Tiếng nấc nghẹn và điều còn mãi

27/03/2018 - 14:33

PNO - Lúc công bố quyết định tôn vinh Danh nhân văn hóa Việt Nam, khi đọc đến tên học giả Phạm Quỳnh, thì nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn bật khóc.

Mái đầu bạc của ông rung lên không ngừng. Hội trường lặng đi hồi lâu, rồi tràng vỗ tay kéo dài không ngớt.

Đó là tiếng khóc không phải của riêng ông và có thể hiểu từ tiếng nấc nghẹn ngào lắm lẽ như chính cuộc đời, số phận học giả Phạm Quỳnh trong cơn ba đào của lịch sử, một lịch sử đau thương, ngổn ngang khóc cười đi suốt bao thế hệ, nhưng chắc chắn sẽ có một điều không thể chối cãi mà ai cũng biết: văn hóa là cái còn lại sau những gì đã mất.

Tieng nac nghen va dieu con mai

Người dân kính cẩn viếng tượng cụ Phạm Quỳnh vừa được đúc dựng tại Huế. Ảnh: Phạm Thanh Tùng

Dòng chảy tôn vinh giá trị bất biến của văn hóa, một lần nữa được xướng lên tại lễ trao giải lần thứ 11 của Quỹ Phan Châu Trinh cho các cá nhân đã có nhiều đóng góp cho văn hóa, giáo dục của Việt Nam, gồm các nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội: Phạm Quỳnh, Lữ Phương, Dương Thụ, Nguyễn Tùng, Phan Cẩm Thượng, nhóm Nhất nghệ tinh,  Daniel Hémery và Pierre Brocheux (Pháp).

Dương Thụ nói rằng, ở “Cà phê thứ Bảy” của ông, người trẻ, đang dần dần hình thành giới tinh hoa. Họ có học vấn cao, độc lập trong suy nghĩ, bớt sáo rỗng, ảo tưởng, khẩu vị văn hóa đáng nể, không giấu giếm giá trị cá nhân. Một xã hội công dân đang manh nha ở họ, một xã hội mà những người ưu tú tìm đến nhau, không trông chờ, dựa dẫm ai, không cúi đầu khiếp nhược trước ngang trái, bạo quyền và như thế, đó là một xã hội đang tiến bước.

Hành trình của họ để lên bục giải thưởng danh giá này, là cuộc đua không mệt mỏi để đi tìm, khai quật, phục dựng, xiển dương các giá trị văn hóa đã chìm lấp và đặt văn hóa lên vị trí cao hơn giữa bao ố tạp của đời sống, bao lớp băng của lãng quên và ngộ nhận; họ nhìn nhận những điều hết sức gần gũi và bức thiết cho mưu sinh của lớp trẻ, từ công cụ học hành đến nhận thức con đường lập nghiệp… Từ đó họ đặt mình giữa lặng im đi tìm. 

Một Phan Cẩm Thượng về sống ở chùa làng, để những người trong làng thấy ông là “chào thầy”, nhìn ông như một ông sư suốt ngày không ngừng đo dựng cái cày cái bừa, cây cột; ghi lại cảm thức của người lao động ở tầng thấp nhất của xã hội, để nhìn ra, đơn cử một chi tiết giật mình, rằng cái nồi đất của người Việt là thoát thai từ bụng chửa của người đàn bà Việt, nên thợ gốm nặn nồi kích thước không bao giờ lớn hơn cái bụng chửa đó.

Một Nguyễn Tùng, sinh ra ở Quảng Nam, sống và làm việc ở Paris, nhưng 30 năm không ngừng đau đáu với văn hóa, với châu thổ lúa nước đã khởi sinh dáng hình đất Việt, mà ông lao vào một công việc hết sức khó khăn là dịch những trước tác tinh hoa trên nhiều lĩnh vực để đưa về Việt Nam, với quan niệm, nếu hàng trăm cuốn sách tinh hoa của nước ngoài chưa được phổ cập, thì lúc đó Việt Nam vẫn chưa có được một đại học đúng nghĩa.

Tieng nac nghen va dieu con mai
Phạm Quỳnh

Lữ Phương, 10 năm “diện bích”, đọc lại toàn bộ trước tác của Mác, để đánh động những ngộ nhận về triết gia này, ngõ hầu mong ai đó hiểu đúng về Mác.

Dương Thụ không chỉ có những bản tình ca say đắm, từ 9 năm qua, ông đã tổ chức hơn 800 buổi “cà phê buổi sáng”, để  tất cả các trí thức không phân biệt vùng, miền, lứa tuổi ngồi với nhau, chỉ với một tinh thần  được nói và được học, được chia sẻ.

Hai học giả người Pháp là Hémery và Pierre Brocheux, được đánh giá là những người có thẩm quyền viết về xứ Đông Dương, đã viết nhiều tác phẩm về Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long với một tinh thần khoa học, những phát kiến mới mẻ, nhân văn.

Nhóm Nhất nghệ tinh là những sinh viên Việt Nam tu nghiệp,  làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức trước năm 1975, nhiều năm qua đã lặng lẽ dịch hàng trăm tài liệu thực hành cho học sinh - sinh viên, chuyển ngữ từ tiếng Đức sang tiếng Việt, để học sinh lẫn phụ huynh trong nước nhận thức được, rằng giỏi nghề là con đường tốt nhất để lập thân chứ không phải học vị học hàm.

Và cuối cùng, học giả Phạm Quỳnh, cái tên đủ khiến bao thế hệ cúi đầu, khi câu chuyện kiên quyết chống lại nô dịch văn hóa, khước từ sự áp đặt của ngôn ngữ Hán và Pháp, nỗ lực đêm ngày để chữ Quốc ngữ trở thành công cụ phổ biến và kiêu hãnh của người Việt trong buổi giao thời nơi ông, đã khiến ông, một người uyên bác, thanh bần, một đời thiết tha với văn hóa Việt, có công xác lập chỗ đứng, bằng mọi cách hoàn thiện, tiếp thu, phát triển chữ  Quốc ngữ, lâm cảnh nổi chìm.

***

Họ, người đã khuất, kẻ ở phương trời xa, lẫn những người đang hít thở không khí văn hóa Việt hiện giờ ở xứ sở này, dẫu công việc, nghề nghiệp khác nhau, nhưng cùng một điểm đến: làm sao để văn hóa Việt, một nền văn hóa kiêu hãnh, không mất đi, mà phải được nhìn lại kỹ càng, được đo đếm cụ thể, để rồi từ đó sửa soạn lại tư thế, biết  cần gì và không cần gì ở mình và người; và trên hết  là biết phản tỉnh trước những cơn sóng ma mị ẩn chứa nọc độc dưới lớp áo mỹ miều, nó có thể đến từ ngoài, nhưng cũng có thể mọc rễ đội mầm trong chính mình mà mình không hay biết. 

Họ, những học giả, dịch giả, hoạt động xã hội, lặng lẽ đi tìm những gì đã mất, lặng lẽ đúc những viên gạch, miệt mài cùng bao người hữu danh và vô danh, chỉ đau đáu cho sự sống của văn hóa, nòi giống Việt. Sự tôn vinh một lần nữa gióng lên hồi chuông đánh thức những ngộ nhận, lãng quên, coi thường sứ mệnh văn hóa, vốn là tấm khiên chắn giữ gìn sự hưng vong của quốc gia dân tộc. Bởi, văn hóa xuống cấp, không một ai trong chúng ta vô can. 

Từ cái buổi giao thời của những năm 30 thế kỷ trước, cụ Phạm Quỳnh đã định cho mình một phép hành xử trên con đường hành hiệp văn hóa là “Thổ nạp Á - Âu”. Khẩu hiệu, tôn chỉ đó, đâu chỉ cho mình cụ. Văn hóa là đời sống và nếu đem soi chiếu lại hiện trạng văn hóa bây giờ, khi không ngớt vang lên từ những diễn đàn cao nhất đến tiếng thở dài kín đáo ở đâu đó trong góc phố, nẻo làng, rằng văn hóa xuống cấp quá rồi, thì rõ ràng, nỗi đau đáu của bao lớp người miệt mài cho văn hóa xứ sở, dẫu đã đi qua một thế kỷ, vẫn còn nguyên đó.

Chưa bao giờ như bây giờ, xã hội lại đảo điên với những cơn lên đồng tập thể, vô thức tập thể, những fan cuồng và nói như nhạc sĩ Dương Thụ trong nỗi bất an, rằng kết nối đám đông bây giờ là quá khủng khiếp, bởi nó tạo ra  báo chí lá cải, những trang mạng bẩn và tục tĩu, tạo ra cái gọi là “nhạc thị trường” và giới “showbiz Việt” với những “ông hoàng”, những “divo diva tự phong”, những “thần tượng” âm nhạc cùng các “fan cuồng” mang sức mạnh hủy hoại.

Con người bây giờ, sống với thế giới mạng là chính. Mạng ảo, là do con người đặt tên cho nó, chứ bản thân người là thật. Đem vào trong đó những cú “like” không cần biết, những lần nhấp chuột ném đá, những bình phẩm vô tội vạ lạnh lùng, vô cảm, vô trách nhiệm từ phòng lạnh đến đường phố để rồi bao gia đình tan nát, bao người không kịp nói lời thanh minh; những cơn địa chấn vô hồn mà độc ác, khiến xã hội rối tung lên.

Đám đông thiếu nền, thiếu phông văn hóa, không cần biết mình là ai, người ta là ai, tham lam, hãnh tiến, ích kỷ, tàn độc, tất cả núp dưới cái bóng tự do cá nhân, nhưng nhận chân tự do là gì thì không cần biết và không biết. Cả những người không sống ảo với mạng xã hội, nhưng đầu óc họ đóng băng bởi giáo điều và lòng tham. Tất cả, lỗi  tại họ, nhưng cũng là lỗi của một nền giáo dục xơ cứng, khủng hoảng triết lý giáo dục. Chỉ khi một nền giáo dục xuất phát từ thế kiềng ba chân là tự do, khai phóng và nhân văn, thì từ đó mới hình thành một lớp người mang trong mình vốn liếng văn hóa đúng nghĩa của từ này, để từ đó, chính họ dựng nên gương mặt văn hóa của thời mình. 

***
Và từ những tiếng nói âm thầm của họ, cả tiếng vỗ tay không ngớt của người dự lễ tôn vinh họ, tạo dựng nơi chính họ và chúng ta, một niềm tin rằng, khi những giá trị sống đặt trước sinh-tử, người Việt sẽ mau tỉnh thức. Dương Thụ nói rằng, “Cà phê thứ Bảy” của ông, ở đó những vấn đề nóng bỏng của xã hội, văn hóa, con người được mổ xẻ, cho ông một góc nhìn hẹp về họ, nhất là những bạn trẻ. Ông nhìn thấy ở đó, người trẻ, đang dần dần hình thành giới tinh hoa. Họ có học vấn cao, độc lập trong suy nghĩ, bớt sáo rỗng, ảo tưởng, khẩu vị văn hóa đáng nể, không giấu giếm giá trị cá nhân. Một xã hội công dân đang manh nha ở họ, một xã hội mà những người ưu tú tìm đến nhau, không trông chờ, dựa dẫm ai, không cúi đầu khiếp nhược trước ngang trái, bạo quyền và như thế, đó là một xã hội đang tiến bước. 

“Một lần nữa, viên Thượng thư Bộ Lại (tức Phạm Quỳnh) lại cực lực công kích việc trưng dụng thóc gạo cho Nhật Bản... Tôi đã lưu ý Hoàng đế Bảo Đại rằng, viên Thượng thư Bộ Lại của Ngài đã lơ là các chức vụ của mình để nằng nặc đòi hỏi mở rộng các quyền của Viện Cơ mật… Ông đòi hỏi chúng ta, trong thời hạn ngắn nhất, thực thi lời hứa thể hiện sự phát triển lũy tiến theo một tiến trình rõ rệt và chúng ta phải cam kết trả lại cho triều đình những biểu tượng của quyền uy tối thượng quốc gia bao trùm cả Bắc kỳ và Nam kỳ. 

Phạm Quỳnh đe dọa khuyến khích các phong trào phản loạn, nếu trong những tháng tới chúng ta không cam kết thương thảo với Hoàng đế Bảo Đại một quy chế chính trị mới, thay thế chế độ “bảo hộ” bằng một thể chế “thịnh vượng chung” trong đó những chức vụ chính được giao cho người bản xứ. 

Nói cách khác, Phạm Quỳnh đòi chúng ta ban bố chế độ tự trị cho Trung kỳ, Bắc kỳ, bãi bỏ chế độ thuộc địa ở Nam kỳ và tạo dựng một quốc gia Việt Nam. 

Tôi xin lưu ý Ngài về điểm với bề ngoài lịch sự và chừng mực, ông này là một người quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập và chúng ta không nên hy vọng làm dịu tinh thần ái quốc của ông ta, một tinh thần chân thành và không thể lay chuyển, bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một chức vụ danh dự được hưởng nhiều bổng lộc. Cho đến nay, ông là một đối thủ hòa hoãn nhưng quyết liệt của nền thống trị Pháp…’’.

(Báo cáo về Phạm Quỳnh của viên Khâm sứ Trung kỳ Haelewyn ngày 18/2/1945 gửi Toàn quyền Đông Dương Decoux và Trung tướng Mordant, Tổng đại diện và là chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương)Tin n

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI