Mẹ lười con sẽ giỏi, bạn tin không?

03/07/2017 - 14:17

PNO - Khi con trở nên ỷ lại, dựa dẫm, thậm chí là vô tâm trước những nhọc nhằn của mẹ, liệu mẹ có vui trước một “sản phẩm lỗi” do chính sự hy sinh không cần thiết của mình tạo ra?

Mẹ quen đảm đương mọi chuyện, không để con cái đụng tay đụng chân việc gì. Nhưng khoa học lại chứng minh hẳn hoi: đó là sự hy sinh vô ích, bà mẹ chăm chỉ sẽ khiến những đứa trẻ ỷ lại, lười biếng.

Me luoi con se gioi, ban tin khong?
 

 Vì mẹ “siêu siêu lười”

Đến nhà cô bạn thân, tôi được một cậu bé 10 tuổi có gương mặt phúng phính ra đón. Vừa nhanh nhảu rót nước mời khách, cậu quay sang tắt nồi canh sôi sùng sục, rồi cho những mầm cải xinh xinh vào nồi nước dùng đang nóng.

Trong lúc tám chuyện với mẹ cậu, tôi thấy cậu đã kịp kho xong một nồi thịt thơm lừng mùi tiêu. Và cùng với thời gian chờ thịt chín, cậu cũng đã gom hết quần áo dơ của cả nhà cho vào máy giặt. Mồ hôi mẹ mồ hôi con tuôn ròng ròng trên gương mặt dễ cưng ấy.

Tôi cứ lặng lẽ quan sát cậu, đến lúc ngồi vào bàn dùng cơm trưa, gắp miếng thịt vuông vuông bằng ngón tay cho vào miệng, tôi mới buông được một câu cảm thán: “Con là một cậu bé siêu siêu giỏi. Mẹ có bí quyết gì mà dạy con hay vậy?”. Cô bạn tôi chỉ đủng đỉnh trả lời: “Bí quyết là... mẹ siêu siêu lười”.

Me luoi con se gioi, ban tin khong?
 

Bạn kể, khi cậu con bắt đầu có những kỹ năng phối hợp các động tác tay chân thuần thục và tự tin, là bạn đã trao chức danh... bếp trưởng cho cậu. Lần đó, bạn quyết định “lười” nấu nướng, chờ đến giờ cơm mà vẫn chưa thấy mẹ có động thái gì, cậu con giục:

- Mẹ ơi, con đói bụng rồi!

- Thế à? Nhưng hôm nay mẹ mệt không nhấc nổi tay chân, con có thể tự lo cái ăn cho mình không?

- Làm sao được mẹ, con có biết nấu ăn đâu!

- Ngày xưa cũng như con, mẹ có biết nấu ăn là gì đâu. Không ai tự dưng mà biết làm mọi thứ. Phải học con ạ!

- Vậy bây giờ con sẽ bắt đầu học à mẹ?

- Tất nhiên, nếu con muốn giải quyết cơn đói của mình. 

Và bài học nấu ăn vỡ lòng hôm ấy có tên là “trứng chiên”. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cu cậu bắt đầu thấy công việc này thú vị.

Sau bài học nấu ăn là đến bài học giặt giũ. Khi cu cậu cần một chiếc áo sạch để mặc đến lớp vào hôm sau, thì mẹ cậu bỗng dưng... lên cơn “lười” bất chợt.

- Mẹ ơi mẹ đã giặt cái áo đồng phục cho con chưa?

- Chưa đâu con, mẹ nghĩ từ nay áo của ai thì người đó nên tự tay giặt, vì chỉ có người mặc mới hiểu hết đặc tính của áo. Con có thể giặt cái áo của con không?

Dĩ nhiên là cậu không còn cách nào khác là... đồng ý. Bởi có nói “không” thì mẹ cũng sẽ kiên quyết: “Phải tự tay vò chỗ bẩn, con mới biết người giặt đã dụng công thế nào để có được chiếc áo mới tinh, từ đó con sẽ có ý thức giữ gìn quần áo và không để nó lấm lem nữa”.

Bài học giặt giũ mang đến cho cậu sự chủ động trong việc lựa chọn trang phục, và ý thức giữ gìn áo quần sạch sẽ. Chưa hết đâu, cậu còn phân biệt được đặc tính của từng loại vải, loại nào thích hợp với chế độ giặt nào...

Người mẹ “lười” đã giúp cậu dung nạp tất cả những kiến thức đó, từ những công việc nhà vốn dĩ rất nhàm chán và đơn điệu. Nhờ có bà mẹ thường xuyên... “lười” như vậy, nên dần dần cậu bé 10 tuổi đã biết tự phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt của mình, từ cơm nước, giặt giũ, rửa chén, đến lau nhà.

Lười  làm nhưng chăm giám sát

Cô bạn tâm sự với tôi: về lý thuyết, có vẻ như mẹ càng lười thì con sẽ càng tự lập. Nhưng trên thực tế, mẹ chỉ “lười” làm thay phần việc của con, và vẫn phải “siêng” ở bên cạnh giám sát, chỉ dẫn, cung cấp kiến thức thường thức, đồng thời “nghiệm thu khi công trình hoàn thành”.

Me luoi con se gioi, ban tin khong?
 

Tính ra, còn vất vả hơn khi mình tự tay làm mọi việc. Nhưng đổi lại, con sẽ ý thức được việc nhà và trách nhiệm của mình đối với gia đình, học được các kỹ năng để xử lý tình huống, giỏi giang, tháo vát, và trưởng thành hơn.

Đa số các bà mẹ nội trợ đã quen vén khéo việc nhà, đảm đương mọi chuyện từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, và không để con cái phải đụng tay đụng chân dù con đã đến tuổi tự lo liệu những nhu cầu cá nhân.

Có thể là mẹ xót con, cũng có thể là mẹ không tin tưởng vào khả năng tự lập của trẻ, nhưng tôi thì không cho rằng đó là điều đáng được khuyến khích. Bởi một khi mẹ chăm chỉ việc nhà và gánh hết vất vả về mình, mẹ đã vô tình khiến mình trở nên “lười biếng” trong việc dạy con tự lập, có ý thức và trách nhiệm với những nhu cầu của cuộc sống.

Khi con trở nên ỷ lại, dựa dẫm, thậm chí là vô tâm trước những nhọc nhằn của mẹ, liệu mẹ có vui trước một “sản phẩm lỗi” do chính sự hy sinh không cần thiết của mình tạo ra? 

“Buông tay” có trách nhiệm

Một lần đón cậu con trai lớp 3 sau giờ tan học, tôi nghe được mẩu đối thoại của hai mẹ con nọ:

- Sáng nay mẹ có để sẵn chai nước trong cặp, sao con không uống?

- Dạ con không mở được cái nắp chai ạ!

- Ơ thế là con nhịn khát à?

- Dạ. 

Khi tôi kể câu chuyện có thật 100% này, nhiều người không tin một đứa trẻ đang độ tuổi khôn lớn sẵn sàng... nhịn khát thay vì học cách mở nắp chai. Câu chuyện khiến ai nghe qua cũng giật mình.

Và không thể không suy nghĩ: có lẽ mình sẽ phải “lười biếng” để giúp con “siêng năng” học hỏi các kỹ năng tự lập. Các mẹ ạ, đã đến lúc chúng ta cần học cách “buông tay” và “lười biếng” một cách có trách nhiệm, thay vì ôm hết mọi vất vả và tước đi cơ hội để con cái chúng ta độc lập và trưởng thành.

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI