Những người làm nghề "nuôi nỗi buồn"

03/12/2016 - 06:30

PNO - Mỗi ngày, Bệnh viện Thống Nhất có gần 20 chị nuôi bệnh chuyên nghiệp tập trung tại đây như một “chợ người” để tìm khách mới, đa số có tuổi đời từ 45-55.

Mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP.HCM) có gần 20 chị nuôi bệnh chuyên nghiệp tập trung tại đây như một “chợ người” để tìm khách mới, đa số có tuổi đời từ 45-55. Họ lặng lẽ ăn, thì thầm trò chuyện và những đôi môi như héo úa vì đã lâu không cười, có lẽ bởi mỗi ngày, họ phải chứng kiến sự buồn bã và cạn kiệt hy vọng từ những bệnh nhân (BN) giai đoạn cuối...

Cực và buồn

Một buổi trưa, khi những người nuôi bệnh thuê đang tụ tập, giở hộp cơm ra ăn trước khoa Cấp cứu - BV Thống Nhất (TP.HCM), chị Định chạy ào lại, ôm những người đồng nghiệp nức nở : “Ổng giờ trò , chờ mấy ngày mới vô ca được mà gặp xui xẻo”.

Nước mắt lưng tròng, chị kể về sự “nổi hứng bất chợt” của một BN nam đã ngoài 80 tuổi: khi chị đang lui cui vệ sinh phần bên dưới cho ông ta, bất ngờ , ông bấm cửa, rút ra một xấp giấy bạc 500.000đ cùng lời đề nghị “em chiều tôi chút xíu, tôi cho nhiều tiền”. Chị Định đã làm công việc nuôi bệnh được hơn 5 năm, va chạm nhiều, nhưng vẫn sốc.

Lau nước mắt, chị Định soạn lại túi đồ nghề , chấp nhận tìm khách hàng mới. “Người đâu có tuổi mà không có nết, làm tui mất bộ đồ mới mua hôm qua rồi Chín!” - chị ngước qua chia sẻ với đồng nghiệp. Không chỉ mất bộ đồ mới, chị còn chấp nhận bỏ tiền công chăm bệnh hơn hai ngày qua và bữa cơm trưa ăn cùng BN. Giờ cũng đã quá bữa, chị không thể đi xin cơm từ thiện trong BV như mọi người nữa, đành nhịn đói.

Chị Định quê ở Đồng Tháp, đang yên ấm cùng chồng và hai con trai, bất ngờ bị giật hụi. Nhà quá nghèo, lại không có đất để bán, chị giật đầu này đắp đầu kia, vướng vào nợ vay nặng lãi. Khi số tiền lên gần 200 triệu, chị chịu hết nổi, trốn lên Sài Gòn tìm việc. “Sống với chồng con hơn 20 năm, tui chưa xa một đêm nào cả . Ngày ra bến xe, nhìn con trai đạp xe về mà tui khóc như mưa”.

Số phận đưa chị dạt về BV này, nơi mà đa số BN giàu có và thân nhân đều bận rộn, không thể túc trực chăm sóc dài ngày. Từ chỗ lóng ngóng cầm miếng tã , sau 5 năm, nay chị đã biết truyền dịch, truyền thuốc cho BN và còn biết cách nói chuyện cho BN khuây khỏa.

Nhung nguoi lam nghe
Chị Định chăm sóc bệnh nhân. Theo chị , người nuôi bệnh cần có kỹ năng, sức khỏe và sự chịu đựng về tinh thần

“Cực thì khó kể xiết chú ơi” - chị Chín, một người nuôi bệnh có thâm niên tám năm nói trong tiếng thở dài khi những chị khác đã ngả lưng ra ghế đá tìm giấc ngủ trưa. Chị Chín được những người ở đây xem là “cao thủ ”, vì “trị ” được những ca khó nhất.

Trước đây có cụ bà tên Sen, đã ngoài 80 tuổi, bị ung thư đại tràng. Cụ có chút vấn đề về thần kinh, gặp ai cũng chửi. Khi đã yên vị trên phòng, người nhà cụ bắt đầu thử việc với những ứng viên nuôi bệnh. Hết người này đến người kia lên thử đều “dội”, dù tiền công được trả đến 350.000đ/ngày. Chị Chín là ứng viên thứ 10, chị trụ lại được.

Chị bảo: “Có gì đâu, nhiều năm làm nghề này, tui xác định là mình phải chịu khổ và không được tự ái. Tui bưng chén cháo lên, cụ hất, tui cứ dọn thôi. Rồi tui lại dọn ra chén cháo mới. Tui nói gì cụ cũng chửi. Đến mức, tui ngồi nhìn ra cửa sổ , cụ cũng nói là “bộ có đứa nào cởi truồng ngoài đó sao mà nhìn”. Nếu không chịu được tủi hổ thì khó làm nghề này lắm”.

“Trị ” được bà Sen, chị “nổi tiếng”. Sau này, những ca khó , các chị đều “nhường cho Chín”. Nhiều người lao động cực mấy cũng chịu được, nhưng chạm tự ái là bỏ việc ngay. Riêng chị Chín, chịu đựng về mặt tinh thần cũng là một phần công việc, bởi chị xác định, người bệnh đang phải đau đớn, bế tắc, họ có buông lời xúc phạm cũng dễ hiểu. Thường thì những người bị bệnh rất nặng, không thể tự chăm sóc mình, thậm chí không thể tự đi vệ sinh mới cần đến người nuôi bệnh. Thế nên, hầu như không có gói công việc nhàn hạ cho những người làm nghề này.

Người nuôi bệnh chuyên nghiệp cần có kỹ năng đỡ BN lên xuống giường, giúp BN tiêu tiểu, tắm rửa… Những người bệnh nặng thường khó ăn, vì vậy người nuôi bệnh cũng cần có kỹ năng dỗ dành, trò chuyện ngọt ngào để BN nghe lời.

Công việc khó và nặng nhọc nên những người nuôi bệnh được trả khá , từ 250.000 - 350.000đ/ngày. Họ xác đị nh, BV là nhà , sinh hoạt, ăn uống đều diễn ra trong BV từ ngày này qua tháng nọ . Một số người may mắn thì được theo về nhà BN để tiếp tục công việc.

Trưa 11/11, tôi gặp chị Hòa trước cửa khoa Ngoại tiêu hóa - BV Chợ Rẫy. Chị nuôi bệnh thuê đã hơn bốn năm, hiện chị đang chăm một BN nam bị ung thư đại tràng. “Riết rồi tui như vợ ổng luôn, còn vợ ổng thì làm giám đốc công ty gì đó , bận lắm, lâu lâu mới ghé qua thăm. Vậy mà còn ghen tuông nữa mới mệt chứ ” - chị tâm sự .

Hầu như nam giới không làm nghề nuôi bệnh, nên BN nam cũng phải tuyển nữ chăm bệnh. Biết ý , chị Hòa đã mặc thêm chiếc áo khoác màu đen, kín cổ nhưng mỗi lần vào thăm chồng, “bà giám đốc” lại bóng gió răn đe về việc giữ khoảng cách.

Chị Hòa cười hiền: “Tui cũng có chiêu chớ . Có lần, ổng đi tiêu, tui kêu bả tới giải quyết, làm vài lần cho bả ngán mà khỏi nghĩ ngợi lung tung. Làm nghề này  buộc phải đụng chạm, gần gũi vậy đó . Vậy nên, thường thì những phụ nữ đứng tuổi, đã lập gia đình mới làm được”.

“Làm nghề bao nhiêu năm, chị sợ nhất điều gì ?” - tôi hỏi. Chị Hòa nhìn xuống khoảng sân đầy những chiếc áo BN chấp chới: “Sợ nhất là những lúc BN hấp hối. Tui chứng kiến nhiều cái chết quá . Có những BN gắn bó , có tình cảm với mình, quyến luyến với mình như người nhà nên khi họ ra đi, mình buồn và hụt hẫng nhiều”.

 "Người dưng cũng dễ thương nhau quá chớ..."

Chị Hoa có thâm niên nuôi bệnh ở khoa Thận, Niệu - BV 115 khẳng định, riêng với nghề nuôi bệnh, không có lòng thương người thì không thể làm, có cố cũng không làm được. Chị kể , có ông cụ hơn 70 tuổi bị ung thư tiền liệt tuyến, bỏ ăn, bỏ cả uống sữa, không chịu nằm viện. Chị được thuê về ở chung nhà để chăm sóc. Có những lúc, ông cụ hất cháo, hất sữa, chị vẫn nhẫn nại với suy nghĩ “tội nghiệp người ta, nếu mình mà như người ta chắc cũng vậy”.

Cuối cùng, ông cụ chịu ăn và còn bảo: “Tôi ăn vì tôi thấy chị cực quá ”. Chị Hoa nhỏ nhẹ đúc kết: “Nuôi bệnh nhiều, tôi biết, hóa ra, người bệnh cần nhất là chăm sóc về mặt tinh thần. Nếu mình có lòng thực sự , họ sẽ có lòng lại với mình và hợp tác trong việc ăn uống, thuốc thang”.

Hiểu được cái cực và cái buồn của nghề , những người làm nghề nuôi bệnh ít kèn cựa, đấu đá nhau. Trong vai một người đi tìm người nuôi bệnh, tôi đến BV Thống Nhất trưa 10/11. Lập tức, có một “cò ” dắt tôi đến chỗ những chị đang tìm việc. Chị Định bảo, “cò ” ở đây lấy 300.000đ/khách, còn giá nuôi bệnh là 300.000đ/ngày, 9 triệu đồng/tháng, không ai dám phá giá cả . Khách đến, các chị tuần tự phân suất cho nhau, không chèo kéo. Những người mới vào nghề cũng được người hành nghề thâm niên kèm cặp.

Chị Định hoặc những người hành nghề nuôi bệnh khác đều mang theo một câu chuyện bi kịch, thường là túng thiếu về tiền bạc, mới bỏ gia đình đến đây làm công việc cực khổ . Họ làm ra được nhiều tiền, nhưng phải chi tiêu tằn tiện để gửi về quê trả nợ . Có nhiều người mới vô nghề , lây lất ở BV, thử việc vài bữa không được, lại xuống “chỗ tập kết”, vạ vật xin cơm từ thiện để sống qua ngày.

“May mà có nhà bà Ba để ở ” - chị Thu, một “lính mới” chia sẻ . Cách đây đã hơn 10 năm, trong một lần tập thể dục ở BV Thống Nhất, bà Ba thấy những người nuôi bệnh đang thất nghiệp, động lòng, bà dẫn về nhà , bố trí một tầng cho ở . Những người nuôi bệnh ở BV Thống Nhất đều biết nhà bà Ba, đó là một căn nhà trong hẻm nhỏ trước cổng bệnh viện. Họ để hết đồ đạc ở nhà này. Những người có khách thì ngủ lại ở BV, những người chưa tìm được khách thì về nhà bà Ba trú tạm.

Ban đầu, bà Ba không thu tiền, nhưng sau đó chính những người ở nhờ “ép” bà phải thu 20.000đ/đêm. Chị Thu rơm rớm nước mắt kể : “Bà tốt lắm, lúc nào trong nhà cũng chứa vài chục người ở ké . Sáng sáng, bà lại hỏi có đứa nào ăn mì không bà pha cho, đứa nào thèm cà phê thì uống cùng bà . Bà còn lọm khọm vác gạo từ thiện về nấu cơm cho mọi người ăn miễn phí . Tính ra, người dưng cũng dễ thương nhau quá chớ . Giống như tụi tui đi nuôi bệnh, nuôi mấy bữa cũng thương luôn BN, rồi họ chết, cũng khóc như cha chết…”.

Nghe chị Thu kể , chị Định cũng đỏ hoe mắt. Chị bảo: “Bữa nay là tuần bảy nhỏ Hiền, nãy tui mới gọi điện hỏi thăm mẹ Hiền. Nhỏ đó mới 40 tuổi, bị ung thư não. Khi tui về nhà Hiền để chăm, nhỏ đã liệt hết tay chân, đầu vẫn tỉnh táo. Mỗi ngày, tui đọc báo cho Hiền, bắt nhạc Lệ Quyên cho Hiền nghe rồi mát xa cổ cho Hiền. Hai chị em cứ nói chuyện với nhau giờ này qua giờ khác mà không chán.

Đến một bữa, Hiền nhìn tui rất lạ rồi nói bằng giọng Bắc rất dễ thương “chị Định ạ , chị như chị ruột của em”. Tui khóc quá trời. Nói xong câu đó , ngày hôm sau, Hiền nhắm mắt. Tính ra, cái nghề này buồn thật chứ . Cái nghề gì mà càng làm càng thấy buồn”.

Chị Định lại chạy đi. Nhìn dáng chị như nhào về phía trước, tôi bần thần với câu nói vội vã lúc chia tay của chị là đi nuôi một nỗi buồn khác. Gánh niềm vui thì dễ chóng quên, chứ nuôi thêm một niềm đau là tái tê tim óc, nên nào dễ dàng buông...

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI