'Đáo xuân' và những phím đàn đổ...

10/04/2019 - 10:00

PNO - Giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn, nhóm 10 họa sĩ phía Bắc lại... chơi triển lãm chủ đề 'Đáo xuân' (từ ngày 4-16/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM). Họ đem Hà Nội, đem màu sắc của miền Bắc vào Sài Gòn, để dịu cơn nóng.

Một Sa Pa của Tô Ngọc Thành với ruộng bậc thang, mùa vàng và mây trắng. Nguyễn Xuân Khánh gọi tên bốn mùa. Đỗ Hương của những phố, từ Hà Nội đến Hội An và những gánh mùi quê, mùa quê. Hạ Long trong tranh Bùi Thế Khánh là cánh buồm tuổi thơ, như trang sách đã mất. Rồi sen của Vũ Tuyên, rất lạ... Ở đó ngập hoa, nồng nàn bốn mùa. Những ngõ đông mà không xô bồ. Nắng được gọi từ hoa như lời yêu đón chờ không đến hoặc đã đến rồi ra đi. Bình dị đời sống của người quê lẫn người phố, như hơi thở quá quen, quá gần.

'Dao xuan' va nhung phim dan do...
Ngõ ngô luộc - Đỗ Hương

Sơn dầu, màu nước, Acrylic... chất liệu chỉ là cái cớ. Hình như họ thống nhất cái nhìn rằng, đừng xô đẩy ầm ĩ trên tranh làm gì, ở xứ vốn quá náo nhiệt là Sài Gòn. Họa sĩ Đỗ Hương nói: “Mình không biết tranh mình đẹp hay xấu, nhưng có người hỏi, sao không vẽ cái ác. Câu trả lời là khi không vẽ nó, tức là mình quay lưng, không chấp nhận nó. Cuộc sống vốn đẹp. Hãy đưa cái đẹp đến để mọi người tận hưởng và suy ngẫm về nó”.

Sẽ khó tìm những cái lạ, cái mới ở phòng tranh này, bởi tất cả đều là câu chuyện đã cũ, đã mất, thậm chí khao khát tìm khi nó đang hiện tồn ở thì hiện tại, như cầm nắm được, nhưng nó mong manh và trong trẻo quá, nên người ta lo. Trường phái ấn tượng đã được vận dụng ở khá nhiều tác phẩm. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện của ánh sáng tự nhiên được vận dụng để phổ, nâng đỡ cho chủ đề từng bức tranh. Có một thứ ánh sáng chưa và không bao giờ tắt, là ký ức, hoài niệm, là nỗi nhớ, là những gì đã mất. Điều đó đồng nghĩa với sự níu kéo, khao khát bao bọc, giữ gìn những tốt đẹp của hiện tại.

Những bức tranh, dẫu màu gì, cảnh vật ra sao, đều là câu chuyện của vĩnh cửu: cái đẹp của tình yêu và sự trong sáng sẽ không bao giờ quay lại, nếu bỏ mất. Vì thế, những câu chuyện ở đây luôn mới. Họa sĩ Đỗ Hương nói, có hai phụ nữ ở Hà Nội vào Sài Gòn sống, tới xem những bức vẽ về phố Cửa Đông, một người đã khóc nức nở. Còn họa sĩ Vũ Tuyên thì nói: “Nhiều người trẻ đến đây, đã bộc lộ sự hoảng loạn, bởi họ tìm thấy... thời gian đã mất. Đó là tuổi thơ, là nếp nhà bình yên, là khoảng trời chưa một lần vẩn đục đã đi không trở lại”.

'Dao xuan' va nhung phim dan do...
Sen Hoan ca - Vũ Tuyên

Tranh sen của Vũ Tuyên khá lạ. Ở đó, lá nhảy như nốt nhạc. Hoa nở, dẫu có phai, nhưng không tàn. Hoa lớn như cha mẹ, ông bà, còn những nụ nhỏ là con cháu xúm xít. Còn gì nữa nếu không là thông điệp của yêu thương, bảo bọc? Sen như giấc mơ siêu thực, nên luôn có thực. Nó gieo, ám ảnh kinh khủng người xem, bởi cách thể hiện mới mẻ, không lặp lại như nhiều người khác về một chủ đề mà ai cũng muốn chạm tới: sen đi liền với thiền. Ở đây không là thiền, không khó hiểu. Tất cả là sự quấn quýt như tấm chăn ấm mẹ quàng trong đêm đông, trong sớm thu hanh hao gió. Hoan ca và yêu thương trong lặng lẽ, không dứt, không mất đi.

Những tầng vỉa của ký ức xanh thơ là thứ thuốc ma mị khiến người ta rơi vào cơn say. Tôi đã nhìn thấy ở thế giới của Nguyễn Xuân Khánh, dẫu thu hay hè, ngờm ngợp cuộn trào những lớp nhớ. Ở đó, bụi bặm không còn nữa. Tất cả hiện ra trong veo, loáng nước, mong manh. Những chất chồng nhưng không khít vào nhau, làm ra khoảng hở để ta không ngộp thở. Chiếc xe của ngày cũ đi rồi, giờ về lại làm chi để mà ngồi nhớ?
Tôi xem, sao bỗng nhớ bức ảnh nhạc sĩ Văn Cao trầm tư bên piano, bên trên là hoa cúc đại đóa đổ xuống. Nếu có một thứ mùi không tả được, là mùi nhớ, thì có lẽ, nó được tìm thấy ở phòng tranh này. Mùi của những phím đàn xưa đang đổ. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI