu chẳng may cắt da quy đầu, sau này việc tạo hình DV cho cháu sẽ rất phức tạp, thậm chí không thể thực hiện được).

Cách xác định không khó lắm: sờ bóp nhẹ, nếu bị vùi thì tay ta không chạm được hoặc chạm rất ít thân DV, chỉ sờ được da quy đầu, da bìu có xu hướng chạy lên trên DV. Trong dị tật này, thân DV và quy đầu bị vùi trong lớp da quy đầu liên tục với bìu hoặc thành bụng, nên không nhô lên khỏi lớp da trước xương mu và gây khó khăn cho việc tiểu tiện. Vì vậy, nhìn bên ngoài không thấy thân DV, giống như cậu bé “không có chim” vậy. Khi dùng ngón tay ấn vào gốc DV để kéo da DV và bao quy đầu về phía xương mu mới thấy được thân DV, nhưng khi buông tay ra thì “nó” lại bị thụt vào, biến mất trong ngấn da. Có thể anh chị sẽ nghe người ta “đồn” rằng, đa số các trẻ bị vùi DV sau này sẽ trở thành “gay” do rối loạn nội tiết tố. Xin khẳng định: đây là một bất thường về giải phẫu học, không phải do rối loạn nội tiết tố, hiện tại chưa có một công trình nghiên cứu nào ghi nhận rằng các cháu bị vùi DV sẽ thuộc về “giới tính thứ ba” sau này.

Với những trường hợp vùi giả do béo phì, bị ngấn mỡ bụng che phủ thì không cần phẫu thuật, anh chị chỉ cần cho trẻ vận động, tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn để bé giảm cân (thường thì ở người lớn, khi dư cân 10kg, mỡ bụng sẽ che lấp khiến “nó” trông cứ như bị ngắn đi 1cm!). Tuổi thích hợp để mổ cho cháu là hai-ba tuổi, vì mổ ở lứa tuổi này ít gây xáo trộn về mặt tâm lý. Thêm vào đó, sau khi được phẫu thuật, DV ít bị phù nề hơn, việc kéo dài DV cũng dễ dàng hơn và thời gian phẫu thuật sẽ ngắn hơn so với lứa tuổi bé cắp sách đến trường.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI