Bao lâu chồng chưa hỏi 'em thích ăn gì'?

13/05/2019 - 11:56

PNO - Tại sao mình phải từ bỏ trong khi có ai yêu cầu mình phải bỏ đâu, tại sao mình phải cố ăn vài món mình không thích.

Một bữa, Thanh được sếp mời ăn tối thân mật với năm đồng nghiệp cùng phòng để hàn huyên. Mọi người chọn nhà hàng cơm Việt Nam. Tới màn “đi chợ”, sếp hỏi “Thanh thích ăn gì?” tự dưng cô cảm động kinh khủng. Chợt nghĩ, lâu rồi chưa có ai hỏi cô thích ăn gì. Chồng và con chả bao giờ hỏi cô câu đó. Chỉ có cô là thường xuyên hỏi chồng con muốn ăn gì.

Bao lau chong chua hoi 'em thich an gi'?

Vì sao cô lại thấy không được quan tâm, rồi một lời hỏi của sếp mà cô lại cảm động đến vậy? Số là cô rất thích gà kho, gà chiên, cá lóc kho tộ, cá lưỡi mèo, canh khổ qua. Nhưng chồng cô chỉ ăn cá biển, loại cá thịt nhiều ít xương, không ăn thịt gà, thỉnh thoảng mới ăn thịt heo, thịt bò. Thanh về nhắc khéo chồng: “Ngày xưa yêu nhau, mỗi bữa đi ăn anh đều hỏi em muốn ăn gì, nhưng từ lúc cưới tới giờ hình như anh chẳng quan tâm”, thì nhận được một câu mắng: “Ơ, em dở hơi chưa kìa. Việc ăn gì em là người quyết định. Chả lẽ anh hỏi em muốn ăn gì xong anh lại nhờ em đi chợ nấu những món em thích à?”. Nghe chồng nói vậy cũng có lý.

Hễ hôm nào cô nấu món thịt, vừa ngồi vào bàn ăn là anh nhớn nhác hỏi “không có cá hả?”. Anh hỏi theo mong muốn vậy thôi, nhưng khổ nỗi hôm đó cô chuẩn bị là những món ăn cô thích, câu hỏi vô tình của chồng làm cô có cảm giác khó chịu. Cô nghĩ làm như món cá của anh mới đáng ăn, còn món tôi thích không phải là đồ ăn vậy. Thanh thấy tủi thân, tổn thương vì nấu cả buổi mà chồng nói như thể không có gì ăn vậy. 

Sau vài lần, Thanh tránh dần các món mình thích mà chồng không thích và bắt đầu tập nấu các món mà chồng đặc biệt thích. Dần dà, cô quên luôn sở thích ăn uống của mình, tập “bẻ” khẩu vị thích ăn ngọt của người miền Nam thành kiểu “chặt to kho mặn” theo lối miền Trung. Trước đây, cô rất thích nấu bún riêu, canh bún thì càng về sau cô nấu bún bò, mì Quảng thường xuyên hơn, bởi đó là món chồng và gia đình chồng hay ăn vào ngày nghỉ. Thấy chồng ăn vui, Thanh cảm thấy rất hài lòng và không hề nghĩ đến những thiệt thòi của mình.

Đến khi con ra đời, nuôi con nhỏ, vợ chồng Thanh phải dần rời xa những món ăn có nhiều gia vị như hành, tỏi, ớt. Thanh cũng chia tay hẳn với món khổ qua dồn thịt yêu thích từ nhỏ. Vậy là danh sách những món ăn yêu thích của Thanh chính thức bị xóa khỏi thực đơn gia đình.

Bao lau chong chua hoi 'em thich an gi'?

Ngay hôm sau, cô lên thực đơn cả tuần, Thanh nhẹ nhàng đưa một - hai món khoái khẩu của mình vào. Một, hai hôm đầu tiên, hai thành viên còn lại của gia đình tỏ thái độ không hào hứng và yêu cầu lần sau không nên nấu món này. Thanh ôn tồn nói đây là món mình thích và mọi người nên tôn trọng cô bằng cách tập ăn nó hoặc gắp vài đũa cho cô vui, còn lại có thể ăn thoải mái các món khác. Có công bằng không khi cô là “bếp trưởng” nhưng lại không được ăn món yêu thích chỉ vì chồng con không thích món đó? Chồng và con trai cũng thấy thật vô tâm khi lâu nay để Thanh phải chịu thiệt thòi, cả hai cùng đồng ý tôn trọng vợ và mẹ, vui vẻ dùng bữa.

Sau lời nhắc của Thanh và nhận được mấy câu mắng của chồng, Thanh chợt nhận ra cách hy sinh thầm lặng của mình hình như hơi sai. Sự thầm lặng từ bỏ các món khoái khẩu khiến chồng con không hề hay biết rằng vợ, mẹ mình chịu thiệt thòi mười mấy năm trời. Sự im lặng của Thanh vô tình biến chồng con thành người vô tâm mà họ không biết. Mà... tại sao mình phải từ bỏ trong khi có ai yêu cầu mình phải bỏ đâu, tại sao mình phải cố ăn vài món mình không thích mà mình lại không yêu cầu chồng con cũng phải thử ăn những món mà họ không thích nhưng mình rất khoái, vậy mới công bằng.

Bao lau chong chua hoi 'em thich an gi'?
 

Thanh như được cởi bỏ cảm giác thiệt thòi lâu nay phải chịu. Mỗi bữa cơm với cô như vui hơn khi được chồng con chia sẻ sở thích. Cô cũng cảm thấy mình được quan tâm hơn. 

Cho nên mới nói, đôi khi phụ nữ hay có tâm lý chịu đựng, hy sinh sở thích của mình vì người thân mà người thân không đòi hỏi điều đó. Phụ nữ hãy cứ sống vui, làm những điều mình thích và thể hiện những điều mình muốn, đừng nên gò mình, chỉ cần vậy là cuộc sống gia đình sẽ trở nên thoải mái và dễ chịu. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI