Lệch giá trị, nhà giáo dạy học trò gì đây?

12/05/2019 - 06:34

PNO - Người ta đang đánh giá giáo dục dựa trên tiêu chí nào khi mỗi năm là những con số hào nhoáng, vươn tay đến tầm châu lục mà con người sống và hành xử với nhau gần như không thấy dấu ấn của quá trình “có giáo dục”?

Hiện tượng tội phạm Đoàn Thị Hương được chào đón như celeb, một thanh niên hư hỏng có lượt xem khủng, một giang hồ được người dân kéo đoàn ra chào đón… khiến không ít người hoang mang về các giá trị sống. Giữa môi trường văn hóa, giáo dục lộn xộn, Các nhà giáo dục sẽ vất vả muôn phần trong việc nắn chỉnh những lệch lạc chân-thiện-mỹ cho học sinh. 

Cô Triệu Vẽ - giáo viên môn văn lớp 12, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, TP.HCM: 

Giáo dục giống như rừng phòng hộ

Cũng ngót nghét 30 mươi năm chứ không ít, kể từ ngày còn là cô nữ sinh ngồi nghe thầy giảng về tấn trò đời trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Với cái tuổi 17 ít trải nghiệm ấy, tuy không thấu cảm được những ý tứ thâm sâu trong tác phẩm có thể coi là “đủ làm vinh dự cho bất cứ nền văn học nào sở hữu nó!” nhưng chúng tôi vẫn hiểu cái lố lăng đến mục ruỗng thối nát, kinh tởm của xã hội thời ấy. Đến giờ, tôi vẫn không quên đúc kết của thầy: “Bất cứ khi nào xã hội trở nên giả dối, tôn vinh những thứ trái khoáy phi đạo đức, thì chúng ta sẽ còn thấy những mái tóc đỏ thấp thoáng!”.

Mỗi sớm giở báo cập nhật thông tin, tôi giật mình thảng thốt: chẳng lẽ chúng ta đang quay lại cái ngày cách đây gần một thế kỷ, khi quanh mình nhan nhản những mái tóc đỏ? Một kẻ giết người bị bắt giam ở nhà tù quốc tế, trở về với khuôn mặt tươi cười, được truyền thông đón tiếp, phỏng vấn như một vĩ nhân làm rạng danh dân tộc!

Có cả người làm thơ ca ngợi. Một cậu trai xốc nổi kém bản lĩnh, kém tri thức hành động như người có vấn đề thần kinh lại được theo dõi cổ vũ như một số ngôi sao và trở thành ngữ liệu trong một đề thi học kỳ II của một trường THPT cho hàng trăm học sinh lớp 12 tìm hiểu! Rồi nhan nhản những câu phát ngôn sống sượng, thậm chí là thô tục, chủ quan của các “thánh chửi” đánh đổ mọi giá trị tốt đẹp cơ bản của con người và xã hội loài người.

Với tư cách là nhà giáo, người trực tiếp tham gia giáo dục, xây dựng một thế hệ kế thừa gánh trên vai đất nước, giống nòi, tôi không thể không lo lắng băn khoăn: đất nước này rồi sẽ đi về đâu khi các bạn trẻ - thế hệ đáng lẽ phải dùng hết sức lực đỉnh cao của đời người vào việc tích lũy kiến thức, nạp nguồn năng lượng tốt lành từ những cây cao bóng cả, những con người có quan điểm và cuộc sống đẹp đầy năng lượng tích cực, để chạm tay đến những bậc thang cao hơn xứng đáng với cuộc sống của một kiếp “người ta là hoa của đất”, thì lại tung hô những thứ chỉ đưa con người gần như trở về thời mông muội. Đó là: sự thiếu kiềm chế, bản năng hoang dã bầy đàn, mạnh được yếu thua. Và rồi ai dám nói sẽ không là đẫm máu?

Cớ sao ra nông nỗi trong kỳ văn minh của loài người mà thiếu hẳn những kỹ năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, cao cả thấp hèn, thì liệu chỉ là nỗi đau sự lo lắng không thôi hay phải xem là quốc nạn?  

Chúng tôi không ít lần hỏi nhau, vai trò của giáo dục đương đại đang ở đâu? Người ta đang đánh giá giáo dục dựa trên tiêu chí nào khi mỗi năm là những con số hào nhoáng, là những tín hiệu khả quan là vươn tay đến tầm châu lục mà con người sống và hành xử với nhau gần như không thấy dấu ấn của quá trình “có giáo dục”? Liệu chúng ta có hổ thẹn? 

Giáo dục có thể hiểu là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần và thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra. Tác động có hệ thống trong giáo dục có nghĩa là thường xuyên liên tục, nhiều phía và có định hướng.

Vì thế ý thức điều chỉnh hành vi trong cuộc sống hằng ngày, xây dựng những nền tảng đạo đức chuẩn mực phải trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội. Đặc biệt ở những nơi trọng yếu, ví như nhà trường, truyền thông định hướng những giá trị sống, phải được dẫn dắt bởi những con người thật sự có tài năng có tâm trăn trở về sự hưng vong của cả một giống nòi. Kiểu như rừng phòng hộ đầu nguồn vững chắc thì người dân ắt hẳn sẽ an toàn. 

Trẻ con nói riêng và cả người lớn nói chung sống là giữ và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Phải được hít thở bầu không khí trong lành người ta mới có thể có tâm trạng sảng khoái. Phải mục thị những điều tốt lành bản thân mới từ bỏ những ham muốn vị kỷ, những toan tính xấu xa để từ từ chạm tay đến cái đẹp cái thiện. Ai trong chúng ta không rõ hoa thì dễ héo, cỏ lại thường tươi xanh? 

Lech gia tri, nha giao day hoc tro gi day?
Tội phạm Đoàn Thị Hương được chào đón như người nổi tiếng! - Ảnh: Internet

Vậy nên đã đến lúc, cần nghiêm túc làm cái gì đó, người trực tiếp có trách nhiệm hay kể cả những người bình thường, cũng phải định vị lại những thứ mình tôn vinh, mình chạy theo, mình cho rằng có giá trị để cứu lấy sự hưng vong của cả dân tộc. Tập cho người trẻ thói quen đọc sách, giúp các em nhận ra và coi trọng những giá trị thực, biết nhận ra đâu là một cuộc sống có ý nghĩa. Nếu chúng ta kiên trì và chung tay, tất yếu xung quanh trẻ sẽ có một trường năng lượng mạnh mẽ tốt lành tự khắc sẽ miễn nhiễm với đám đông, không a dua dễ thỏa hiệp với cái xấu… 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân - nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM): 

Thiếu vắng sự huấn luyện về các giá trị sống

Theo tôi, những người hào hứng tỏ bày sự khâm phục, ngưỡng mộ những cá nhân như Đoàn Thị Hương, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… là do không có một hệ giá trị chuẩn về đạo đức.

Hiện xã hội chúng ta đang sống dường như không hoặc rất khó phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu. Thí dụ, họ không nhận thức được rằng dù bị lừa, nhưng Đoàn Thị Hương cũng đã xác lập hành vi giết người ở mức ngộ sát hoặc vô ý gây ra cái chết. Và khi đã lấy đi một nhân mạng thì nếu là người tử tế đều phải có sự hối lỗi, giày xé lương tâm.

Đám đông ấy cũng không có khả năng độc lập trong suy nghĩ, nên dễ dàng bị dẫn dắt và a dua theo nhau để tung hô những cái thuộc về vẻ bề ngoài. Nói chung, đó là một đám đông thiếu vắng nền tảng cả về tâm và trí.

Tạo hóa đã dựng nên con người luôn hướng đến điều tốt, tránh điều xấu, nhưng họ không được biết thế nào là tốt, đâu là xấu.

Và hiện tại, giáo dục trong nhà trường, các khóa huấn luyện ngoài xã hội lại cũng chỉ chú ý đến kiến thức, kỹ năng. Không biết bao nhiêu lớp, khóa kỹ năng, nhưng có bao nhiêu khóa học dạy về các giá trị sống?

Quốc Ngọc (ghi)

Ông Huỳnh Bá Trung (trợ lý thanh niên Trường THPT Trần Quang Khải, 
Q.11, TP.HCM):

Cha mẹ, thầy cô phải nắm thông tin “hot” mạng xã hội


Thời buổi 4.0 như hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội. Chính vì điều này, cần phải định hướng cho học sinh cách chọn lọc thông tin, dữ liệu. Các trang fanpage cũng như kênh YouTube của các nhân vật giang hồ lại giữ lượng like và theo dõi rất lớn, mà đa số là học sinh.

Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ các em chỉ xem hay theo dõi để vui cười, tào lao. Tôi không nghĩ vậy, do các em còn trong quá trình định hình nhân cách, nên rất dễ bắt chước, và điều này ảnh hưởng rất lớn đến cả xã hội chứ không phải chỉ là vui chơi. Cha mẹ, thầy cô cũng cần là một người bạn của học sinh, phải nắm bắt kịp xu hướng thời đại. Phải tiếp cận và nắm bắt nhanh chóng những thông tin trên các trang mạng xã hội để có cái nhìn đúng và định hướng hành vi trẻ…

Ông Huỳnh Công Liêm - giáo viên dạy toán Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.HCM): 

Tôi tin có thể uốn trẻ, nếu kịp thời

Tôi yêu trẻ và hơn nửa đời mình gắn bó với trẻ. Sự ảnh hưởng của trẻ bởi những trào lưu hay gương xấu là rất nghiêm trọng, nhưng tôi thật sự có niềm tin vào việc chúng ta hoàn toàn có thể dạy trẻ tốt lên mỗi ngày. Các em còn nhỏ ví như đất sét chưa khô, nếu chúng ta có tâm và chút tài hoa, uốn nắn kịp thời ắt hẳn sẽ cho những thành tựu rực rỡ. 

Thanh Loan (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI