Cú bắt tay giữa thời trang và điện ảnh: 'Bao giờ cho đến tháng Mười?'

27/07/2019 - 07:34

PNO - 'Trả lời mọi người không xuể về trang phục Nga mặc trong phim. Hàng trăm inbox hỏi Nga mỗi ngày về phục trang- diễn viên Quỳnh Nga cho biết. Rõ ràng rằng, phim ảnh là một kênh 'đẩy' thời trang hiệu quả hơn bao giờ hết.

Không chỉ chú trọng đầu tư vào chất lượng nội dung, hình ảnh ngày nay của phim Việt đã được nâng lên một tầm cao mới. Các đơn vị sản xuất sẵn sàng chi một số tiền lớn về phần trang phục sao cho phù hợp với tạo hình của từng nhân vật. Thông qua đó, những phục trang được diễn viên thể hiện cũng bước đầu tạo nên xu hướng trong đời sống.

Cú bắt tay tự phát

Vai diễn Nhã (diễn viên Quỳnh Nga thủ vai) trong Về nhà đi con xuất hiện rất thời trang, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả về gu thẩm mỹ cao. Nữ diễn viên Quỳnh Nga chia sẻ: “Trả lời mọi người không xuể về trang phục Nga mặc trong phim. Hàng trăm inbox hỏi Nga mỗi ngày về phục trang”. Những bộ cánh trên phim từ đầm ngủ, những set đồ đi chơi của cô đều được khán giả săn lùng ráo riết.

Cu bat tay giua thoi trang va dien anh: 'Bao gio cho den thang Muoi?'
Trang phục của Quỳnh Nga và Mỹ Tâm được đánh giá khá cao trong Về nhà đi conChị trợ lý của anh.

Ngay cả bộ phim gây sốt đầu năm Chị trợ lý của anh, một Mỹ Tâm đã xuất hiện sành điệu từ túi xách Gucci đến vòng cổ ngọc trai Channel. Nữ ca sĩ sẵn sàng chi khoản tiền lớn thiết kế riêng 60 bộ cánh từ các NTK Lê Thanh Hòa, Công Trí, Phi Phạm… Và các NTK trên cùng ê-kíp của mình đã phải làm việc liên tục trong vài tháng để hoàn thành đơn đặt hàng. Nhờ đó, những bộ suit, quần jean, áo vest... của "chị trợ lý" Khả Doanh nhanh chóng lan tỏa trong đời sống thực và thành nguồn cảm hứng bất tận cho phong cách phối đồ của giới trẻ, đặc biệt là nữ nhân viên công sở.

Tuy nhiên, trường hợp của Nhã hay Khả Doanh đều là sự đầu tư riêng từ phía bản thân diễn viên và nhà sản xuất cho vai diễn chứ không phải là cú bắt tay có chủ đích giữa nhãn hàng và nhà sản xuất phim nhằm phát triển thị trường thời trang trong nước. Nhìn ra thế giới, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự bắt tay này ở hai nền điện ảnh quen thuộc nhất: Hàn Quốc và Thái Lan. Từ việc hợp tác này, bất kỳ trang phục nào diễn viên diện trong phim cũng nhanh chóng thành trend, mang về doanh số cao cho cả ê-kíp phim và thương hiệu thời trang.

Cu bat tay giua thoi trang va dien anh: 'Bao gio cho den thang Muoi?'
Ninh Dương Lan Ngọc sành điệu trong Gái già lắm chiêu 2.

Cũng có một số bộ phim như Cô ba Sài Gòn, Mẹ chồng hay Gái già lắm chiêu 2... cho thấy sự bắt tay rõ ràng giữa nhà sản xuất và các NTK, tạo được hiệu ứng khá tốt. Trong Gái già lắm chiêu 2, Ninh Dương Lan Ngọc như một người mẫu trên sàn diễn thời trang với hơn 50 bộ trang phục được giám đốc thời trang Lâm Gia Khang thiết kế riêng cho cô sử dụng trong suốt 100 phút của phim.

Điều này góp phần không nhỏ vào thành công chung của tác phẩm. Đổi lại khi phim ra mắt, trên hầu hết các diễn đàn đều có người quan tâm đến trang phục trong phim. Từ hiệu ứng phim, rất nhiều khách hàng đã tìm đến Đỗ Mạnh Cường, Thủy Nguyễn và Lâm Gia Khang để đặt may, mua các mẫu thiết kế này hay mẫu tương tự giúp doanh số của cả 3 NTK tăng lên đáng kể. Đây có thể xem là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhà sản xuất phim có thể tạo hình nhân vật rõ nét nhất còn nhà thiết kế thời trang ra mắt thành công bộ sưu tập của mình.

Cu bat tay giua thoi trang va dien anh: 'Bao gio cho den thang Muoi?'
Bên cạnh kịch bản, Cô Ba Sài Gòn thành công nhờ việc xây dựng tốt tạo hình nhân vật

Ngay khi ra rạp, Cô Ba Sài Gòn cũng nhanh chóng tạo nên làn sóng mặc áo dài lan tỏa. Nếu truy nguyên kết quả của sự thành công này, chúng ta có được câu trả lời của Ngô Thanh Vân rằng cô đã hợp tác cùng NTK Thủy Nguyễn tạo hình 300 bộ trang phục cho 11 diễn viên. Điều đó đồng nghĩa tất cả trang phục trong phim từ những chiếc đầm suông Tây Âu của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) cho đến set đồ đen quyền lực của Helen (Diễm My) và đặc sắc nhất là chiếc áo dài chít eo khoe trọn vòng 2 thon gọn của người phụ nữ thập niên 60 đều được lên mẫu và thiết kế 'đo ni' cho nhân vật 

Nhưng đó chỉ là một vài trường hợp hiếm hoi, lóe sáng lên rồi thôi. Thị trường điện ảnh và thời trang Việt vẫn chưa có sự bắt tay, có chiến lược bài bản để thúc đẩy nhau cùng phát triển. “Các bộ phim Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn về mặt hình ảnh, thời trang trong phim để tạo nên những trào lưu cho khán giả giống như các nước Hàn Quốc, Thái Lan đã thành công trước đó. Rất nhiều phim chỉ mới dừng lại ở việc tìm stylist, sau đó stylist đưa gì mặc nấy hoặc là diễn viên tự chuẩn bị đồ”, Nam Cito - đạo diễn các phim Gái già lắm chiêu 1, 2, Mối tình đầu của tôi chia sẻ.

Quan hệ cộng sinh

Hàn Quốc được xem là hình mẫu lý tưởng trong vấn đề xây dựng phim ảnh đem lại lợi ích kinh tế khổng lồ thúc đẩy ngành thời trang phát triển. Dù trang phục thường ngày hay cao cấp, phụ kiện hay phong cách trang điểm tất cả đều trở nên phổ biến sau vài tập phim. Những tên tuổi như Song Hye Kyo, Park Min Young, Suzy… được các nhãn hàng nổi tiếng “chọn mặt gửi vàng”, đề xuất hợp tác cùng nhà sản xuất phim ngay từ khi dự án khởi động. 

Cu bat tay giua thoi trang va dien anh: 'Bao gio cho den thang Muoi?'
Phong cách thanh lịch, tối giản của Park Min Yoong trong siêu phầm Thư ký Kim sao thế? khiến giới trẻ châu Á mê mệt.

Bên cạnh thưởng thức nội dung, khán giả còn trông chờ vào “buổi trình diễn” thời trang của các diễn viên. Đây cũng chính là lý do vì sao quần áo hay đồ dùng trong phim được người hâm mộ ráo riết tìm mua. “Có một thực tế thời trang Hàn Quốc chịu ảnh hưởng rất lớn từ Kpop. Một số chuyên gia quốc tế hỏi tôi liệu họ có thể hợp tác với các nghệ sĩ Hàn Quốc để quảng bá thời trang hay không?”, ông Jung Ku Ho, Giám đốc điều hành của Tuần lễ thời trang Seoul từng chia sẻ.

Tại Việt Nam, điều này cũng không ngoại lệ. Đạo diễn Nam Cito nhận định: “Khi thực hiện các dự án phim, ê-kíp của tôi đều liên hệ đến các nhà thiết kế cũng như stylist làm việc với các nhãn hàng trong nước để mượn đồ, hợp tác đôi bên cùng trao đổi quyền lợi.

Điển hình như sau bộ phim Gái già lắm chiêu 2, trang phục của NTK Đỗ Mạnh Cường và Lâm Gia Khang tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả hơn, đặc biệt là giới nhân viên văn phòng, những người trước đó không dám tiếp cận 2 NTK này vì nghĩ giá thành cao. Bộ sưu tập của Lâm Gia Khang trong phim có tổ chức fashion show trình diễn, được công chúng ủng hộ và bán hết sạch”.

Cu bat tay giua thoi trang va dien anh: 'Bao gio cho den thang Muoi?'
Cô nàng Khả Doanh (Mỹ Tâm) thời thượng với hơn 60 set đồ được đặt may riêng

Tuy nhiên, cơn sốt ấy chỉ như một đốm lửa nhỏ nhoi mà theo các nhà chuyên môn, điều này đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi bật nhất ở 2 yếu tố: làng giải trí Việt có khá ít tên tuổi nghệ sĩ đủ sức thu hút như các ngôi sao xứ kim chi, phần còn lại vì những nhãn hàng, NKT chưa quá chú trọng cũng như mặn mà trong việc hợp tác do mức thu nhập của người dân còn ở mức thấp.

Chia sẻ về sự hợp giữa 2 'nhà' trong một bộ phim, nhà sản xuất Lý Minh Thắng (phim Mẹ chồng, Vu quy đại náo...) cho biết: “Hiện giờ, phần lớn khán giả coi phim chưa bước được sâu vào tạo hình nhân vật. Khán giả chỉ dừng lại ở mức chung chung thấy đẹp là được, không quan tâm lắm vào ý đồ trang phục, nội dung câu chuyện”. Có lẽ, vì điều này khiến các nhà làm phim không mặn mòi trong việc đầu tư phần phục trang cho nhân vật.

Theo dõi phim Việt trong thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng nhận ra, thời trang góp phần không nhỏ trong việc bộc lộ cá tính nhân vật và ngược lại nhờ sức nóng của phim ảnh, những trang phục diễn viên mặc lên hình giúp bộ sưu tập của các nhà thiết kế, nhãn hàng đến gần hơn với khán giả. Thực tế từ hai nền công nghiệp phim ảnh gần gũi nhất Việt Nam là Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy sự hợp tác giữa thời trang và phim ảnh sẽ giúp ngành thời trang có những bước phát triển đáng kể. Tiếc là, với thị trường còn khá non trẻ như nước ta, cái bắt tay giữa 2 'nhà' vẫn cần nhiều thời gian để tìm ra giải pháp và chiến lược hoàn chỉnh nhất.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI