Bộ GD-ĐT làm gì với hàng chục tỷ đồng 'phí dịch vụ dự tuyển'?

04/05/2019 - 07:09

PNO - Bao giờ giáo dục không hướng đến mục tiêu phát triển quốc gia, không vì lợi ích cộng đồng thì hàng triệu ước mơ tuổi trẻ sẽ còn bị dìm trong những toan tính của lợi ích nhóm, của những mối quan hệ đan xen.


Kỳ thi THPT quốc gia lại đến gần với nhiều lo lắng, băn khoăn của học sinh (HS) và phụ huynh. 

Rất nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chỉ tổ chức kỳ thi này tại địa phương. Sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm với UBND thành phố về việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên có trách nhiệm đánh giá định kỳ HS. Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của HS sau khi tốt nghiệp THPT.

Bo GD-DT lam gi voi hang chuc  ty dong 'phi dich vu du tuyen'?

Nhưng rồi, bất chấp những bất cập của kỳ thi “2 trong 1”, những bất công do gian lận thi cử hoành hành, năm 2019 kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức. Để tránh việc hàng loạt bài thi trắc nghiệm được nâng điểm như năm 2018, ngày 25/4, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại 63 cụm thi trên cả nước. Nhưng có thể thấy đây chỉ là biện pháp “chữa cháy” tạm thời. Xã hội vẫn chưa thể yên tâm về kỳ thi này. Vậy, vì điều gì mà Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục giữ độc quyền ra đề thi, dù kỳ thi “2 trong 1” vừa qua rõ ràng là thất bại? 

Thử tìm hiểu qua những con số. Kể từ năm 2018, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia sẽ không phải đóng phí dịch vụ dự thi. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT, “mức giá dịch vụ dự tuyển trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học năm 2018 có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia tiếp tục giữ ổn định như năm 2017 là 30.000 đồng/nguyện vọng. Các sở GD-ĐT có trách nhiệm thu tiền và được phân bổ như sau: (1) để lại sở GD-ĐT 50% tiền dịch vụ dự tuyển (trong đó sử dụng tại sở GD-ĐT tối đa 30% nguồn thu được để lại, số còn lại điều tiết sử dụng tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển); (2) các cơ sở đào tạo (nơi thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển) 20%; (3) Bộ GD-ĐT 30%.

Trong khi đó, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Nhưng đa số thí sinh đăng ký ít nhất năm nguyện vọng, có trường hợp đăng ký đến 50 nguyện vọng. Để có nhiều ước mơ đến thế thì gia đình thí sinh phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng. Với hơn 688.000 thí sinh đăng ký lấy kết quả để xét tuyển đại học trong số hơn 925.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018 và hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trong số 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019, ước tính số tiền 30% giá dịch vụ dự tuyển để lại cho Bộ GD-ĐT mỗi mùa thi là khoảng 30 tỷ đồng. Trong khi ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức kỳ thi và kinh phí chi trả cho cán bộ, giảng viên được Bộ GD-ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức kỳ thi. 

Bo GD-DT lam gi voi hang chuc  ty dong 'phi dich vu du tuyen'?

Còn nhớ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời trước Quốc hội rằng: “Mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia 2019 là xét tốt nghiệp. Vai trò của Bộ GD-ĐT chỉ thẩm định chất lượng giáo dục theo chương trình phổ thông bằng kỳ thi tốt nghiệp. Việc tuyển sinh là thẩm quyền của các trường đại học, cao đẳng”. Nhưng đến bao giờ, Bộ GD-ĐT mới trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường? Bởi tính chất của hai kỳ thi khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá những học sinh đạt được trình độ trung bình trở lên trong học tập, chứ không phải để sàng lọc tài năng vào đại học. Các trường đại học tuyển sinh theo cách làm riêng của mỗi trường, căn cứ vào mục tiêu đào tạo để đề ra tiêu chuẩn lựa chọn đầu vào của từng trường.

Bao giờ giáo dục không hướng đến mục tiêu phát triển quốc gia, không vì lợi ích cộng đồng thì hàng triệu ước mơ tuổi trẻ sẽ còn bị dìm trong những toan tính của lợi ích nhóm, của những mối quan hệ đan xen. Hãy trả lại các trường quyền tự chủ, bộ đừng giành lấy những thứ không thuộc về mình. 

Lâm Vũ Công Chính (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI