Sẽ có khu dành riêng cho hoạt động "nhạy cảm"

11/03/2016 - 07:54

PNO - Thời gian tới, một số địa phương sẽ thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của lao động trong các cơ sở kinh doanh "nhạy cảm".

Thí điểm quản lý lao động khu "nhạy cảm"

Ngày 7/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, để phòng chống tệ nạn mại dâm, thời gian tới một số địa phương sẽ được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Hoạt động thí điểm này sẽ rà soát, đánh giá điều kiện làm việc, đảm bảo quyền của người lao động trong các sơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Se co khu danh rieng cho hoat dong 
Ảnh minh họa

Theo chương trình vừa được phê duyệt, ngoài mô hình thí điểm quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, chương trình cũng sẽ xây dựng thí điểm thêm hai mô hình về quản lý hoạt động mại dâm.

Qua báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy rõ, đến nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng (3.673 người), Đông Bắc (913 người), Bắc Trung bộ (887 người), Đông Nam Bộ (3.200 người), Đồng bằng sông Cửu Long (1.374 người), các khu vực khác là 1.189 người.

Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.

Hãy học kinh nghiệm Thái Lan

Từng đưa ra đề xuất liên quan đến vấn đề này, sáng 23/10/2015, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cũng nêu ý kiến cần quy hoạch khu vực dịch vụ nhạy cảm ở một số tỉnh thành như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...

Theo nội dung đề xuất, ông Quý cho rằng cần gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội thành một khu riêng để dễ quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và nhiều vấn đề khác. Qua mô hình này, các tổ chức xã hội có thể cảm hóa người bán dâm, kéo họ về với cuộc sống bình thường thông qua trợ giúp tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm.

Trao đổi với Đất Việt, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thừa nhận, hoạt động kinh doanh nhạy cảm, mại dâm hiện ở đâu cũng có và xu hướng ngày càng tăng.

"Nếu để hạn chế các tệ nạn xã hội, bảo vệ phụ nữ rồi bảo vệ thuần phong mỹ tục, thì chúng ta phải tìm phương thức, phương tiện để thực hiện mục đích đó đạt kết quả tốt nhất. Với dịch vụ "nhạy cảm", nhiều nước đã dùng đến biện pháp gom lại và quản lý", ông Nghĩa cho hay.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn nhận định rằng, hiện nay ở nước ta vấn đề quản lý mại dâm còn quá nhiều bất cập, hoặc vướng ở việc hình thức xử lý không đủ sức răn đe hoặc xảy ra tình trạng kiểu như Đồ Sơn tuyên bố không có mại dâm. Vì thế cần phải nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

"Ở Thái Lan, họ không công nhận mại dâm là một nghề, nhưng ở những khu vực tệ nạn nhức nhối, không quản lý được các cơ quan nhà nước đã cấp phép tạm thời cho hoạt động. Và thực tế thì đến nay giải pháp này vẫn đạt hiệu quả” - ông Nghĩa khẳng định.

 “Việt Nam phải học tập kinh nghiệm của các nước đi trước như Thái Lan, Hà Lan và áp dụng các hình thức nhất định chứ không thể duy trình tình trạng không muốn công nhận nhưng lại lan tràn khắp nơi và không ngăn chặn được.

Mai Hoa (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI