Khi trẻ không kiểm soát được cơn giận

23/04/2018 - 10:15

PNO - Nếu một đứa trẻ dễ tức giận dẫn đến hung hăng mà không được hỗ trợ thay đổi, điều hòa cảm xúc trước 8 tuổi thì đứa trẻ ấy rất có khả năng trở thành một người trưởng thành bạo lực sau này.

Đó là nhận định của giáo sư James Garbarino (Đại học Cornell) dựa trên quá trình nghiên cứu.

Cơn giận của trẻ nếu không được nhìn nhận đúng mức, không có sự hỗ trợ kịp thời của người lớn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Một bé trai 7 tuổi đánh chết em gái cùng cha khác mẹ chỉ mới 7 tháng tuổi. Sự việc xảy ra ở thành phố Tampa, bang Florida - Mỹ. Hay một câu chuyện gây rúng động không kém về bé gái 9 tuổi sống ở Brooklyn, New York đâm chết người bạn 11 tuổi vì xích mích trong một trận đấu bóng.

Khi tre khong kiem soat duoc con gian
Ảnh minh họa

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện bạo lực xuất phát từ cơn giận của trẻ mà tiến sĩ tâm lý Edward Christophersen tại Bệnh viện nhi Mercy, bang Missouri chứng kiến trong những năm gần đây. Những cơn giận gây hại nếu không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn đến những mối họa khôn lường. 

Tiến sĩ Edward Christophersen đề cập hai yếu tố có thể ảnh hưởng đến cơn giận ở trẻ. Thứ nhất là nội dung trên các phương tiện truyền thông. Có đến 40% cảnh bạo lực trên các phương tiện truyền thông đến từ người hùng tốt bụng. Từ đó, vô tình khiến trẻ hiểu lầm rằng, cơn giận đi cùng sức mạnh và giải quyết mọi chuyện cùng cơn giận sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Và trẻ càng tiếp xúc nhiều với hình ảnh bạo lực, sẽ càng dễ có khuynh hướng chọn đó là cách ứng xử tốt nhất cho mình. Điều này đã được thực chứng qua nhiều nghiên cứu. Yếu tố thứ hai chính là sự ảnh hưởng từ cha mẹ. Trẻ học cách điều hòa cơn giận bằng cách quan sát cách cha mẹ phản ứng, xoay xở với cơn giận của chính mình.

Nếu cha mẹ biết chọn cách lành mạnh để đối diện với cơn giận, trẻ sẽ ngầm nhận lấy thông điệp tích cực từ hình mẫu ấy. Ngược lại, những cơn cuồng nộ, phản kháng tiêu cực sẽ khiến trẻ hiểu những rắc rối, mâu thuẫn chắc chắn sẽ dẫn đến cơn giận. 

Tiến sĩ Edward Christophersen phân ra những độ tuổi ở trẻ và những cách mà phụ huynh có thể hỗ trợ con quản lý cơn giận.

Khi tre khong kiem soat duoc con gian
Ảnh minh họa

Trẻ 3-5 tuổi: hướng dẫn trẻ thổi bong bóng và tưởng tượng trút cơn giận vào đó. Phụ huynh có thể cùng trẻ tập hít thở sâu, xoa dịu cảm xúc mạnh trong con. Phụ huynh có thể hướng dẫn con thổi bong bóng trong tâm trí và xem đây là một trò chơi mỗi khi con tức giận điều gì đó. 

Trẻ 6-8 tuổi: phụ huynh cũng hướng dẫn trẻ hít thở sâu và tự nói với bản thân “mình có thể giải quyết được”, “hãy thật thoải mái”. Sau đó, phụ huynh bày cho con chơi trò nói ra câu quyết đoán để đưa ra yêu cầu hợp lý nhằm thay đổi điều khiến con không vui thay vì dùng cơn giận, lời nói nặng nề giải quyết vấn đề.

Trẻ 9-12 tuổi: khuyến khích trẻ suy nghĩ trước khi hành động đáp trả cảm xúc giận dữ. Phụ huynh hướng con đến suy nghĩ phải làm thế nào để giải quyết vấn đề. Bằng những câu hỏi mở, phụ huynh sẽ gợi cho con những lựa chọn giải quyết, cùng con tìm ra cách phù hợp nhất. Dạy cho con biết cách giải quyết phù hợp phải là cách không gây hấn, có đủ sự tôn trọng bản thân và người đối diện. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI